Chỉ trong thời gian ngắn Tập đoàn Vingroup liên tục có đề xuất về việc mua lại hai cảng biển lớn nhất Việt Nam là Hải Phòng và Sài Gòn, mua lại 3 nhà ga, đường sắt lớn nhất Việt Nam, gồm: Ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng bên cạnh chiến lược phát triển thị trường bán lẻ và đầu tư vào nông nghiệp.
Trước sự thay đổi trong chiến lược đầu tư kinh doanh của Tập đoàn Vingroup, đứng góc nhìn một chuyên gia kinh tế nghiên cứu về chính sách đầu tư, thu hút đầu tư, PGS-TS Phạm Quý Thọ - Học viện Chính sách – Phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) đã có bài viết phân tích vấn đề này.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả bài viết của PGS-TS Phạm Quý Thọ:
"Chưa bao giờ doanh nghiệp trong nước thể hiện mong muốn tham gia đầu tư lĩnh vực vốn được xem là quá sức với tiềm lực doanh nghiệp nội bởi đòi hỏi nguồn vốn lớn, trình độ quản lý cao.
Tuy nhiên với trường hợp của Vingroup thì khác, chỉ trong khoảng thời gian ngắn Tập đoàn này liên tục tham gia đầu tư ở hầu khắp các lĩnh vực trong điểm như giao thông, nông nghiệp và thị trường bán lẻ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn VinGroup |
Nói các khác, điểm nhấn trên thị trường đầu tư thời gian qua không phải doanh nghiệp nước ngoài mà chính là Tập đoàn doanh nghiệp trong nước.
Sự chuyển hướng đầu tư của Vingroup thể hiện sự nhạy bén, khôn ngoan của doanh nghiệp này trên thị trường, bên cạnh đó cũng có nhiều nguyên nhân khiến Vingroup muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ nhất là chủ trương của nhà nước. Trước hết, nhìn vào 3 lĩnh vực đang được Vingroup nhắm đến đầu tư gồm giao thông, nông nghiệp và thị trường bán lẻ. Trong khi giao thông, nông nghiệp là những ngành hầu như ít doanh nghiệp nào dám đầu tư bởi cần nguồn vốn lớn, trình độ quản lý cao.
Bên cạnh đó phải khẳng định rằng, từ trước đến nay cả hai lĩnh vực này nhà nước phải bỏ vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Riêng lĩnh vực giao thông, hầu hết dự án đề từ vốn ngân sách, nguồn vốn ODA trong khi chất lượng công trình, vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình thi công dẫn đến dư luận xã hội không tốt. Ví dụ dự án đường sắt trên cao, một số dự án đường cao tốc…
Một vấn đề khác, đầu tư giao thông, ngân sách nhà nước bỏ ra rất lớn nhưng thu hồi và quay vòng vốn gặp khó.
Xuất phát từ đó chủ trương xã hội hóa kêu gọi đầu tư lĩnh vực giao thông của Chính phủ mà cụ thể là Bộ Giao thông vận tải là hợp lý và dễ hiểu.
Thứ hai biến động của thị trường, Vingroup là một trong số doanh nghiệp thành công nhất trên thị trường bất động sản. Dù 3 năm trở lại đây thị trường bất động sản gặp khó khăn những doanh nghiệp này vẫn hoạt động tốt, điều đó thể hiện tiềm lực tài chính mạnh mẽ của Vingroup.
Tuy nhiên chính vì am hiểu bất động sản, nhận định được thị trường hơn ai hết Vingroup hiểu lúc này đầu tư bất động sản sẽ không thu hồi vốn và lãi nhiều như trước đây.
Nguyên tắc kinh tế là đâu có lợi đầu tư, chính vì vậy khi có được vị thế trên thị trường với thương hiệu và tiềm lực tài chính Vingroup muốn vươn sang lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và bán lẻ những ngành còn đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn đúng đắn.
Thứ ba chuyển hướng đầu tư để đón đầu hội nhập,. Cuối năm 2015 sẽ hình thành thị trường chung trong khu vực ASEAN. Khi đó hàng hóa các nước trong khu vực sẽ tràn vào Việt Nam và ngược lại hàng hóa Việt Nam sẽ có mặt thị trường các nước.
Việc quyết định đầu tư vào giao thông như cảng biển, sân bay, đường sắt thể hiện tầm nhìn của Vingroup.
Cùng xu hướng hội nhập, việc phát triển thị trường bán lẻ, đầu tư nông nghiệp để tạo cạnh tranh cũng là bước đi chiến lược khôn ngoan. Với hệ thống bán lẻ mạnh hàng hóa các nước vào Việt Nam muốn đến tay người tiêu dùng buộc phải qua bán lẻ, khi đó lợi thế cạnh tranh của Vingroup là rất lớn.
Trong khi đó, phát triển nông nghiệp, trồng rau sạch với công nghệ cao đáp ứng xuất khẩu trong khu vực.
Về những lo lắng khi để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực quan trọng như hàng không, cảng biển, đường sắt... sẽ ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng không, vấn đề buôn lậu hàng hóa, vũ khí… đây thực chất là những lo lắng thừa giống như “xóa hợp tác xã dân sẽ không có thóc để ăn”.
Cần phải hiểu chủ trương xã hội hóa, chuyển nhượng khai thác nhà ga, sân bay, cảng biển hay đường sắt nhằm khai thác tốt hơn hiệu quả hơn dự án này. Khi đó tư nhân chỉ tham gia khai thác nhà ga, bến bãi… Còn quản lý về an ninh, hải quan vẫn là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.
Vì vậy vấn đề quan trọng là nhà nước vẫn hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản quản lý để doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia đầu tư các lĩnh vực trọng yếu dựa trên điều khoản rằng buộc trách nhiệm để mục tiêu cuối cùng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, người dân được hưởng lợi giảm đi gánh nặng quản lý, gánh nặng ngân sách cho nhà nước".