Tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp năm 1967, nhà báo Nguyễn Trung Đông (sinh năm 1945) đầu quân về báo Nhân dân và làm một mạch 44 năm cho đến khi nghỉ hưu năm 2011.
Ông nguyên là Trưởng Ban Văn xã, ủy viên Ban Biên tập của báo Nhân dân. Dũng cảm xông xáo, nhà báo chiến trường Trung Đông đã từng có mặt ở tuyến lửa khu 4: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Vĩnh Linh những năm trước giải phóng; đã từng có mặt ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn trong những ngày chiến tranh biên giới ác liệt năm 1979.
Nhà báo Nguyễn Trung Đông thời trẻ. (Ảnh: Tuổi tẻ Thủ đô). |
Nhà báo Trung Đông đã từng là phóng viên thường trú Nghệ An những năm chiến tranh khốc liệt 1970-1972.
Vốn sống thực tế phong phú ở nhiều vùng miền, những trải nghiệm chiến tranh ác liệt, đối diện với cái chết trong gang tấc, cảm nhận nỗi đau mất mát đến quặn lòng của nhân dân và bạn bè đồng nghiệp,… những năm tháng viết báo gắn bó với từng nhịp thở cuộc sống và chiến đấu của dân tộc đã giúp nhà báo Trung Đông trở thành một cây viết xuất sắc những năm 1970 - 1980. Tình cảm ấp ủ và mong muốn nung nấu sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu phác họa lại chân dung dân tộc trong những cuộc chiến mà ông từng lăn lộn ghi chép.
Dù là viết về chiến tranh biên giới năm 1979, hay viết về cuộc chiến chống phản động Phun-rô ở Tây Nguyên, các trang viết của nhà báo Nguyễn Trung Đông luôn toát lên tinh thần lãng mạn, lạc quan cách mạng và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc hết sức nhân văn.
Thập niên 1980 hầu như năm nào nhà báo Trung Đông cũng viết kịch bản sân khấu mới. Ông viết hăng say và đam mê với cảm xúc tuôn trào. Khi đó Sân khấu và Điện ảnh là món ăn tinh thần chính của xã hội.
Tên tuổi nhà báo Nguyễn Trung Đông gắn liền với là các kịch bản sân khấu “Dòng suối trắng”, “Đồng tiền Vạn lịch”, tiểu thuyết “Gió ấm”…
Năm 1985 nhà báo Trung Đông viết kịch bản vở chèo “Đồng tiền Vạn Lịch” cho đoàn chèo Hà Nội. Đây là một trong những tác phẩm sân khấu được chọn diễn tại Hội trường Ba Đình phục vụ kỳ họp Quốc hội khóa VII đã gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó. Vở diễn này được trình diễn hàng trăm xuất diễn ở rạp Đại Nam và cũng đoạt giải A Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.
Nhà báo Nguyễn Trung Đông trong lần thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: TTXVN). |
Một vở diễn nữa của nhà báo Trung Đông cũng đoạt giải A mà về sau là Giải Bông Sen Vàng của Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đó là vở cải lương “Hai phương trời thương nhớ” do đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng, NSND Ngọc Dư đạo diễn.
Trong suốt thập niên 1980 - 1990, thời hưng thịnh của sân khấu, bên cạnh tên tuổi lớn của Lưu Quang Vũ, nhà báo Nguyễn Trung Đông cũng là một trong những tác giả có nhiều vở diễn có tiếng vang.
Ngoài 3 vở đoạt giải nêu trên, về cải lương ông viết các vở như: “Miền đất nhớ” hợp tác với đạo diễn Sỹ Hùng, “Hòn đá thề” do đoàn cải lương Nam Định dựng, vở “Ly hôn” do đoàn cải lương Thái Bình dựng; vở Mảnh đất anh nằm do đoàn cải lương Sài Gòn và đoàn Dân ca Nam Trung bộ do Nghệ sĩ nhân dân Lê Thi làm trưởng đoàn dựng vở.
Ngoài sở trường cải lương, nhà báo Trung Đông viết hai vở chèo “Lương tâm nổi giận” và “Đồng tiền Vạn Lịch” cho đoàn Chèo Hà Nội. Ông còn viết cả kịch bản kịch nói “Bóng râm trong ngày nắng” cho đoàn kịch nói Hà Nội do đạo diễn Hoàng Quân Tạo dàn dựng.
Ngoài gần 20 kịch bản sân khấu, hàng ngàn bài báo, nhà báo Trung Đông còn viết 20 cuốn sách, trong đó 10 cuốn xuất bản ở nhà xuất bản Quân đội và 10 cuốn xuất bản ở nhà xuất bản Phụ nữ. Những trang viết của ông đầy ắp hiện thực cuộc sống và chiến đấu, niềm vui và đau khổ, niềm đam mê văn hóa các vùng miền, cháy bỏng tình yêu cuộc sống và con người.
Tối ngày 5/7, nhà báo Nguyễn Trung Đông đã thanh thản ra đi, hưởng thọ 78 tuổi, để lại nỗi đau mất mát lớn cho gia đình, cho làng báo chí và sân khấu nước nhà. Nhưng tinh thần nhân văn nhân ái giàu tình cảm của nhà báo Nguyễn Trung Đông vẫn sống mãi trong các trang sách và trong các vở diễn của ông.
Lễ viếng Nhà báo Nguyễn Trung Đông được tổ chức vào hồi 10 giờ sáng ngày 9/7/2022 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 - Trần Thánh Tông, Hà Nội).