Vietsovpetro - Hành trình 40 năm "tìm lửa"

17/06/2021 15:56
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kết quả hoạt động Vietsovpetro đã khẳng định sự hợp tác có hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực kinh tế.

Sau 40 năm hình thành và phát triển, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) luôn là Liên doanh hoạt động hiệu quả nhất trong tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Hành trình của tình hữu nghị Việt – Xô

Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 19 tháng 6 năm 1981, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt – Xô (gọi tắt là Vietsovpetro) tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được long trọng ký kết tại Matxcơva.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt – Xô trong lĩnh vực hợp tác thăm dò khai thác dầu khí, là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển Ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Đại diện của 2 Chính phủ Liên Xô và Việt Nam kí Hiệp định thành lập Vietsovpetro

Đại diện của 2 Chính phủ Liên Xô và Việt Nam kí Hiệp định thành lập Vietsovpetro

Vietsovpetro đã ra đời trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn khi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh ác liệt và đang bị bao vây cấm vận của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, cùng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô và sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của tập thể lao động quốc tế, Vietsovpetro đã nhanh chóng trưởng thành.

Chỉ 3 năm sau ngày thành lập, Vietsovpetro đã phát hiện vỉa dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ (tháng 5 năm 1984) và 2 năm sau đó, ngày 26 tháng 6 năm 1986 đã đưa mỏ này vào khai thác.

Năm 1987, Vietsovpetro đã phát hiện ra tầng dầu sản lượng cao từ đá móng granit nứt nẻ tại giếng khoan BH-6.

Việc phát hiện dầu trong móng granit với sản lượng lớn tại mỏ Bạch Hổ đã tạo bước ngoặt lịch sử cho Ngành Dầu khí Việt Nam, làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng mới vô cùng quan trọng trong công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở bể Cửu Long nói riêng và ở thềm lục địa Việt Nam nói chung.

Chiều trên mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Đức Hậu

Chiều trên mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Đức Hậu

Hành trình của những thành tựu

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, thực hiện các Hiệp định Liên Chính phủ Việt - Xô, Việt - Nga và các Nghị định liên quan, Tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Đã thực hiện một khối lượng rất lớn công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, gồm: khảo sát hàng trăm nghìn kilômét tuyến địa chấn 2D và hàng chục nghìn kilômét vuông địa chấn 3D.

Năm 2015 tiến hành khảo sát lại toàn bộ lô 09-1 với diện tích gần 900 kilômét vuông bằng công nghệ địa chấn tiên tiến 3D-4C; khoan trên 600 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu, khí với tổng chiều dài hơn 2.500 kilômét.

Sau mỏ Bạch Hổ, Vietsovpetro đã phát hiện 8 mỏ dầu – khí khác có giá trị công nghiệp là Rồng, Đại Hùng, Nam Rồng – Đồi Mồi, Thiên Ưng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Cá Tầm và Sói Vàng, với tổng trữ lượng thu hồi trên 300 triệu tấn dầu quy đổi.

Một góc Cảng Vietsovpetro ngày nay. Ảnh: Đức Hậu

Một góc Cảng Vietsovpetro ngày nay. Ảnh: Đức Hậu

Vietsovpetro đã xây dựng được hệ thống căn cứ dịch vụ dầu khí tổng hợp hoàn chỉnh, hiện đại phục vụ cho các khâu trong chuỗi hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Đội khoan gồm 05 giàn tự nâng.

Đội tàu dịch vụ và tàu công trình các loại gồm gần 30 chiếc cùng hệ thống cảng chuyên dùng với bờ cảng dài hơn 1.400 mét có khả năng tiếp nhận đồng thời 02 tàu với trọng tải 10.000 tấn và năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng đạt 3 triệu tấn/năm.

Tại Lô 09-1, đã hoàn thành khảo sát, thiết kế, xây lắp và đưa vào hoạt động trên các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng và Nam Rồng – Đồi Mồi hệ thống công nghệ để duy trì khai thác dầu, khí bao gồm trên 50 công trình biển phục vụ khai thác dầu, thu gom khí, gồm: 13 giàn khoan khai thác cố định, 30 giàn đầu giếng, 2 cụm giàn công nghệ trung tâm, 3 giàn nén khí, 2 giàn bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, 3 tàu chứa dầu và các công trình phụ trợ khác.

