Vinamilk thất vọng vì SCIC

29/04/2013 13:50
Theo VietQ
Đây là năm thứ 2 liên tiếp SCIC nói không với ESOP, dẫn tới kế hoạch này không thực hiện được. Các cán bộ của Vinamilk thêm 1 lần thất vọng, còn nhiều cổ đông khác thì không hài lòng, thậm chí là lo lắng.
Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - cổ đông lớn Nhà nước đang nắm 45% vốn điều lệ của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đã không đồng ý với phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP). Đây là năm thứ 2 liên tiếp SCIC nói không với ESOP, dẫn tới kế hoạch này không thực hiện được. Các cán bộ của Vinamilk thêm 1 lần thất vọng, còn nhiều cổ đông khác thì không hài lòng, thậm chí là lo lắng. Như đã nói ở trên, đây là lần thứ hai cũng đồng nghĩa với việc năm thứ 2 tại đại hội cổ đông, SCIC nói không đồng ý với việc phát hành cổ phiếu ESOP. Năm ngoái, SCIC không đưa ra lý do rõ ràng vì sao không tán thành ESOP mà chỉ âm thầm phủ quyết bằng lá phiếu. Còn năm nay, khó né tránh trước câu hỏi trực tiếp của cổ đông, đại diện SCIC đã buộc phải nói lý do.
Các cổ đông của Vinamilk không đồng tình với quyết định về ESOP của SCIC. Ảnh: N. M
Các cổ đông của Vinamilk không đồng tình với quyết định về ESOP của SCIC. Ảnh: N. M
Ông Lê Song Lai, đại diện của SCIC tại Vinamilk nói SCIC không muốn phát hành ESOP vì sợ tỷ lệ cổ phần của SCIC bị pha loãng. "Khoảng 1,2%" ông Lai nói. Với phản ứng như nói trên, ngay lập tức cổ đông phản ứng. Không ít cổ đông nói rằng, chính ESOP là chương trình quan trọng để giữ chân người tài cho Vinamilk, trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành sữa gay gắt như hiện nay. "Vinamilk cần phải giữ được lực lượng nhân sự giỏi nhiều kinh nghiệm đang bị lôi kéo bởi các doanh nghiệp khác, đặc biệt từ các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. ESOP là công cụ hiệu quả để giữ chân nhân sự, đảm bảo được tốc độ tăng trưởng và thị phần chi phối của Vinamilk", một cổ đông nói. Một góc nhìn khác, đại diện một quỹ đầu tư của Mỹ đứng lên phát biểu hiện nay thu nhập bình quân của CBCNV Vinamilk chưa tương xứng với quy mô, tầm cỡ khi so sánh với các doanh nghiệp tương đương. Một doanh nghiệp có market cap 5 tỷ USD mà thu nhập bình quân của CBCNV chỉ khoảng 11 triệu/tháng là quá thấp, ESOP có thể coi như 1 khoản thưởng bù đắp thêm cho thu nhập, qua đó giữ chân người giỏi.
Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm TGĐ Vinamilk trao đổi với các cổ đông của công ty. Ảnh: N. M
Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm TGĐ Vinamilk trao đổi với các cổ đông của công ty. Ảnh: N. M
Vị này nói thêm, nhờ kinh doanh tốt giá trị cổ phiếu Vinamilk tăng liên tục, tỷ lệ bị pha loãng 1,2% kia có đáng kể hay không? Cần phải cân nhắc lợi ích. Bà Mai Kiều Liên, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk, cũng mạnh mẽ nói, từ khi cổ phần hoá tới nay Vinamilk đã tăng trưởng tới 60 lần, tương đương 6000% thì tỷ lệ pha loãng 1,2% mà SCIC lo lắng kia là quá nhỏ, liệu có đáng kể so với giá trị mà lực lượng nhân sự của Vinamilk mang lại. Nhiều cổ đông đã không chấp nhận lý lẽ của SCIC, khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng và tăng giá bình quân hàng năm của cổ phiếu Vinamilk với con số 1,2% "sợ bị pha loãng" kia của SCIC. Trao đổi tại hành lang khán phòng, 1 số cổ đông nói thậm chí họ thấy việc bác ESOP của SCIC là vô lý, gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và có thể ẩn chứa đằng sau đó động cơ khác. Các số liệu thực tế cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của Vinamilk là 30% trong 5 năm gần đây. Trong 7 năm từ khi lên sàn đến nay, giá cổ phiếu của Vinamilk đã tăng gần 7 lần (giá đã điều chỉnh), là 1 trong những cổ phiếu tăng giá mạnh và bền vững nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Một điều mà ai cũng thấy rõ nếu không có đội ngũ cán bộ công nhân viên tốt, những người năng động, những người tài, lao đông hết mình những năm qua vì sự phát triển của Vinamilk thì chắc gì Vinamilk đã có sự thành công như hôm nay. Trong khi đó, cổ phiếu Vinamilk quan trọng như thế nào với SCIC đã được công chúng và giới đầu tư biết từ lâu.
Vinamilk vừa khánh thành và đưa vào hoạt động siêu nhà máy sữa bột trẻ em tại Bình Dương. Ảnh: N. M
Vinamilk vừa khánh thành và đưa vào hoạt động siêu nhà máy sữa bột trẻ em tại Bình Dương. Ảnh: N. M
Nếu "SCIC không Vinamilk" thì lợi nhuận của SCIC sẽ mất đi 1 khoản cổ tức tới 1.000 tỷ, chiếm 25% toàn bộ lợi nhuận của SCIC. Và quan trọng hơn, giá trị thị trường danh mục đầu tư của SCIC sẽ mất đi 2/3 chỉ còn 17.000 tỷ thay vì 50.000 tỷ, kéo theo giá trị tăng thêm của danh mục đầu tư so với giá trị đầu tư ban đầu sẽ chỉ bằng 1/8 so với hiện tại. Nói cách khác, nếu không nhờ vào cổ phiếu Vinamilk, thành tích hoành tráng của SCIC công bố hồi đầu năm sẽ bị "thổi bay". SCIC hiện nắm giữ tới 45% cổ phần tại Vinamilk. Vì vậy, nhiều người đã không hiểu tại sao SCIC lại không bỏ phiếu cho ESOP 2 năm liên tiếp. Nếu nói SCIC sợ pha loãng quyền lực thì không hợp lý vì tỷ lệ pha loãng rất nhỏ không ảnh hưởng gì tới quyền lực biểu quyết của SCIC tại Vinamilk. Nếu nói sợ bị pha loãng giá trị thì cũng không hợp lý vì năm nào cổ phiếu Vinamilk cũng tăng giá cỡ 50%. Vậy động cơ dẫn tới quyết định không bỏ phiếu cho ESOP của SCIC là gì? Nhất là nhìn sang FPT, 1 DN lớn mà SCIC cũng có cổ phần, thì ESOP tại đó lại được SCIC đồng ý, không thấy nói gì tới "nỗi sợ bị pha loãng". Cũng có không ít cổ đông cho rằng, SCIC chỉ "biết ăn" mà không biết làm và chỉ lo "viển vông" hoặc ngược lại với quyết định "sợ bị pha loãng", nếu SCIC đồng ý với phương án ESOP Vinamilk thì chắc chắn người lao động sẽ hứng khởi hơn, thấy SCIC có ý nghĩa nhiều hơn là không công nhận sự cống hiến, loa động của họ.
Đại hội cổ đông Vinamilk đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2013 với mức doanh thu dự kiến là 32.500 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước cùng với mức lợi nhuận sau thuế là 6.230 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2012.

