LTS: Mới đây UBND TP.Hải Phòng cho biết sẽ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố với mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó TP.Hải Phòng dự tính xin ngân sách trung ương gần 7.000 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn địa phương.
Đề xuất xây dựng Trung tâm hành chính được TP.Hải Phòng đưa ra rong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ công đang tăng không ngay lập tức vấp phải phản ứng của dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, ở góc nhìn chính sách đầu tư công PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Bộ môn Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có phân tích chỉ rõ nguyên nhân ẩn sau những đề xuất xây dựng Trung tâm hành chính nghìn tỷ hiện nay.
* Bài viết được phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam lược ghi ý kiến của PGS.TS Phạm Quý Thọ:
Câu chuyện UBND TP Hải Phòng đưa ra dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị (gọi tắt Trung tâm hành chính) không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đang là phong trào giữa các địa phương.
Về khách quan, do trong lịch sử chúng ta xây dựng công sở hành chính không theo chuẩn hiện đại, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động phục vụ người dân. Dựa vào yếu tố khách quan này nên các địa phương đua nhau xây các công trình công sở hiện đại để xứng tầm với sự phát triển của địa phương, xứng tầm với đất nước hay đơn giản chỉ để chào mừng ngày kỷ niệm này, ngày lễ truyền thống kia.
Phong trào xây Trung tâm hành chính ấy bắt đầu rầm rộ từ khi kinh tế bùng nổ khoảng năm 2006 – 2007 trở lại đây. Trong giai đoạn này, giá bất động sản tăng cao, nhiều địa phương thực hiện đổi đất lấy công trình để xây dựng Trung tâm hành chính hoành tráng.
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Bộ môn Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Ảnh H.Lực. |
Tuy nhiên phong trào ấy bị chững lại khi bóng đen khủng hoảng kinh tế ập đến, nguồn tiền hạn hẹp và được dồn vào để vực dậy nền kinh tế nên cuộc đua xây công sở tạm dừng lại.
Nhìn vào suốt quá trình các địa phương đua nhau xin dự án xây dựng Trung tâm hành chính với nguồn chủ yếu ngân sách Nhà nước, có thể nhận ra:
Tại cuộc họp báo chiều 10/11, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết: “10.000 tỷ đồng không chỉ để xây trung tâm hành chính Hải Phòng. Số tiền này để xây dựng cả khu đô thị Bắc Sông Cấm, trong đó có khu hành chính mới”. Theo đó, khu trung tâm chính trị, hành chính tập trung chỉ chiếm khoảng 32 ha trong tổng số 324 ha dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm. Số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng chỉ là dự toán, được đầu tư chính vào cơ sở hạ tầng như đường sá, điện nước, đê biển, kè sông… |
Thứ nhất cơ chế “xin - cho”, tư tưởng “xin – cho” kiểu bao cấp vẫn còn hết sức nặng nề trong đề xuất xin xây dựng công sở ở các địa phương. Nguy hiểm nhất các địa phương đua nhau theo kiểu: Tỉnh, thành phố này này xin được, thì mình cũng phải xin được. Ngược lại, Trung ương cho địa phương này cũng phải cho địa phương kia. Điều này thể hiện cơ chế bao cấp trong đầu tư công.
Mặt khác, ẩn chứa trong các dự án đầu tư công trình công sở còn có những tiêu cực tham nhũng với phần trăm tỷ lệ nhất định.
Thứ hai có lợi ích nhóm ở nhiều khâu. Anh xin vốn đầu tư xây dựng công sở ở địa phương vì vậy có lợi ích nhóm ở địa phương. Khi dự án được phê duyệt lại sinh ra lợi ích nhóm ở đơn vị thực hiện dự án. Vấn đề “xin – cho” dẫn đến lợi ích nhóm lớn.
Từ vấn đề xin là được dẫn đến vấn đề lãng phí trong đầu tư công. Phải khẳng định, không phải bây giờ chúng ta mới biết những lãng phí nhưng do hiện nay vì ngân sách quá khó khăn, để phê duyệt ngân sách cho các địa phương thực hiện dự án này vì vậy với có ý kiến phản đối.