Tất cả các công trình được kết nối thành một hệ thống công nghệ liên hoàn thông qua hàng trăm kilomet cáp điện và hơn 800 kilomet đường ống ngầm nội mỏ, liên mỏ. Tại khu vực nước sâu xa bờ thuộc Lô 04-3.

Năm 2016, Vietsovpetro đã đưa vào khai thác mỏ khí Thiên Ưng; phát hiện và đưa vào khai thác mỏ Cá Tầm tại Lô 09-3/12 từ tháng 1/2019.

Từ việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công, hiệu quả cao thân dầu trong đá móng granit nứt nẻ mỏ Bạch Hổ, Vietsovpetro có công đầu tìm ra và khẳng định một loại thân dầu mới phi truyền thống trong công nghiệp dầu khí thế giới, làm thay đổi quan điểm tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và trong khu vực.

Vietsovpetro đã đi đầu sáng tạo và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp để khai thác dầu trong đá móng một cách hoàn toàn mới, chưa từng gặp trên thế giới, đóng góp rất đáng kể cho khoa học dầu khí thế giới, tạo sự thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Thông qua hoạt động thực tiễn, Vietsovpetro đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo các cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ cao và công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò, thiết kế xây dựng, vận hành khai thác dầu khí biển.

Hiện nay cán bộ và chuyên gia Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn các khâu từ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đến quản lý và vận hành hiệu quả các công trình nghiên cứu khai thác dầu khí.

Hầu hết các chức danh trong Ban Tổng Giám đốc, giám đốc các xí nghiệp thành viên, các trưởng phòng/ban Bộ máy điều hành đều do Phía Việt Nam đảm nhận.

Vietsovpetro còn là cái nôi đào tạo cán bộ dầu khí. Nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên, kể cả một số lãnh đạo Phía tham gia Nga đã được rèn luyện và trưởng thành từ đây.

Vietsovpetro là đơn vị tiên phong trong Ngành Dầu khí về áp dụng rộng rãi nhiều giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, bằng biện pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa đã tăng hệ số thu hồi dầu khí từ 18% lên trên 40% đối với thân dầu trong đá móng.

Là đơn vị có hoạt động sáng kiến – sáng chế mạnh nhất Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Trong 40 năm hoạt động Vietsovpetro có 2.115 sáng kiến được công nhận, việc áp dụng các sáng kiến sáng chế này mang lại hiệu quả kinh tế gần 103 triệu USD.

Bên cạnh đó còn có nhiều sáng kiến tuy không lượng hóa được giá trị song đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động, cải thiện điều kiện sản xuất, đảm bảo an toàn cho người lao động và các công trình cả ở biển và trên bờ.

Một số công trình tiêu biểu đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải cao tại cuộc thi Sáng tạo khoa học - công nghệ toàn quốc và của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới...

Tính đến thời điểm hiện tại, Vietsovpetro đã khai thác được 241 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu khí đạt gần 84 tỷ USD, nộp Ngân sách Nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam gần 53 tỷ USD, lợi nhuận 2 Phía là 23 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã thu gom và vận chuyển về bờ hơn 36 tỷ mét khối khí đồng hành, thúc đẩy phát triển công nghiệp khí, điện, đạm cũng như tác động tích cực và trực tiếp làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cũng như sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Liên doanh là nhân tố tích cực góp phần xây dựng thành phố biển Vũng Tàu trở thành trung tâm công nghiệp dầu khí và du lịch.

Nhiều cơ sở công nghiệp, hàng hải, cơ sở sửa chữa tàu biển và hệ thống cảng biển hình thành đã làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của địa phương.

Với tiềm lực của mình, Vietsovpetro đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho bên ngoài ngày càng mở rộng, khẳng định thương hiệu Vietsovpetro có uy tín cao cả trong và ngoài nước.

Hằng năm, bằng việc tận dụng kinh nghiệm, năng lực các thiết bị hiện có, Vietsovpetro đã thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia như các dự án đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau, Nam Côn Sơn-2....

Đã phát triển dịch vụ kết nối, vận hành khai thác và bảo trì mỏ Cá Ngừ Vàng, mỏ Nam rồng Đồi Mồi, mỏ Rồng đồi mồi... đạt hiệu quả cao.

