Xảy ra tranh cãi cũng là do người dùng điện thoại Android thường không hài lòng với thời lượng pin của máy, đặc biệt là với các model 4G, chúng không thể phục vụ qua một ngày nếu không nhờ tới ổ cắm điện.
Những người sử dụng các trình quản lý ứng dụng như Advanced Task Killer xuất phát từ lý luận: Các ứng dụng như Facebook, Google Maps, Pandora, và Twitter thường xuyên khởi động chạy trong chế độ nền, nên nếu thường xuyên tắt các ứng dụng này sẽ giúp tiết kiệm pin.
Đối lại, những người khác cho rằng các công cụ như vậy thực sự làm giảm thời lượng pin, với lập luận: Các ứng dụng khởi động trong chế độ nền sẽ tự khởi động lại sau khi bị diệt (tắt) bởi trình quản lý ứng dụng. Và quá trình lặp đi lặp lại này sẽ làm pin hao nhanh.
Để đi tìm ra câu trả lời, PCWorld Labs tiến hành thử nghiệm với một ứng dụng task killer trên một số điện thoại. Kết quả cho thấy không bên nào đúng hoàn toàn. Nhìn chung, sử dụng một ứng dụng task killer giúp tăng thời lượng pin, nhưng không đáng kể đủ để ai cũng nhận thấy. Với vài điện thoại, thời lượng pin không hề thay đổi, hoặc thậm chí còn bị giảm.
Thử nghiệm
Thử nghiệm được tiến hành với ứng dụng Advanced Task Killer, chạy trên các smartphone Android 4G. Advanced Task Killer hiện là ứng dụng task killer phổ biến nhất trên Android Market, và là một trong những ứng dụng được khuyên dùng thường xuyên nhất. (Có một điểm lưu ý là các nhà phát triển Advanced Task Killer không hề tự nhận ứng dụng của họ giúp cải thiện thời lượng pin cho điện thoại).
Các điện thoại tham gia thử nghiệm gồm: HTC Evo 3D, HTC Sensation 4G, HTC Thunderbolt, Motorola Droid Bionic, và AT&T Samsung Galaxy S II. Điện thoại được reset trả về chế độ mặc định như khi xuất xưởng, vô hiệu hóa Wi-Fi và 4G. Chế độ xem phim được đặt với màn hình ở độ sáng tối đa, phim độ nét cao được phát lặp liên tục cho đến khi máy cạn sạch pin.
Advanced Task Killer có các chế độ tắt ứng dụng: Safe - an toàn, Aggressive - quyết liệt, và Crazy - triệt để. Thử nghiệm tiến hành với thiết lập ở chế độ Save và đặt chu kỳ đóng các ứng dụng với mỗi nửa giờ; thiết lập này tắt các ứng dụng không mở nhưng vẫn tiêu tốn bộ nhớ. Các nhà phát triển khuyến nghị thiết lập Save, bởi hai thiết lập kia có thể làm cho một số ứng dụng trở nên không ổn định.
Kết quả
PHONE | Battery life | ||
---|---|---|---|
Without Task Killer | With Task Killer | Difference | |
HTC Evo 3D | 6:25 | 6:40 | 4.2% |
HTC Sensation 4G | 6:38 | 6:54 | 4.0% |
HTC ThunderBolt | 5:34 | 5:41 | 2.1% |
Motorola Droid Bionic | 4:50 | 4:50 | 0.0% |
Samsung Galaxy S II | 7:22 | 7:20 | -0.5% |
(Thời lượng pin tính theo Giờ:Phút).
Bảng trên cho thấy, ba trong số năm điện thoại thử nghiệm, gồm HTC Evo 3D, HTC Sensation 4G và HTC Thunderbolt có tăng thời lượng pin khi chạy Advanced Task Killer, nhưng không đáng kể. HTC Evo 3D tăng nhiều nhất, thêm được 15 phút, tương đương 4,2%. (Advanced Task Killer tăng được thời lượng pin cho các điện thoại HTC có lẽ là nhờ giao diện người dùng HTC Sense chạy trên điện thoại của hãng này).
Trong khi Droid Bionic cho thấy chẳng có lợi gì, và AT&T Galaxy S II thậm chí còn có kết quả tệ hơn, thời lượng pin bị giảm mất 2 phút so với việc không chạy Advanced Task Killer.
Tính chung lại, mức cải thiện trung bình ở các điện thoại nêu trên là 1,9%, cho thấy tác động của ứng dụng task killer đối với thời lượng pin hầu như không đáng kể. Ứng dụng task killer có thể giúp giải phóng RAM cho điện thoại, nhờ vậy các ứng dụng chạy trơn tru hơn, nhưng thời lượng pin nếu có tăng cũng chẳng đáng bao nhiêu.