Vì sao nhiều bác sĩ khuyến khích bỏ thói quen chấm chung trong dịch Covid-19?

21/04/2020 15:45
Quế Chi
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Trước thói quen chấm chung của người Việt, nhiều bác sĩ và chuyên gia đã lên tiếng khuyến khích người dân dùng riêng chén chấm khi ăn cơm nhà.

Trước thói quen chấm chung của người Việt, nhiều bác sĩ và chuyên gia đã lên tiếng khuyến khích người dân dùng riêng chén chấm để phòng chống dịch Covid-19 tốt hơn. Hãy cùng tìm hiểu những lý do vì sao phải bỏ thói quen không tốt này trên bàn ăn nhé!

Thói quen gây nguy hiểm cho cộng đồng thì nên bỏ triệt để

Việc “dùng chung” trên bàn ăn hay cụ thể là chấm chung từ lâu đã trở thành “thói quen” trong bữa cơm người Việt. Chúng ta thể hiện tinh thần “kính trên nhường dưới” với hành động gắp thức ăn cho người khác bằng đũa của mình.

Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại thời nay, đặc biệt là tại thời điểm Covid-19 hoành hành khắp thế giới, thói quen chấm chung tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh rất cao. 

“Dùng chung” trên bàn ăn, nguy cơ nhiễm bệnh tiềm ẩn

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hải - Giám đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng - Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia chia sẻ: “Với Covid-19, chỉ cần một thành viên trong gia đình nhiễm bệnh mà không biết, thói quen “dùng chung” trên bàn ăn đưa những giọt bắn có chứa virus dễ dàng phát tán cho những người khoẻ mạnh khác. Theo tôi, một thói quen nguy hiểm như vậy thì cũng đã đến lúc quyết tâm khai trừ”.

Cùng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó giám đốc Viện Dinh Dưỡng Trung ương cũng khuyến cáo cùng cơ chế với Covid-19 có vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày hay virus gây cúm, quai bị… Đây đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Thông qua nước bọt trên đũa của người bệnh lan sang chén nước chấm, người khỏe mạnh ngay sau đó sử dụng chén này là cơ hội để virus, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. 

Dùng chung chén chấm, dinh dưỡng cũng không đảm bảo.
Dùng chung chén chấm, dinh dưỡng cũng không đảm bảo.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Hồng Minh Công - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng nhiều người nghĩ trong chén chấm thì lượng dinh dưỡng hầu như không có, chủ yếu dùng để ăn ngon miệng hơn thôi.

Thực tế, trong nước mắm cũng có một lượng đạm đáng kể, hay tương ớt và tương cà cũng chứa vitamin C cũng như chất dinh dưỡng khác.

Chén chấm chỉ hoàn toàn “vô dụng” khi bị hoà lẫn nhiều thức ăn khác trong quá trình dùng chung. Như vậy, xét về góc độ dinh dưỡng, chấm chung cũng đã là thói quen không tốt.

Chấm chung làm mất đi giá trị dinh dưỡng của bữa ăn
Chấm chung làm mất đi giá trị dinh dưỡng của bữa ăn

Ở một góc nhìn khác, Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Kiều Diễm - Phó khoa nội tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 bổ sung: “Mùa này các chị em nội trợ đã bỏ ra rất  nhiều công sức để chuẩn bị những bữa ăn đầy dinh dưỡng cho cả nhà.

Thế nhưng chỉ vì giữ thói quen nhỏ như chấm chung, cơm nhà đã không thể an toàn như chúng ta vẫn tưởng. Vừa có nguy cơ lây bệnh, vừa khiến gia đình không thể hấp thụ toàn bộ dinh dưỡng trong chén chấm.”

“Thói quen” chấm chung có thể mang những ưu điểm về sự tiện lợi, tình cảm gia đình ẩn chứa. Thế nhưng mặt trái của nó là quá nguy hiểm. Đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm như thế này.

Liệu rằng những khuyến khích và chia sẻ khoa học của các bác sĩ và chuyên gia có thể thay đổi thói quen chấm chung của nhiều người Việt? Câu trả lời nằm ở nhận thức và hành động trên mỗi bữa cơm nhà của tất cả chúng ta.

Quế Chi