Theo Bộ Tài chính, các dự án BOT giao thông trên các tuyến quốc lộ, từ việc xây dựng đề xuất các dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; ký kết hợp đồng dự án; quản lý, triển khai xây dựng dự án và khai thác kinh doanh; xây dựng phương án tài chính của dự án, bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án được Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Sau khi nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án hoàn thành, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị với Bộ Giao thông vận tải xem xét.
Nhiều người dân và doanh nghiệp bức xúc vì phí BOT tăng kịch trần trong khi đời sống khó khăn. ảnh: ST. |
Sau khi xem xét, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án (trong đó, đề xuất cụ thể: mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí...).
Thực hiện quy định pháp luật phí và lệ phí; trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và Hợp đồng BOT Bộ Giao thông vận tải đã ký với Nhà đầu tư (mức thu phí hoàn vốn và thời gian thu phí hoàn vốn); Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Giao thông vận tải để ban hành Thông tư quy định mức thu phí từng dự án.
Làm đường, tăng phí BOT, anh đã hỏi dân chưa? |
Việc xây dựng và ban hành Thông tư được thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (soạn thảo Thông tư, gửi xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương liên quan; đăng tải trên Trang Thông tin điện tử để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân,...).
Mặt khác, về mức thu từng dự án phù hợp với quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ, trong đó, quy định:
- Khung mức thu phí
- Lộ trình điều chỉnh mức thu phí: Năm 2014 mức thu tối đa không quá 2,5 lần mức tối thiểu Khung; năm 2015 tối đa không quá 3 lần mức tối thiểu Khung; năm 2016 áp dụng mức tối đa khung.
Thông tư số 159/2013/TT-BTC được ban hành căn cứ vào: Luật giao thông đường bộ; Pháp luật phí, lệ phí; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh tăng mức thu phí đường bộ theo lộ trình đến năm 2016 đạt mức 3,5 lần so với mức phí cơ bản tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
Bộ Tài chính cũng cho biết, ngày 30/12/2015, Bộ Tài chính nhận được công văn số 17178/BGTVT-TC ngày 25/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải đề nghị lùi thời hạn điều chỉnh mức thu phí hoàn vốn của 23 dự án BOT (có lộ trình tăng phí kể từ ngày 01/01/2016) đến ngày 01/6/2016 (lùi thời gian thực hiện 5 tháng).
Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị của Bộ Giao thông vận tải chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với Nhà đầu tư trong hợp đồng BOT Nhà nước đã ký và không thể ban hành Thông tư lùi thời hạn ngay được từ ngày 01/01/2016 vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Mặt khác, hiện cả nước có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ Giao thông vận tải chỉ đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tăng mức thu phí 5 tháng của 23 trạm, trong khi đó vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn 7 Dự án sắp hoàn thành, với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản.
Do đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 19683/BTC-CST ngày 31/12/2015 đề nghị Bộ Giao thông vận tải:
- Đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án: Mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân,...;
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính phù hợp của chính sách; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân;
- Việc đề xuất thời điểm áp dụng cần tính đến thời gian cho việc thực hiện điều chỉnh văn bản, theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cũng như thời gian để các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục (công khai mức thu phí; thời gian áp dụng; in, phát hành vé thu phí,...) trước khi triển khai áp dụng chính sách mới.
Nội dung đề nghị Bộ Giao thông vận tải nêu trên nhằm đánh giá toàn diện chính sách để đảm bảo công bằng giữa các Nhà đầu tư, tôn trọng cam kết với Nhà đầu tư, ổn định tâm lý của Nhà đầu tư và môi trường đầu tư ở Việt Nam, tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tài chính cũng cho biết, tiếp tục lắng nghe ý kiến của tổ chức, cá nhân để trao đổi với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân.