Vay tiêu dùng trả góp 0 đồng, người dân cần làm gì để tự bảo vệ mình?

01/02/2016 07:31
Ngọc Quang
(GDVN) - TS.Nguyễn Trí Hiếu: "Người đi vay nên nghiên cứu cặn kẽ các hợp đồng tín dụng để hiểu được cách tính lãi suất, lịch trình trả nợ, lãi phạt quá hạn".

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân, vì thế nhu cầu mua sắm của người dân đang tăng rất mạnh. Nắm bắt tâm lý của khách hàng, nhiều công ty tài chính (CTTC) đã triển khai hàng loạt gói tín dụng vay tiêu dùng với đa dạng các sản phẩm, lãi suất và điều kiện vay rất hấp dẫn, thậm chí còn có gói hỗ trợ vay mua hàng trả góp với mức lãi suất 0%.

Với thủ tục thuận tiện, đơn giản, không cần chứng minh tài chính, không cần thế chấp tài sản, chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất 0% của các công ty tài chính đang thực sự thu hút sự quan tâm của đa dạng đối tượng khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.

Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng vẫn còn tỏ ra nghi ngờ tính chất thực của chương trình và nghi ngại rằng: Liệu chương trình này có thực sự đem lại lợi ích cho khách hàng hay chỉ là “chiêu bài” mà các công ty tài chính tung ra để lôi kéo khách hàng.

Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, xem thật kỹ hợp đồng khi trước khi ký. ảnh: Minh Huệ.
Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, xem thật kỹ hợp đồng khi trước khi ký. ảnh: Minh Huệ.

Vì sao khi tham gia chương trình khuyến mãi mua hàng trả góp lãi suất 0%, người vay vẫn phải trả một số khoản phí?

Một chuyên gia trong ngành ngân hàng cho biết, công ty tài chính cho vay lãi suất 0% nghĩa là đã hỗ trợ phần lãi suất, không tính lãi, còn đối với các khoản phí khác như duy trì, vận hành, bộ máy, phí phạt chậm, phí trả trước hạn... thì đương nhiên người tiêu dùng vẫn phải trả như thông thường.

Lãi suất 0% không có nghĩa là người tiêu dùng không phải trả bất cứ một đồng nào. Đây là quy định đối với tất cả gói lãi suất chứ không riêng đối với gói cho vay tiêu dùng lãi suất 0%.

Những loại phí trên được pháp luật cho phép và được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng thỏa thuận giữa công ty tài chính và khách hàng.

Vay tiêu dùng trả góp 0 đồng, người dân cần làm gì để tự bảo vệ mình? ảnh 2

Ông Bùi Kiến Thành: “Kiều hối giúp ổn định kinh tế Việt Nam"

Nếu khách hàng trả góp với gói lãi suất 0% thì không cần phải trả thêm phí lãi suất hàng tháng, song các công ty tài chính thường tư vấn và khuyến khích khách hàng tham gia bảo hiểm khoản vay và nộp thêm phí thu hộ.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khách hàng lại chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của bảo hiểm khoản vay, hoặc chưa được nhân viên tín dụng tư vấn và giải thích cụ thể về những lợi ích mà nó đem lại.

Chuyên gia này nói thêm, bảo hiểm khoản vay có lợi cho khách hàng, bởi nếu không may gặp phải những rủi ro không lường trước được xảy ra sau khi vay tín chấp, công ty bảo hiểm sẽ trả nợ thay khách hàng. Và đây cũng là tiêu chí quan trọng để các công ty tài chính dễ dàng phê duyệt khoản vay của khách hàng một cách nhanh chóng và thuận lợi như hiện nay.

Vấn đề là công ty tài chính cần tư vấn cụ thể, rõ ràng cho khách hàng và ngược lại, khách hàng cũng cần chủ động tìm hiểu và tham khảo ý kiến nhân viên tư vấn về những vấn đề mình chưa thực sự hiểu rõ, để tránh những hiểu lầm không đáng có xảy ra sau khi ký kết hợp đồng vay vốn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng đưa ra lời khuyên, trong mọi trường hợp, người dân nên tránh loại tín dụng đen - một loại tín dụng mang nhiều rủi ro cho người đi vay vì lãi suất "cắt cổ" và cách trả nợ phi lý, thậm chí bất hợp pháp, cách thu hồi nợ thiếu an toàn của các tổ chức này.

“Để có thể có những tư vấn hợp lý, người dân nên khảo sát các chương trình tín dụng của ngân hàng, các sản phẩm tín dụng của các công ty tài chính, nếu cần nên có sự tư vấn của các chuyên gia tài chính và pháp luật.

Trong bất cứ trường hợp nào, người đi vay nên nghiên cứu cặn kẽ các hợp đồng tín dụng để hiểu được cách tính lãi suất, lịch trình trả nợ, lãi phạt quá hạn và các điều kiện khác”, TS Hiếu cho biết.

TS.Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong mọi trường hợp người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ. ảnh: Bình An/Giaoduc.net.vn
TS.Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong mọi trường hợp người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ. ảnh: Bình An/Giaoduc.net.vn

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trong tất cả mọi trường hợp, người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ. Các tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng và các công ty tài chính phải tuân thủ các quy định pháp luật. Những biện pháp truy đòi mang tính đe dọa, xâm phạm an ninh cá nhân đều bị luật pháp cấm, kể cả những áp lực mang tính áp đảo tinh thần.

Trong các trường hợp này, người dân có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ sự an toàn của mình. Hơn thế nữa, trường hợp người đi vay cảm thấy bị tổn hại có thể tìm sự tư vấn của các chuyên gia pháp luật để tìm cách bảo vệ chính mình. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM đưa ra lời khuyên, việc đầu tiên cần lưu ý là lựa chọn các công ty, tổ chức cho vay tín dụng có uy tín, trước khi lựa chọn phải tham khảo nhiều nguồn khác nhau. 

“Trong quá trình làm hồ sơ, tiến hành ký hợp đồng, người tiêu dùng cần hỏi kỹ nhân viên tư vấn thật cặn kẽ, kỹ lưỡng về các điều khoản, hạng mục trong hợp đồng, đặc biệt là lãi suất, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán và cả cách tính tiền phạt nếu trả lãi trễ. Người tiêu dùng cũng cần hỏi kỹ mục đích sử dụng các thông tin cá nhân và người thân.

Sau khi đã ký hợp đồng, người tiêu dùng cần lưu giữ cẩn thận tất cả các giấy tờ, văn bản có liên quan đến dịch vụ cho vay tín dụng tiêu dùng như hợp đồng, các hoá đơn, chứng từ, phiếu thu… để có căn cứ cho các tranh chấp nếu có về sau”, ông Hồng chia sẻ.

Trường hợp khi gặp vướng mắc liên quan tới vay tiêu dùng, mặc dù đã phản ánh nhưng vấn đề chưa được làm rõ hoặc giải quyết, ông Nguyễn Viết Hồng cho rằng, người dân có thể liên lạc với Cục quản lý cạnh tranh hoặc các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ.

Ngọc Quang