Dù doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk cao như vậy, nhưng vẫn được cho rằng “khá khiêm tốn” khi Vinamilk vừa khai trương nhà máy sữa bột công suất 54.000 tấn/năm và một nhà máy sữa nước khác sắp sửa đi vào hoạt động.

Giải thích về chuyện này, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, cho rằng con số kỳ vọng không cao đó để không gây áp lực lớn cho toàn bộ nhân viên, vì nếu áp lực quá, có thể nhiều người sẽ không dám làm.

Bà Liên cũng giải thích trong thực tế, Vinamilk luôn vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra.

Vinamilk cũng dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2013 là 34% bằng tiền, tức khoảng gần 50% lợi nhuận sau thuế.

Hiện tại, giá cổ phiếu của Vinamilk đang là 126.000 đồng/cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Kết thúc năm 2012, Vinamilk có doanh thu hơn 27.000 tỉ đồng, đạt 5.819 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Công ty này cũng đặt mục tiêu doanh thu 3 tỉ đô la Mỹ năm 2017 để lọt vào danh sách 50 công ty sữa lớn nhất thế giới.

Hiện tại, Vinamilk đang được xếp thứ 53 trong tổng số các doanh nghiệp lớn nhất ngành này.

Quý 1 năm nay, doanh thu của Vinamilk đạt hơn 6.700 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước trong khi đó lợi nhuận đạt hơn 1.500 tỉ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2012.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo VietQ