Mua thêm 6 máy bay Airbus A321: "Nước cờ" của VietJet
Tại triển lãm Hàng không quốc tế Paris Air Show 2015, Vietjet và Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua thêm 6 chiếc máy bay dòng A321 với tổng giá trị công bố là 682 triệu USD.
Hợp đồng mua thêm 6 chiếc máy bay lần này nằm ngoài gói hợp đồng mua và thuê 100 máy bay mà hai bên ký kết vào năm ngoái.
Quyết định mua thêm 6 tàu bay Airbus A321 cho thấy, VietJet tiếp tục “trung thành” với dòng máy bay Airbus.
Nhìn ra thị trường thời gian qua, trong khi Vietnam Airlines mua sắm rầm rộ những máy bay cỡ lớn như Boeing 787-9, Airbus A350 XWB thì VietJet vẫn chỉ sử dụng 2 dòng máy bay chính Airbus A320 và Airbus A321.
VietJet tiếp tục mua thêm máy bay Airbus A321... |
Với hãng hàng không, phát triển đội bay mang ý nghĩa quyết định trong việc chiếm lĩnh thị trường. Nhìn vào cách mua sắm máy bay của Vietnam Airlines và VietJet, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định, Airbus A320 và A321 là dòng máy bay tầm trung, phục vụ đường bay ngắn trong nội địa, khu vực ASEAN và châu Á.
Việc VietJet nhắm vào phân khúc thị trường này hoàn toàn hợp lý bởi mục tiêu của VietJet đang hướng đến mở đường bay nhiều sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, mới nhất là các đường bay sang Hàn Quốc, Đài Loan.
Sự lựa chọn này hoàn toàn hợp lý bởi mức đầu tư máy bay không quá lớn, dòng máy bay A320, A321 phù hợp với sân bay nhỏ nội địa. VietJet phát triển mạnh mẽ trong hơn 2 năm qua, tuy nhiên đây vẫn là hãng hàng không trẻ, nếu vội vàng đầu tư dòng tàu bay cỡ lớn hiện đại, đòi hỏi vốn lớn trong khi đường bay ngắn sẽ không phù hợp.
“Có thể thấy định hướng phát triển rất rõ ràng của VietJet, tập trung vào phân khúc khách hàng tầm trung, với đường ngắn và trung bình mở rộng nhiều đường bay mới đáp ứng nhu cầu đi lại người dân”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.
Riêng với Vietnam Airlines, qua thông tin việc mua sắm máy bay cỡ lớn mới như Boeing 787, A350 XWB. Đồng thời Vietnam Airlines đang tính đến việc bán máy bay ATR-72... cho thấy tham vọng của Vietnam Airlines chiếm lĩnh đường bay dài.
Sự khôn ngoan của một thương hiệu
Theo ông Hoàng Tùng – chuyên gia Marketing, với thương hiệu mới như VietJet, khó khăn nhất là chọn được phân khúc thị trường phù hợp, từ đó sẽ nhìn ra khách hàng mục tiêu và giúp doanh nghiệp dễ dàng trong việc chinh phục sự hài lòng của khách hàng.
Khi mới thành lập, VietJet hướng định hướng hãng không giá rẻ. Tuy nhiên do tính chất văn hóa, suy nghĩ của khách hàng cho rằng rẻ thường đi kèm theo chất lượng dịch vụ kém, thường chậm chuyến hủy chuyến… chính vì vậy VietJet đã bỏ cụm từ “hãng hàng không giá rẻ”.
Điều này cho thấy, VietJet đã chọn ra một phân khúc làm thị trường mục tiêu phù hợp, đó là phục vụ tất cả đối tượng hành khách với mức giá thấp nhất, dịch vụ tốt nhất.
Về lý thuyết, sau khi đã lựa chọn được cho minh phân khúc làm thị trường mục tiêu, doanh nghiệp cần lên kế hoạch về việc tạo dựng giá trị khác biệt cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Điểm khác biệt này sẽ mang lại tính cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp so với đối thủ.
Chiếu theo lý thuyết trên, VietJet đang làm khá tốt, chất lượng dịch vụ hãng nâng lên thể hiện rõ nhất vấn đề chậm hủy chuyến giảm, nhiều dịch vụ trên máy bay được mở ra trong khi mức giá vé vẫn hấp dẫn.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, sự cạnh tranh thị trường hàng không Việt Nam đã giúp định hình phân khúc thị trường. Trong khi Vietnam Airlines hướng đến đường bay dài, chất lượng dịch vụ tốt, giá vé cao thì VietJet mạnh với đường bay trung bình và ngắn, chất lượng phục vụ tốt giá vé thấp, Jetstar đẩy mạnh hàng không giá rẻ.
“Trong tương lai gần, phát triển chiến lược chiếm lĩnh đường bay ngắn và trung bình của VietJet hợp lý, tuy nhiên 5 năm sau VietJet nên có máy bay cỡ lớn hướng đến chuyến bay đường dài cỡ như Boeing 747, Airbus A330 trở lên”, ông Quang chia sẻ.