Theo AP, chính hãng tin này đã cảnh báo các công ty nói trên về những lo ngại từ Việt Nam và quốc tế về Zing, trang web có lượng truy cập nhiều thứ 6 tại Việt Nam, quốc gia có 87 triệu dân. Sau đó, Coca-Cola và Samsung đồng loạt thôi quảng cáo trên Zing.
Lượng người sử dụng trẻ tuổi của Zing đã đưa trang này trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho các công ty muốn quảng báo sản phẩm tới thị trường Việt Nam, nơi có khoảng 30 triệu người sử dụng Internet.
Ngoài hai công ty này, còn có nhiều công ty đa quốc gia khác từng quảng cáo trên Zing, bao gồm Canon, Yamaha, Intel, và Colgate Palmolive, AP cho biết. Trong một tuyên bố của Zing mà AP có được, trang này không bình luận gì về sự việc.
AP cho rằng, sự hiện diện quảng cáo của các công ty quốc tế trên Zing càng tăng cường tính chất chính thống của trang này, và khiến nhiều nghệ sỹ của Việt Nam bất bình khi thấy Zing đang thu lợi từ công sức lao động của họ.
Trên Zing hiện không còn quảng cáo của Coca-Cola và Samsung |
“Chúng tôi rất tôn trọng và đề cao quyền sở hữu trí tuệ, và phản đối những hành vi xâm phạm, chẳng hạn như sao chép và phát tán các nội dung có bản quyền mà không được phép của nhà sở hữu. Vì vậy, các quảng cáo của chúng tôi trên Zing đã được rút xuống”, Samsung tuyên bố. Trước đó, hãng này có quảng cáo máy tính bảng Galaxy trên Zing.
Coca-Cola thì cho biết đã dừng quảng cáo trên Zing và sẽ “điều tra hoạt động của họ trước khi đưa ra quyết định tiếp theo”.
Hãng đồ uống này có mối quan hệ gần gũi với Zing, trang còn bao gồm những nội dung như trò chơi, tin nhắn nhanh và mạng xã hội. Theo thông tin trên Zing, vào năm 2011, Coca-Cola đã hợp tác với Zing để tổ chức một buổi lễ trao giải thưởng âm nhạc. Zing cho biết, một chuyên trang đặc biệt dành cho sự kiện này đã thu hút được gần 6 triệu người với 10 triệu lượt truy cập.
Theo AP, ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ đã phàn nàn nhiều về những công ty danh tiếng có quảng cáo trên các trang cho tải nhạc bất hợp pháp và đang tìm cách để các công ty này thôi quảng cáo trên các trang như vậy. Hồi tháng 5, Hiệp hội Các nhà quảng cáo Quốc gia của Mỹ đã ban hành quy chế đối với các thành viên nhằm ngăn chặn những quảng cáo kiểu này.
MV Corp, công ty chiếm khoảng một nửa ngành công nghiệp âm nhạc của Việt Nam, cho biết một số trang lớn, bao gồm Zing, có kế hoạch bắt đầu thu phí tải nhạc từ ngày 1/11. Tuy nhiên, còn chưa rõ thỏa thuận này có đồng nghĩa với việc những nội dung vi phạm bản quyền sẽ được rút xuống, và liệu các hãng ghi âm nước ngoài sẽ tham gia hay không.
AP nhận định, tầm phủ sóng rộng của Zing dù sao cũng có "ý nghĩa quan trọng" đối với các hãng ghi âm, cho dù Zing có bị phàn nàn.
Zing thuộc sở hữu của VNG Corporation, một công ty Internet của Việt Nam hiện đang dẫn đầu trên thị trường trò chơi trực tuyến có tỷ suất lợi nhuận cao. Cũng giống như nhiều trang khác trên thế giới, Zing tập hợp các đường link kết nối đến các nội dung chưa được cấp phép và tạo cho người sử dụng khả năng xâm phạm bản quyền.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
An Huy/ Theo Economy