Vì sao nợ nghìn tỷ như Hoàng Anh Gia Lai vẫn không đáng ngại?

07/05/2012 13:47
Hà Nhi
(GDVN) - Mặc dù Hoàng Anh Gia Lai nợ hàng nghìn tỷ đồng nhưng lãnh đạo Tập đoàn này cùng nhiều độc giả báo GDVN vẫn khẳng định: Không đáng ngại...
“HAG sẽ không có rủi ro lớn về thanh khoản”

Báo cáo tài chính đã kiểm toán 2011 của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cho thấy, công ty này đang có những khoản nợ phải trả khá lớn lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng. TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cho rằng: đây là một con số đáng báo động bởi tỷ lệ nợ 63% trong Tổng tài sản của HAG cao hơn mức trung bình so với các tiêu chuẩn của Quốc tế.

Tuy nhiên, phản biện lại quan điểm nêu trên, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của HAG, ông Võ Trường Sơn lại cho rằng: Mỗi cơ sở, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực có những đặc điểm khác nhau. Một công ty ngành điện, ngành cao su, ngành bán lẻ, ngành tiêu dùng, hệ số vay sẽ khác nhau, trong đó, kỳ hạn, áp lực trả nợ là quan trọng nhất.

Ông Võ Trường Sơn, Phó TGĐ phụ trách tài chính của HAG cho rằng: Nguồn vốn dài hạn của HAG chiếm đến 73% (các tỷ lệ được tính trên tổng tài sản), trong khi đó tài sản dài hạn chỉ chiếm 48%. Như vậy, phần nguồn vốn dài hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản ngắn hạn là 25%. Đây có thể xem là một cái “đệm” an toàn về thanh khoản.
Ông Võ Trường Sơn, Phó TGĐ phụ trách tài chính của HAG cho rằng: Nguồn vốn dài hạn của HAG chiếm đến 73% (các tỷ lệ được tính trên tổng tài sản), trong khi đó tài sản dài hạn chỉ chiếm 48%. Như vậy, phần nguồn vốn dài hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản ngắn hạn là 25%. Đây có thể xem là một cái “đệm” an toàn về thanh khoản.

Ông Sơn đưa ra ví dụ: Một doanh nghiệp nào đó vay vốn với tỷ lệ nhỏ khoảng 30% nhưng lại là nợ ngắn hạn thì áp lực trả nợ còn đáng sợ hơn nhiều so với vay nợ trong một thời gian dài.

Ngược lại, chẳng hạn một người mua nhà giá trị chừng 3 tỷ, vay vốn ngân hàng 70% là 2,1 tỷ đồng. Nếu vay tới 15 – 20 năm thì chia ra 1 tháng, người này phải trả cả vốn và lãi không nhiều, số nợ đó lại trở nên bình thường.

Do đó, hệ số nợ 70% nguy hiểm hay không, phụ thuộc vào tiền nợ và khả năng tạo ra tiền của người vay.

“Điều cực kỳ nguy hiểm đó là cơ cấu nợ mất cân đối - cơ cấu nợ không phù hợp với khả năng kinh doanh, tài sản của công ty. Tại Việt Nam hiện nay, một số doanh nghiệp có cơ cấu nợ thấp hơn HAG nhưng phần lớn vẫn gặp khó khăn về tài chính bởi vì phần lớn là nợ ngắn hạn. Cơ cấu nợ dùng sai mục đích, lấy ngắn nuôi dài. Trong khi, kỳ hạn trả nợ của HAG rất dài từ 7 - 10 năm. Các khoản nợ dài hạn có kỳ hạn này phù hợp với kế hoạch dòng tiền của từng dự án đầu tư. Vì vậy, sẽ không tạo nên rủi ro lớn về thanh khoản” – ông Sơn tin tưởng.

Bầu Đức: Tôi tin vào Hoàng Anh Gia Lai

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2011 của HAG, các khoản vay và nợ ngắn hạn của HAG là hơn 3.201 tỷ đồng. Vay và nợ dài hạn của HAG cũng lên tới hơn 9.333 tỷ đồng, trong đó có các khoản vay ngân hàng và trái phiếu đến hạn trả. Cộng tổng số vay nợ phải trả của HAG lên tới hơn 11.000 tỷ đồng.

Riêng chi phí lãi vay cũng đã là khoản lớn nhất trong các khoản chi phí phải trả khác. Tính đến 31/12/2011 lãi vay HAG phải trả là hơn 252 tỷ đồng, trong khi đó chi phí xây dựng căn hộ là khoảng hơn 123 tỷ đồng…

Không riêng gì Hoàng Anh Gia Lai, nhiều doanh nghiệp trong nước khác cũng đang gánh những khoản nợ “khủng” tương tự
Không riêng gì Hoàng Anh Gia Lai, nhiều doanh nghiệp trong nước khác cũng đang gánh những khoản nợ “khủng” tương tự

Trong năm 2011, hàng tồn kho của HAG là hơn 4.448 tỷ đồng. Nhưng toàn bộ các căn hộ đang xây để bán bao gồm cả đất đã được thế chấp để đảm bảo các khoản vay của Tập đoàn này.

Trong quý I/2012, nợ phải trả của HAG đã chiếm phân nửa tổng nguồn vốn là hơn 9.260 tỷ đồng, (trên tổng nguồn vốn là hơn 18.000 tỷ đồng). Trong khi, quý I/2012 công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai chỉ lãi khoảng 6 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, trước tình hình nợ, chủ tịch HĐQT của Tập đoàn HAG, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định với báo Đất Việt: “Hiện cổ phiếu HAG còn không có mà mua. Nếu biết ai có ý định bán cổ phiếu HAG với số lượng lớn từ 10 triệu đơn vị trở lên thì thông báo cho tôi, tôi sẽ giới thiệu người mua lại ngay lập tức”.

Liên quan tới tỉ lệ nợ của HAG lên tới 63%, hàng trăm ý kiến phản hồi tới báo Giáo Dục Việt Nam đều cho rằng: “Con số này chưa có gì đáng ngại”, bởi lẽ tùy lĩnh vực hoạt động mà hệ số nợ sẽ khác nhau, cao nhất là ngân hàng có khi lên đến 90%.

Hơn nữa, không riêng gì HAG, nhiều doanh nghiệp trong nước khác cũng đang gánh những khoản nợ “khủng” tương tự.

Theo nguồn tin từ  CafeF.vn, bạn đọc ở địa chỉ sonicboomgl@gmail.com đưa ra ví : trong hồ sơ của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX) có ghi: Tổng tài sản lưu động ngắn hạn năm 2011 (đơn vị tính 1.000 VNĐ)  9,953,101,356; Tổng tài sản 16,870,263,950; Nợ ngắn hạn 9,620,850,511; Tổng nợ 11,187,350,921; Vốn chủ sở hữu 2,971,744,237.

Như vậy, “tỷ lệ nợ trên tổng tài sản của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam là 66% cao hơn HAG 3%. Tỉ lệ nợ trên tổng tài sản của HAG so với một số doanh nghiệp cùng ngành và các công ty Nhà nước nắm cổ phần chi phối là còn thấp” – bạn đọc này nhận xét.

Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày


Hà Nhi