Tổ chức bộ máy quản lý an toàn - chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam, hãng có sự hỗ trợ trực tiếp của nhà sản xuất máy bay Airbus và động cơ Cfm để xây dựng và quản lý hệ thống an toàn- chất lượng.
Bên cạnh đó là sự giám sát, thẩm định của các tổ chức giám định quốc tế của các tập đoàn bảo hiểm.
Báo cáo của Vietjet cho biết, hãng này luôn thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Cục Hàng không Việt Nam và thông lệ quốc tế. Công tác an toàn được thực hiện định kỳ hàng tháng, quý và năm.
Vietjet cũng tham gia trao đổi định kỳ về công tác an toàn hàng không với tổ chức Hiệp hội các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương (Association of Asia Pacific Airlines).
Hãng hàng không Vietjet cho biết, mục tiêu của hãng là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và các chuyến bay.
Vietjet vừa bảo vệ thành công chứng chỉ “An toàn hàng không quốc tế IOSA” lần thứ 3 vào tháng 9/2018. Đồng thời với chứng chỉ IOSA về an toàn khai thác, hãng đã được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội các nhà vận tải hàng không quốc tế (IATA) vào ngày 22/8/2016.
Các chỉ số an toàn-khai thác thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Dù gặp phải sự cố hy hữu, nhưng Vietjet vẫn là hãng hàng không có chỉ số khai thác an toàn trong nhóm dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ảnh: KV. |
Về công tác an ninh an toàn liên quan hai sự cố
Vietjet luôn đạt được các mục tiêu và chỉ số an toàn đã đề ra theo đúng yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian gần đây trong hoạt động khai thác đã để xảy ra các sự cố”, báo cáo thẳng thắn khi đánh giá về hai sự cố: Chuyến bay VJ356 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Buôn Mê Thuột ngày 29/11/2018 và sự cố chuyến bay VJ689 từ Cam Ranh đi Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/12/2018.
Về sự cố chuyến bay VJ356 ngày 29/11 tại Buôn Mê Thuột
Liên quan đến công tác điều tra nội bộ và khắc phục sự cố, báo cáo của Vietjet cho biết, ngày 03/12/2018, Tổng giám đốc Vietjet đã ký quyết định về việc thành lập tổ điều tra và khắc phục sự cố trong đó phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm của từng bộ phận có liên quan.
Công ty cũng đã cử đại diện phối hợp với Tổ điều tra của Cục Hàng không Việt Nam và nhà chế tạo Airbus để hỗ trợ kỹ thuật và tham gia công tác điều tra, thu thập thông tin hiện trường, bàn giao hộp đen, phân tích dữ liệu ban đầu.
Về chuyến bay VJ689, chặng Cam Ranh (Khánh Hòa) – Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/12, Vietjet cho biết công ty đã thực hiện báo cáo sự cố cho Cục Hàng không Việt Nam, đình chỉ khai thác đối với người lái và người phụ trách khai thác bay để phục vụ công tác điều tra. Công ty đã thành lập tổ điều tra nội bộ của công ty, thu thập các hồ sơ tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Vietjet cũng cho biết đã triển khai tăng cường cán bộ quản lý, giám sát các hoạt động khai thác bay và bảo dưỡng ở các sân bay và năm căn cứ chính của mình. Vietjet sẽ khẩn trương thực hiện nghiêm túc các yêu cầu và chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam.
Liên quan tới việc quản lý hoạt động của ngành hàng không, ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có văn bản chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là khu bay và hệ thống quản lý hoạt động bay; tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân.