Sau 9 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ, Vinaconex vẫn tiếp tục được TP.Hà Nội tin tưởng giao cho trọng trách xây dựng đường ống sông Đà thứ 2. Quyết định này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Hà Nội trước đó rằng hoàn toàn mất niềm tin với Vinaconex và sẽ chọn một nhà thầu mới để thi công đường ống số 2 trong thời gian siêu tốc.
Đại diện TP.Hà Nội cho rằng, việc thành phố tiếp tục giao Vinaconex thi công đường ống số 2 là do đề nghị của Bộ Xây dựng và Vinaconex đã xin lỗi người dân, cam kết khắc phục sự cố... Tuy nhiên như dân gian vẫn nói "Một lần thất tín, vạn lần bất tin", nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này là, nếu đường ống dẫn nước của Vinaconex lại vỡ, ai chịu trách nhiệm? Vì sao liên tục để xảy ra sự cố mà Vinaconex không hề bị xử lý? Vinaconex được ưu ái đến bao giờ?
Vì sao vẫn là Vinaconex?
9 lần đã là con số nhiều theo quan niệm của phương Tây, còn với 70.000 hộ dân tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông thì đây là số lần họ phải chịu cảnh “chết khát” giữa lòng thủ đô. Có chứng kiến cảnh cả phố xách xô đi xin nước, xách nước trong những ngày hè oi bức mời thấy nổi khổ của người dân Hà Nội.
Lại nói về con số 9, nhiều người vẫn không hiểu tại sao phải để đến khi đường ống nước sông Đà của Vinaconex vỡ đến 9 lần UBND TP.Hà Nội mới họp bàn phê duyệt phương án khắc phục?
Lật lại vấn đề dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội được khởi công xây dựng từ ngày 24/4/2004, đây là một dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô lớn và sản phẩm mang tính đặc thù phục vụ xã hội.
Sau 9 đường ống nước sông Đà bị vỡ, Vinaconex vẫn tiếp tục được chọn thi công đường ống nước số 2. |
Đến ngày 30/7/2008, nước sạch Sông Đà đã bắt đầu được đưa đến các hộ dân cư. Công trình này là một trong hai công trình mà Vinaconex được trao tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010.
Vinaconex được lựa chọn thực hiện dự án đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội do nhà thầu này đứng ra xin Chính phủ và Bộ Xây dựng xây dựng nhà máy nước, hệ thống ống nước. Việc Chính phủ và Bộ Xây dựng giao Vinaconex làm chủ đầu tư đã thực hiện được việc huy động vốn từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, nguồn vốn xã hội hóa.
Tuy nhiên sau khi hoàn thành dự án, duy nhất chỉ có nhà máy nước Vinaconex hoạt động tốt, trong khi đường ống nước liên tục vỡ.
Từ đó hiện tượng vỡ ống nước liên tục xảy ra với mật độ mỗi lúc một dày hơn. Theo thống kê trong 2 năm từ 2012 đến 2014, đường ống nước sạch sông Đà đã 9 lần vỡ. Nguyên nhân đã được làm rõ đó là chất lượng đường ống nước cộng với việc xử lý nền đất nơi đặt ống nước chưa đúng kỹ thuật.
Ngay trong cuộc họp khẩn chiều 12/7, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng khẳng định Hà Nội mất niềm tin vào Vinaconex do vậy thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện phương án thi công nhanh nhất để khắc phục sự cố.
Tuy nhiên chỉ sau đó ít ngày thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất cho Vinaconex được xây dựng đường ống dẫn nước Sông Đà thứ 2 khiến mọi người giật mình lo lắng.
Người dân đặt ra câu hỏi, liệu có bao giờ nhà đồng chí Chủ tịch thành phố bị mất nước hay phải xách nước do sự cố vỡ đường ống nước hay chưa?
Giá như...
Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm dư luận thời gian qua chính là vấn đề chậm hủy chuyến và an ninh an toàn hàng không. So sánh sự cố “chở nhầm” hành khách hay chậm chuyến, hủy chuyến của ngành hàng không và sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) với sự cố vỡ đường ống nước sạch cũng như cách làm của lãnh đạo TP.Hà Nội, nhiều người dân thủ đô không khỏi cảm thấy chạnh lòng.
Trước tình trạng các chuyến bay chậm, hủy diễn ra liên tục Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có “chỉ lệnh” quyết liệt, yêu cầu ngay trong tháng 8/2014 việc chậm, hủy chuyến bay phải được khắc phục. Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định: “Trách nhiệm để chậm, hủy chuyến tăng, trước hết thuộc Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải sau đó mới tới Tổng công ty Cảng, Tổng công ty Quản lý bay rồi mới đến các hãng vận chuyển”.
Nhiều người cho rằng, giá như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo quyết liệt như Bộ trưởng Đinh La Thăng có lẽ nhiều vấn đề bất cập của Hà Nội sẽ được giải quyết. |
Trong khi đó mới nhất ngày 17/7 tại sân bay Cát Bi, việc thiếu xe thang dẫn đến hai máy bay một chuyến của VietJet Air và Vietnam Airlines chậm hơn ít nhất 10 phút. Ngay trong buổi làm việc ở Thành ủy thành phố Hải Phòng sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói thẳng với lãnh đạo Cục Hàng không: “Tuần sau, sân bay Cát Bi không có xe thang thì các ông phải lên máy bay cõng từng hành khách xuống”.
Rất nhanh chóng sau sự quyết liệt của Bộ GTVT đặc biệt là Bộ trưởng Đinh La Thăng nhiều chuyển biến ngành hàng không đã được ghi nhận.
Trở lại câu chuyện vỡ đường ống nước sông Đà, có lẽ chưa bao giờ người ta thấy người đứng đầu TP Hà Nội có thái độ nghiêm khắc với Vinaconex. Có chăng đó là do vấn đề vỡ ống nước thiếu nước sạch bức thiết với người dân, dưới áp lực của dư luận.
Vẫn biết so sánh giữa người đứng đầu TP Hà Nội với Bộ trưởng Đinh La Thăng là khập khiễng, tuy nhiên vấn đề chính là cách làm và sự quyết liệt, có chính kiến của Hà Nội. Trong khi vừa tuyên bố mất lòng tin vào Vinaconex, Hà Nội lại chấp thuận phương án cho Vinaconex xây dựng đường ống số 2.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng học kiến trúc, là tiến sĩ kinh tế đảm trách qua vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp xây dựng (từng Giám đốc Xí nghiệp xây dựng số 3 ), lãnh đạo ngành xây dựng (Giám đốc Sở Xây dựng Hà Bắc) vì thế ông hiểu hơn ai hết vấn đề của ngành xây dựng.
Dù mới đây Hà Nội có yêu cầu Vinaconex không lựa chọn những nhà thầu đã sai phạm trong thi công tuyến đường số 1 để làm tuyến ống số 2 song những lo ngại về sự cố với đường ống nước số 2 vẫn hiển hiện khi mà chính Hà Nội đến thời điểm này vẫn không quy được trách nhiệm cho nhà thầu này.
Còn người dân thủ đô vẫn mong giá như Chủ tịch thành phố mạnh mẽ, quyết liệt như Bộ trưởng Đinh La Thăng có lẽ nhiều vấn đề bất cập của Hà Nội sẽ được giải quyết, và có thể không bao giờ có chuyện tranh cãi "vì sao vẫn là Vinaconex"...