Thời gian gần đây, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc doanh nghiệp Xuân Trường được giao hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc-ta đất để phát triển du lịch, ở đó có xây chùa, hay bảo tháp... gắn với kỷ lục về sự bề thế, to lớn.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - chuyên gia nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
Tiến sĩ Tuấn chia sẻ: "Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam và không gian văn hóa của người Việt thì từ xưa đến nay không có hệ thống chùa quá to. Một ngôi chùa có thể được gọi là to như chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích hoặc chùa Keo thì vẫn nằm trong không gian làng xã chứ không hề mang tính du lịch, thương mại.
Ngôi chùa Việt phục vụ tâm linh cho làng, xã và cư dân vùng đó, thậm chí những ngôi chùa được gọi là chùa Vua như chùa Thiên Mụ, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích thì cũng chỉ mang tính chất ở trong làng mà thôi.
Những ngôi chùa đó thời xưa thường là nơi Vua và quan lại, phi tần đến làm lễ, nhưng nó cũng không quá to nên chúng ta có thể thấy những ngôi chùa xây mới hiện nay diện tích hàng trăm héc-ta thì không còn là văn hóa làng xã nữa, cấp huyện cũng không, cấp tỉnh cũng không mà cấp quốc gia cũng không phải. Nó mang tính thương mại nhiều hơn, vì thường là được xây dựng kèm theo một dự án kinh doanh nào đó.
Hiện nay nhiều ngôi chùa được xây mới nhìn thì bề thế, to lớn, nhưng đã phá đi kết cấu của không gian truyền thống, kiến trúc và văn hóa tôn giáo cũ, mà đưa nó vào không gian du lịch có yếu tố tâm linh.
Ở nước ngoài họ cũng xây chùa to nhưng là do văn hóa truyền thống của họ khác, vì thế ta không thể áp dụng cái tư duy đó vào văn hóa truyền thống, văn hóa Phật giáo của người Việt Nam.
Chúng ta không thể làm một cái mới hiện đại, lai căng che lấp những văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của ông cha ta".
Từ sùng đạo dẫn đến mê tín là khoảng cách rất gần nên bất kì một đời sống tôn giáo nào cũng cần có sự định hướng, quản lí của nhà nước. Ảnh: Tùng Dương. |
Có nhất thiết phải quy hoạch chùa thành một chuỗi?
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, có thể thấy các chùa như Bái Đính, Tam Chúc, Phật giáo Tây Yên Tử (Bắc Giang), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Cáp Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch chùa Ông Núi Linh Phong (Bình Định)… đang đua nhau mọc lên như nấm, thậm trí doanh nghiệp Xuân Trường còn có công văn xin làm dự án quy hoạch từ chùa Hương kéo đến chùa Tam Chúc thì đây là sự việc không bình thường.
"Nếu quy hoạch kết nối thành một chuỗi, nó sẽ mang tính thương mại và du lịch nhiều hơn là vì tâm linh. Việc đó thực chất là vì cộng đồng người làm du lịch và cụ thể ở đây là vì lợi nhuận của những người làm kinh doanh từ du lịch tâm linh.
Hiện nay đời sống người dân còn nhiều khó khăn, môi trường ô nhiễm, hạ tầng giao thông còn kém, trường học, bệnh viện còn thiếu thì chúng ta nên khuyến khích làm những việc đó.
Việc doanh nghiệp đổ tiền xây chùa to kết hợp với làm du lịch hoàn toàn không phù hợp với đời sống kinh tế, văn hóa và không thuận lòng dân.
Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - Chuyên gia nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Ảnh: Tùng Dương. |
Xây chùa to và nhiều như hiện nay thì có là cổ xúy cho mê tín?
Cuộc sống càng phát triển thì người ta sẽ phải va chạm với rất nhiều sự rủi ro, thâm chí là thất bại trong làm ăn kinh tế, gia đình lục đục, mất việc, tai nạn giao thông… Vì vậy, người ta nảy sinh nhu cầu tìm đến tâm linh như một chỗ dựa về mặt tinh thần.
