Bài học từ các cường quốc kinh tế
Cho vay tiêu dùng ra đời từ nhu cầu cấp thiết cần giải quyết bài toán tài chính chi tiêu cá nhân của người dân. Đây là xu hướng mà các quốc gia phát triển đã triển khai thành công, đơn cử như tại Mỹ, vay tiêu dùng đóng góp tới 70% cho tăng trưởng GDP.
Chỉ riêng quý I/2018, tổng tín dụng tiêu dùng của Mỹ đã tăng 5,1% so với cùng thời điểm này năm trước, tương đương 184 tỷ USD lên 3,82 nghìn tỷ USD.
Con số này bao gồm các hoạt động vay tín dụng theo hình thức tín chấp như nợ thẻ tín dụng, vay mua nhà và các khoản vay của sinh viên.
Tại Anh, dư nợ tín dụng hộ gia đình tương đương 94% GDP, tại Hàn Quốc là 95,6%, tại Malaysia là 88%, còn tại Australia, tỷ lệ này thậm chí còn lên tới 136%.
Còn ở Việt Nam dù tiềm năng rất lớn, nhưng tốc độ phát triển cho vay tiêu dùng vẫn còn chậm, dù bước sang năm thứ 11 nhưng dường như vẫn đang ở giai đoạn khởi động khi mới chỉ đáp ứng nhu cầu của khoảng 1/4 khách hàng mục tiêu và đạt quy mô khá khiêm tốn khoảng 43 tỷ USD vào cuối năm 2017.
Cho vay tiêu dùng ra đời từ nhu cầu cấp thiết cần giải quyết bài toán tài chính chi tiêu cá nhân của người dân. ảnh: giaoduc.net.vn |
Trong quá trình phát triển cho vay tiêu dùng đã vượt qua sứ mệnh ban đầu của mình, từng bước giúp cải thiện đời sống xã hội, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, tăng cường minh bạch thị trường tài chính và thúc đẩy cả nền sản xuất trong nước.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia phát triển, tài chính tiêu dùng được coi là số liệu quan trọng, phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế.
Mặc dù vậy các dịch vụ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, trong khi đó tại các quốc gia phát triển, danh mục các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng vô cùng đa dạng.
Đơn cử như tại Mỹ, ngoài các nhà cung cấp có cùng tính chất như Việt Nam còn có Hiệp hội tiết kiệm và cho vay, công ty bảo hiểm nhân thọ, công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), Trung tâm thương mại (rent to own centers),…
Do lịch sử phát triển lâu đời hơn, quy mô thị trường lớn hơn rất nhiều lần nên mỗi loại hình nhà cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng tại Mỹ cũng đa dạng hơn, nhiều sản phẩm hơn, đáp ứng gần như tất cả các nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của khách hàng.
Như vậy, có thể thấy thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam còn khá sơ khai, tiềm năng cũng còn rất lớn để các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác triệt để trong giai đoạn tới.
Xu thế không thể đảo ngược
Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, có thể thấy việc phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là xu thế không thể đảo ngược của tất cả các nền kinh tế mà Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Không những thế, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn được đánh giá đang ở giai đoạn vàng để phát triển bởi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi”.
Trong đó, các yếu tố quan trọng nhất bao gồm kinh tế tăng trưởng tốt (6,81% năm 2017), thu nhập bình quân đầu người tăng (đạt 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016), tầng lớp trung lưu - giới trẻ gia tăng nhanh chóng về cả quy mô và mức sống, khiến nhu cầu mua sắm ngày càng cao.
Sự phát triển vượt trội của công nghệ, sự hoàn thiện của hành lang pháp lý và sự quan tâm của giới đầu tư cả trong và ngoài nước… cũng đang ghi dấu ấn rất rõ ràng lên thị trường tài chính tiêu dùng.
Khi được hỏi về cơ hội phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng trong nước, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tiềm năng phát triển của lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang rất lớn.
Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rầm rộ “đổ” tiền vào thị trường này.
Trong đó, có thể kể đến việc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại Techcom Finance với giá 1.700 tỉ đồng vào tháng 10/2017.
Trước đó, Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9/2017 cũng đã mua lại 49% vốn công ty tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng quân đội (MB).
Hay như FE Credit, công ty chuyên về cho vay tiêu dùng của VP Bank, đã huy động được 200 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài, gồm có Credit Suisse, Deutsche Bank trong năm qua.
Đánh giá về triển vọng tương lai của thị trường tài chính tiêu dùng, dựa trên những bài học quốc tế và thực trạng tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển Trường đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh trong thời gian tới, xu thế tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là đúng quy luật và không thể đảo ngược.
Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính luôn đa dạng hóa sản phẩm cho vay tiêu dùng bằng nhiều sản phẩm thiết kế dành cho các khách hàng cá nhân có thu nhập thường xuyên, ổn định... với chính sách cho vay hấp dẫn.
Có thể thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay có vai trò rất tích cực đối với kinh tế - xã hội cũng như đối với mỗi gia đình. Với từng người, từng nhà, loại hình tín dụng này đã hỗ trợ khá nhiều khách hàng chưa có tài sản tích luỹ có thể mua sắm, trang trải các chi phí… rất nhiều trường hợp khó khăn về tài chính không vay mượn được của người thân, nhưng đã được xử lý ngay khi đến với dịch vụ vay tiêu dùng.
Đó là cách tư duy văn minh, tức là vay để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của công việc, của cuộc sống căn cứ trên thu nhập có thể trả, và khi có áp lực trả nợ thì người đi vay sẽ nỗ lực làm việc tốt hơn.
Còn ở góc độ phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển dịch vụ tín dụng tiêu dùng này đã góp phần giảm bớt nạn “tín dụng đen”, hình thành thị trường tín dụng đa dạng sản phẩm, đem lại nhiều lựa chọn cho người dân. Hơn nữa, nó còn góp phần kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế