Những ngày gần đây thông tin nhà đầu tư ngoại tìm mọi cách để thâu tóm sở hữu 53,59% vốn điều lệ tại Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang đổ dồn về hướng một doanh nghiệp trong nước, vốn điều lệ chỉ 681 tỷ đồng đăng ký mua 25% số cổ phần trên.
Trên trang điện tử của Bộ Công Thương đã chính thức thông báo đến thời điểm 18h ngày 11/12/2017, có 1 nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco đã thực hiện công bố thông tin là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage.
Việc công bố thông tin trên là bắt buộc theo quy định bởi đối với doanh nghiệp đăng ký mua trên 25% trên tổng số 53,59% đã lộ diện đại gia bí ẩn khiến cho cuộc đua thâu tóm cổ phần của Sabeco nóng hơn bao giờ hết.
Câu hỏi được đặt ra doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ gần 700 tỷ đồng như Vietnam Beverage đăng ký mua 25% cổ phần trên sẽ phải chi ra khoảng 2,25 tỷ Đô la Mỹ (khoảng hơn 50 ngàn tỷ đồng) có điều gì bất thường?
Trong trường hợp Vietnam Beverage mua toàn bộ 53,59% tỷ lệ cổ phần nhà nước tại Sabeco thì số tiền cần bỏ ra là hơn 100 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp này hoàn toàn có thể mua hết số cổ phần trên vì pháp nhân của Vietnam Beverage là vốn trong nước.
Tuy nhiên, những nghi ngại đại gia Thái Lan lập công ty Việt nhằm thâu tóm cổ phần Sabeco đang dần hé lộ.
Trụ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage đăng ký mua 25% trên 53,59% vốn điều lệ của Sabeco. Ảnh: Vũ Phương. |
Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trụ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage tại số nhà 10 khu tập thể 16A Lý Nam Đế (Hà Nội).
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage mới được thành lập hồi đầu tháng 10/2017 với tên gọi là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nga Sơn Beverage, vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Chủ sở hữu khi đó của công ty là Công ty Cổ phần Đầu tư Nga Sơn - công ty này cũng được thành lập trước đó vài ngày (27/9/2017). Theo đó, Bà Trần Kim Nga giữ vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Theo giấy phép kinh doanh, các ngành nghề chính khi thành lập công ty này là bán buôn, bán lẻ, dịch vụ đồ uống…
Tuy nhiên, đến ngày 7/12, công ty đã có những thay đổi mạnh. Cụ thể, công ty này đã này tăng vốn điều lệ lên 681,6 tỷ đồng. Đơn vị sở hữu lại được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam.
Người đại diện doanh nghiệp trên là ông Michael Chye Hin Fah, quốc tịch Singapore, còn Tổng Giám đốc là bà Trần Kim Nga.
Trong khi đó, Công ty cổ phần đầu tư F&B Alliance Việt Nam đã được hãng bia ThaiBev (Thái Lan) của tỉ phú người Thái - Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua Beerco Limited đã mua quyền sở hữu để nắm 49% cổ phần.
Ông Michael hiện là Giám đốc phụ trách Fraser and Neave Ltd. (công ty mẹ của quỹ đầu tư F&N Dairy Investments Pte Ltd) - tập đoàn đồ uống nổi tiếng của Thái Lan.
Trên thị trường chứng khoán cái tên F&N là quỹ đầu tư quen thuộc của tỷ phú Thái Lan – ông Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát.
F&N Dairy Investments Pte Ltd hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore, hoạt động chính trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ tịch.
Như vậy, những đồn đoán doanh nghiệp ngoại không được sở hữu quá 49% Sabeco đã tìm cách lập công ty tại Việt Nam nhằm thâu tóm bằng được Sabeco là có thật thông qua một công ty có vốn trong nước là Vietnam Beverage.
Nhiều đồn đoán tỷ phú Thái Lan sẽ vung tiền thâu tóm bằng được Sabeco để chi phối thị trường bia nội địa. Ảnh: TTXVN |
Thực tế, sáng 13/12, phóng viên có mặt tại một con ngõ nhỏ của khu tập thể 16A Lý Nam Đế, tại trụ sở đăng ký của Công ty cổ phần đầu tư Nga Sơn đã được thay đổi bằng Công ty cổ phần đầu tư F&B Alliance Việt Nam.
Trụ sở làm việc của công ty nằm trên tầng 2 là phòng khách của một ngôi nhà 5 tầng.
Nhiều người dân sinh sống ở đây cho biết, thực tế công ty này chỉ có biển bảng ở đó, còn gần như không có nhân viên, hoạt động như thế nào người dân không rõ.
Chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước |
Còn theo quy chế đấu giá đối với tỷ lệ cổ phần Nhà nước tại Sabeco do Bộ Công thương đại diện sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa 38,59% cổ phần do tỉ lệ sở hữu vốn dành cho nhà đầu tư ngoại của Sabeco chỉ được ở mức tối đa 49% (hiện tại khối ngoại đã nắm 10,41% vốn điều lệ Sabeco).
Trước đó, buổi giới thiệu chính thức (29/11/2017) chào bán công khai 343.662.587 cổ phần của Nhà nước (53,59% vốn điều lệ) tại Sabeco.
Mức giá khởi điểm chào báo lên tới 320.000 đồng/cổ phần với tổng giá trị theo mệnh giá là 3.437 tỷ đồng.
Với mức giá chào bán trên được cho là cao, tuy nhiên, những chuyên gia hàng đầu về M&A cho rằng, với lợi thế Sabeco đang dẫn đầu thị trường chiếm 40% sản lượng, tiếp theo là Heineken chiếm 28%, thứ ba là Habeco chiếm 17% và Carberg chiếm 9%... thì việc nhà đầu tư ngoại thâu tóm được Sabeco vẫn là rất lợi.
Hơn nữa, ngành bia nội địa có tiềm năng rất lớn do thị trường Việt Nam có dân số gần 100 triệu và người Việt có thói quen uống bia rất lớn.
Như vậy, với mục đích thâu tóm Sabeco, không ngoại trừ việc các nhà đầu tư có thể cùng mua cổ phần của Sabeco rồi góp lại hoặc sang nhượng. Hoặc trường hợp nhà đầu tư nước ngoài có thể nhờ các doanh nghiệp trong nước đứng tên giúp để không bị khống chế ở mức 49%.
Phiên đấu giá chào bán cổ phần Nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bắt đầu từ ngày 29/11 và kết thúc vào chiều 17/12.
Ngày tổ chức chào bán là 18/12/2017. Đơn vị tổ chức chào bán cạnh tranh là Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.