Từ sùng đạo dẫn đến mê tín là khoảng cách rất gần nên bất kì một đời sống tôn giáo nào cũng cần có sự định hướng, quản lí của nhà nước, thiết chế từ chính Giáo hội, cơ quan công quyền để quản lí và định hướng tốt hơn giúp cho con người không bị mê muội.
Sự tương tác giữa con người đương đại với thế giới càng rộng mở nhưng vấn đề hiện nay là giá trị cốt lõi của gia đình, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín lại không được chú trọng.
Các giá trị đạo đức truyền thống không hiện diện trên sách Giáo dục công dân cũng như không được các gia đình bảo ban, dạy dỗ mang tính chất gia phong được đầy đủ, dẫn đến nhiều rủi ro trong đời sống và trẻ con lớn lên cũng không biết sợ, cũng như hành động mang tính bản năng nhiều hơn là lễ giáo.
Như thế, đời sống tâm linh cũng không được thuần thành, đúng đắn như người theo đúng đạo, và thuận theo định hướng bởi người quản lí tôn giáo, từ phía tôn giáo đến chính quyền.
Nhiều người lầm tưởng cứ đến chùa to, tháp lớn thì cầu khấn sẽ linh thiêng. Ảnh: Tùng Dương. |
Trở lại vấn đề nếu như ngày càng nhiều những chùa to như Bái Đính, Tam Chúc… và nhiều trung tâm tâm linh được xây dựng, người dân cứ theo thì sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?
Tiến sĩ Tuấn nói: "Trong lịch sử phát triển của dân tộc, thời cuối nhà Trần, cũng vì chùa nhiều, tôn giáo Phật giáo loạn, lũng đoạn mà cơ chế nhà nước không kiểm soát được nên đất nước suy sụp.
Theo tôi thấy nếu cấp phép để xây một chùa to như Bái Đính, Tam Chúc... thì các cơ quan quản lí nhà nước nên cấp phép cho mỗi làng, xã xây một cái chùa nhỏ để tâm linh của cư dân làng đó được định hướng tốt hơn.
Có thể khôi phục hoặc cải tạo một cái đình hoặc một ngôi chùa nhỏ để cho cân bằng giữa Nho giáo và Phật giáo, giúp cho đời sống tâm linh của người dân được cân bằng hơn.
Ngôi chùa để người dân tĩnh tâm, tín tâm. Ngôi Đình để người dân trông vào sự bảo hộ bởi thần linh. Như thế, người dân sẽ nhận thức đúng đắn và cũng không mọc ra những không gian tâm linh mị dân được. Những việc như thế sẽ thiết thực hơn là xây một ngôi chùa to, hoành tráng nhưng lạnh lẽo và không có bề dày văn hóa.
Chùa Bái Đính hay chùa Tam Chúc cổ, dù nhỏ bé thôi nhưng đã có giá trị văn hóa từ nhiều đời nay rồi. Đấy là di sản quốc gia. Ngày nay, ở những địa danh này lại mọc lên những ngôi chùa mới rộng xây dựng trên nhiều héc-ta thì rõ ràng đây là mượn cớ để xây khu du lịch có thêm chùa với mục đích thương mại.
Đến chùa lễ phật là để tĩnh tâm, hướng thiện, nhưng đừng mong có một thế lực siêu nhiên nào hỗ trợ mà hãy nỗ lực bằng chính khả năng của chính mình. Ảnh: Tùng Dương. |
Tượng Phật to, chùa to, sẽ thiêng hơn chùa nhỏ?
Truyền thống văn hóa Phật giáo cũng như thư tịch cũng như trong kinh sách, giáo lí nhà Phật thì không có nói cụ thể ông Phật nào thiêng cả mà Kinh Phật, cho đến chư tổ để lại khuyến cáo qua thư tịch đều khuyến thiện, hướng con người hiểu Phật ở tại tâm.
Như thế, không hề có chùa to thì thiêng hơn, cũng như chùa nhỏ, chùa này thiêng liêng hơn chùa nọ. Không có chuyện chùa Bái Đính (mới), chùa Tam Chúc (mới), chùa Liên Phái, chùa Phúc Khánh thì thiêng liêng hơn một ngôi chùa ở quê, nhỏ bé trong không gian làng xã.