Cùng với đó, sự không vững chắc của nền kinh tế thể hiện hiệu quả nền kinh tế thấp. Hiệu quả thấp thể hiện rõ nhất đầu tư công không hiệu quả.
Dư luận không chỉ lên án sự lãng phí này trên các diễn đàn mà trên nghị trường, các Đại biểu Quốc hội lần đầu tiên cũng lên tiếng mạnh mẽ, nói lên vấn đề công khai minh bạch, trách nhiệm.
Thứ ba riêng với TP.Hải Phòng, đây chỉ là một địa phương gần nhất xin xây dựng Trung tâm hành chính nghìn tỷ mà dư luận chú ý và nhắc đến. Lý giải của Hải Phòng là "Mỗi năm thu hải quan tại Hải Phòng đạt gần 50.000 tỉ đồng, tất cả số tiền này nộp về Trung ương, vì vậy việc Hải Phòng xin Trung ương đầu tư lại cơ sở hạ tầng để tiếp tục phục vụ phát triển cũng là điều bình thường” (dẫn lời ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng trả lời trên báo Lao Động ngày 10/11 - pv).
Lập luận trên của Hải Phòng thể hiện sự mặc cả của chính quyền địa phương với Chính phủ, thể hiện tính kỷ luật của ngân sách yếu.
UBND TP Hải Phòng xin ngân sách gần 7.000 tỉ đồng để xây khu trung tâm hành chính. Ảnh minh họa |
Nếu làm không tốt kỷ luật ngân sách dễ dẫn đến địa phương đua nhau đòi hỏi, vì thế lúc này cần sự cứng rắn của người đứng đầu Chính phủ. Trong bối cảnh ngân sách hiện nay Chính phủ thậm chí cần có sự cắt giảm mạnh mẽ từ con người, tiền ngân sách, dự án… không cần thiết ở các địa phương.
Nhìn vào sự phát triển Hải Phòng những năm qua có thể thấy, thực sự Hải Phòng chưa phát huy được vai trò trong những năm đổi mới. Phát triển của Hải Phòng không tương xứng với tiềm năng thế mạnh và có phần chậm lại so với các địa phương khác.
Về cơ sở hạ tầng như Đồ Sơn, cảng biển hầu như đều là đầu tư của trung ương. Còn những dự án của Hải Phòng về phát triển đô thị chưa có thay đổi gì nhiều. Thêm vào đó là các dự án bỏ hoang, kêu gọi đầu tư bị chững lại.
Nhìn về quá khứ, Hải Phòng là một trong 2 thành phố phát triển nhất miền Bắc nhưng hiện nay tốc độ không thể bằng các địa phương khác nên sự đóng góp về ngân sách phần nào đến từ yếu tố địa lý, yếu tố lịch sử để lại.
Mặt khác thành quả kinh tế của Hải Phòng có sự hỗ trợ của chính sách Chính phủ vì thế trách nhiệm đóng góp ngân sách là điều đương nhiên, không thể lấy đó làm điều kiện để đề nghị Trung ương phải quay lại đầu tư cho Hải Phòng.
Tuy nhiên, đó vẫn là một trong những yếu tố cần cần nhắc. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, nói như phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bên lề Quốc hội ngày 9/11 về thông tin Hải Phòng cũng như hàng loạt địa phương khác như Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa xin xây trụ sở nghìn tỷ: “Muốn xây dựng trụ sở hay bất cứ công trình gì thì điều quan trọng nhất là địa phương phải cân đối được nguồn. Nghĩa là địa phương, bộ ngành phải cân đối được nguồn đảm bảo thì mới được xây dựng, kể cả nguồn trung ương phải được trung ương đồng ý thì mới quyết định được”.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất rõ điều này, trong đó tinh thần là chỉ đạo phải tập trung nguồn để đầu tư và thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Lần này cân đối ngân sách cũng đưa nguyên tắc đó vào, thậm chí Chính phủ còn đề xuất mạnh mẽ hơn là phải thanh toán xong nợ mới được bố trí vốn để đầu tư trụ sở mới, kể cả nguồn địa phương tự cân đối được.