Đã được Bộ Quốc Phòng mà đại diện là Ban Quản lý dự án DKI giao cho Vietsovpetro tự thực hiện/đứng đầu liên danh thi công các Dự án Sữa chữa, nâng cấp công trình từ P1-P14 trên vùng đặc quyền kinh tế của thềm lục địa Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Quốc gia.

Đặc biệt, ngày 10/5/2011, lần đầu tiên, Vietsovpetro đã chế tạo, xây lắp và phóng thành công chân đế giàn khai thác ở biển sâu 110 mét nước tại mỏ Đại Hùng, khẳng định việc làm chủ kỹ thuật và công nghệ xây dựng công trình khai thác dầu khí ở vùng biển nước sâu, xa bờ. Tổng doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho bên ngoài đến nay đã đạt trên 3,5 tỷ USD.

Vietsovpetro đã không ngừng nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho người lao động, chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp cho các địa phương trong cả nước xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện công tác xã hội từ thiện với tổng kinh phí gần 70 triệu USD.

Hành trình phát triển bền vững

Kết quả hoạt động Vietsovpetro đã khẳng định sự hợp tác có hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực kinh tế.

Đồng thời, hoạt động của tập thể lao động quốc tế trong Vietsovpetro đã góp phần giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị quốc tế trong sáng giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga và các nước SNG hiện nay.

Vietsovpetro cũng là đối tác tin cậy của nhiều bạn hàng, nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới.

Những thành quả đạt được của Vietsovpetro đã từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phạm vi hoạt động, vươn ra thị trường dầu khí bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan

Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan

Xuất phát từ lợi ích kinh tế của hai nước, từ tình hữu nghị giữa hai dân tộc và căn cứ vào tiềm năng phát triển đầy triển vọng của Vietsovpetro, ngày 27 tháng 12 năm 2010, tại Hà Nội, đại diện hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đã long trọng ký kết Hiệp định về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, mở ra giai đoạn hoạt động và phát triển mới của Vietsovpetro đến năm 2030.

Với những thành tích đạt được trong 40 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro đã hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, nhiều tập thể và cá nhân được hai Nhà nước Việt Nam và Liên bang Nga tặng thưởng Huân chương và các phần thưởng cao quý khác. Đó là niềm động viên to lớn, khuyến khích và cổ vũ tập thể lao động của Vietsovpetro tiếp tục phấn đấu, đạt nhiều thành tựu mới.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tập thể lao động Vietsovpetro đứng trước những khó khăn và thách thức, do sản lượng các mỏ đã qua thời kỳ khai thác đỉnh, bên cạnh đó Hệ thống công nghệ khai thác ngoài biển cũng đã dần lạc hậu, đòi hỏi phải đầu tư, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng liên tục; Các khu vực triển vọng trong vùng hoạt động còn ít tiềm năng, khả năng gia tăng trữ lượng thấp; giá dầu giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng...

Để đảm bảo phát triển bền vững, bên cạnh việc tập trung tái cơ cấu nguồn lực, sắp xếp lại tổ chức, tiết giảm chi phí cùng với việc đảm bảo vận hành khai thác an toàn, hiệu quả các mỏ, các công trình hiện có, Vietsovpetro sẽ đầu tư nghiên cứu và áp dụng các giải pháp nâng cao thu hồi dầu; đẩy mạnh công tác dịch vụ kỹ thuật, phát triển bền vững dựa trên các yếu tố khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển chung; Đẩy mạnh công tác tận thăm dò, gia tăng trữ lượng; Tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò ở các vùng nước sâu, xa bờ; tiếp tục tìm kiếm và xúc tiến cơ hội mở rộng vùng hoạt động của Vietsovpetro tại Liên bang Nga và các nước khác.

Mặc dù đang gặp phải những khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống cần cù, lao động sáng tạo trong 40 năm xây dựng và phát triển, tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển ổn định và hướng đến sự phát triển bền vững, không chỉ là định hướng đến năm 2030 mà tiếp tục hợp tác phát triển trong nhiều năm tiếp theo nhằm đảm bảo cùng với cả nước xây dựng và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra trong giai đoạn 2021 - 2045.

Vietsovpetro sẽ biến thách thức thành cơ hội, tự tin bước vào giai đoạn mới với một khát vọng to lớn tìm kiếm, thăm dò và khai thác nhiều dầu khí cho đất nước, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, giữ vững vị trí, vai trò của đơn vị chủ lực, đầu tàu kinh tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Thu Giang