Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định, đây là một dự án hết sức quan trọng và cấp bách đối với Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và sau khi cân nhắc các phương án thì đi đến quyết định thi công trong giai đoạn tháng 5 - 6, vì đây là mùa khô sẽ đảm bảo cho chất lượng công trình; còn nếu làm vào mùa mưa sẽ gây nhiều khó khăn trong thi công.
Ông Thanh cho biết: “Tôi nói rõ đây không phải là sửa sân bay mà là làm thêm điểm đỗ máy bay. Việc làm thêm điểm đỗ như vậy sẽ khắc phục được hạn chế là rút ngắn thời gian tàu bay từ đường ngăn đến sân đỗ cũng như ngược lại, giải quyết tình trạng ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng hàng không, giải quyết vấn đề hành khách phải mất thêm thời gian".
Ông Lại Xuân Thanh thông tin về kế hoạch cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều nay (3/4) tại Bộ GTVT. ảnh: Ngọc Quang. |
Cũng theo Cục trưởng Hàng không, trong năm 2015, các hãng hàng không của Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm khoảng 20 máy bay mới, trong khi đó giai đoạn từ 2016 – 2018 thì Tân Sơn Nhất vẫn là sân bay chính của các hãng hàng không Việt Nam, nhu cầu của hàng khách rất lớn.
Trước đó vào chiều 2/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp bàn về việc xã hội hoá đầu tư nhà ga, cảng hàng không.
Trước hàng hoạt các ý kiến bày tỏ lo lắng của các hãng hàng không về kế hoạch cải tạo đường lăn và mở rộng điểm đỗ vào giai đoạn cao điểm (dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5) có thể ảnh hưởng lớn tới kế hoạch của các hãng và gây phiền toái cho hành khách, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, việc sửa chữa nhằm mục tiêu tránh sự đối đầu của máy bay lăn, ra lăn vào; giảm tải cho khu vực đường lăn Bắc Nam, đồng thời nâng cao năng lực khai thác sân đậu máy bay thêm 15 vị trí, lên 46 chỗ đỗ; đồng thời khẳng định việc sửa chữa chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến hoạt động đi lại của hành khách; không ảnh hưởng đến kế hoạch bay của các hãng hàng không, kể cả dịp cao điểm 30/4 – 1/5.
Tại cuộc họp báo do Bộ GTVT tổ chức chiều nay (3/4), ông Lại Xuân Thanh cho rằng, việc thi công có ảnh hưởng đến việc khai thác và chắc chắn các hãng phải phối hợp để điều tiết lịch bay, vì đường lăn 25L dài tới 3,8 km bị đóng hoàn toàn ban ngày (chỉ được mở vào đêm).
Ông Thanh khẳng định: “Các hãng hàng không vẫn đảm bảo được số chuyến bay quốc tế, nội địa, nhưng sẽ phải điều tiết lại khung giờ bay. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tổng hợp và báo cáo chi tiết Bộ trưởng trước ngày 10/4. Có rất nhiều vấn đề chi tiết được đặt ra cụ thể, thí dụ như trong trường hợp hạn chế khai thác thì tàu bay cất cánh lăn theo đường nào, tàu bay hạ cánh lăn theo đường nào, sự phối hợp giữa kiểm soát viên không lưu với hệ thống mặt đất… phải báo cáo hết sức chi tiết, được phê duyệt và thực hiện”.
Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, theo đề xuất ban đầu của Cục Hàng không thì kế hoạch sửa chữa kéo dài 2,5 tháng (từ 10/5 đến 25/7), tuy nhiên Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định hạn chế thời gian khai thác sau dịp nghỉ lễ, tức là từ 10/5 và phải kết thúc vào ngày 30/6 (tức là rút ngắn 25 ngày theo đề xuất của cơ quan chuyên môn). Theo đó, phương án thi công sẽ bắt đầu từ ngày 10/4 và kết thúc vào 30/6 và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không. Thời gian đóng một đường lăn được thực hiện sau dịp nghỉ lễ, tức ngày vào ngày 10/5
“Bộ trưởng cũng đã giao cho các cơ quan an ninh làm việc với Bộ Quốc phòng để đề nghị giảm bay huấn luyện tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để ưu tiên cho hoạt động bay dân sự. Vào dịp Tết âm lịch vừa qua, Bộ Quốc phòng cũng đã ưu tiên cho các chuyến bay dân sự. Về lâu dài, Bộ Quốc phòng cũng có kế hoạch ưu tiên tối đa cho các hoạt động bay dân sự”, ông Thanh cho biết thêm.
Liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn của các chuyến bay, ông Lại Xuân Thanh cho biết, trong hoạt động khai thác hàng không thì sợ nhất là lúc chuyển mùa, vì nó ảnh hưởng lớn đến tàu bay, nhưng trong quý I năm 2015 thì đã đảm bảo rất tốt, giảm hẳn các sự cố kỹ thuật so với những năm trước.
Khi phóng viên đề cập tới vụ việc cụ thể chuyến bay của Vietjet 117 ngày 22/3 từ Đà Nẵng về sân bay Tân Sơn Nhất bị sự cố kỹ thuật hệ thống phanh, phải dừng trên đường cất hạ cánh (tất cả hành khách an toàn, máy bay không có hư hại), ông Lại Xuân Thanh cho biết: “Đối với chuyến bay của Vietjet, khi hết giai đoạn sử dụng phanh tự động chuyển sang phanh tay đi vào đường ngăn thì phanh tay bị hỏng. Chúng tôi không xử phạt vi phạm hành chính bởi vì phi công đã xử lý đúng quy trình trong sự cố kỹ thuật này, tàu bay không bị xông ra ngoài đường bảo hiểm”.