Chùa có không gian tâm linh, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng để người ta tìm đến sự giải thoát khổ đau, phiền não, để đạt sự thanh tịnh, an nhiên.
Đến một ngôi chùa nhỏ ở một làng quê nhưng cảm thấy tâm mình an nhiên, tự nhìn lại bản thân mình trong cái không gian tĩnh lặng và có bề dày văn hóa an lành như vậy mới là cái thực chất.
Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh: "Phật giáo có câu 'Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn' có nghĩa chúng ta tự giác điều chỉnh và cảnh tỉnh bản thân rồi sẽ thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó con người sẽ lan tỏa cái tốt đẹp đó sang những người xung quanh chứ không phải Phật đem cho chúng ta những cái đó.
Chúng ta không nên mong có một thế lực siêu nhiên nào hỗ trợ, mà phải nỗ lực bằng chính khả năng của mình".
Không có chuyện chùa Bái Đính (mới), chùa Tam Chúc (mới), chùa Liên Phái, chùa Phúc Khánh thì thiêng liêng hơn một ngôi chùa ở quê, nhỏ bé trong không gian làng xã. Ảnh: Tùng Dương. |
Quan niệm xây chùa to như Bái Đính là tạo phúc?
Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn cho rằng, trước hết cần xem xây chùa Bái Đính (mới) hay chùa Tam Chúc (mới)… thì nguồn tiền ở đâu? Chùa này của doanh nghiệp hay của Nhà nước hay của dân làng, xã? Ai cấp đất, cấp phép cho xây dựng? Tiền thu lợi như thế nào? Tiền thuế từ kinh doanh du lịch ở những nơi có chùa, có yếu tố tâm linh có minh bạch không hay là núp bóng tâm linh để trốn thuế?
"Trên thực tế là ở rất nhiều làng, xã đã có nền chùa cũ hoặc chùa xuống cấp nhưng người dân ở đó xin tu bổ, xây mới để bảo tồn văn hóa làng xã, tạo niềm tin tôn giáo chính đáng nhưng thủ tục cũng không đơn giản.
Đại gia Xuân Trường bán vé dân đi lễ Phật, sao lại đóng dấu Giáo hội Phật giáo? |
Thế nhưng đã và đang có những ngôi ngôi chùa với diện tích cả trăm héc-ta mà không hề có một thông tin chính thức, không công khai minh bạch, các cơ quan quản lí thì đùn đẩy trách nhiệm không công bố.
Nếu của doanh nghiệp thì chúng ta đã có chế tài giám sát hay chưa và nếu của Nhà nước thì cần phải đặt câu hỏi là việc này có cần thiết không?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Phải đặt ra vấn đề như vậy là vì xã hội hiện nay còn rất nhiều thứ cần quan tâm như đời sống, văn hóa, giáo dục, y tế, hạ tầng giao thông…
"Tại sao lại đầu tư vào những khu tâm linh lớn như vậy? Việc đầu tư xây dựng, phát triển tâm linh có cả mặt lợi và hại, chùa Bái Đính là một ngôi chùa xây mới hoàn toàn, nếu nhìn ở góc độ Phật giáo thì đây là phúc báo hay nghiệp báo của doanh nghiệp thì sau này mới biết được.
Thiết nghĩ, trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, và thiết chế quản lí tôn giáo và kinh tế tôn giáo với nhiều cởi mở và đời sống con người va chạm nhiều giữa may - rủi, thì từng cá nhân, gia đình, cho đến tập thể nên nhìn nhận, tự cảnh tỉnh để thích ứng.
Trong sự biến động của đời sống như hiện nay thì hiện tượng xây dựng các khu tâm linh, các chùa to cũng là một mặt trái của xã hội. Mọi người nên hiểu để tránh mê tín, để đạt được Chính kiến, Chính tư duy trong đời sống, cuộc sống của mình và xã hội, như trong Bát chính đạo của đạo Phật", Tiến sĩ Tuấn chia sẻ.