Xuất hiện “Bộ tam thần thánh”: Mưa lớn - Nhóm lợi ích - Bộ phận không nhỏ

14/08/2023 07:08
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ 2019 đến nay là khoảng 05 năm, có lẽ không ít cán bộ lãnh đạo Sóc Sơn và TP Hà Nội hiện tại đã biết về kết luận thanh tra năm đó.

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng do mưa lớn đổ xuống, nước không thoát đi mà chảy tràn sang bên đường, đổ xuống taluy phía dưới gây sạt lở vùi lấp hơn chục ô tô đỗ trên đường.

Tại Đà Lạt, sạt lở đất khiến hai người thiệt mạng, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho rằng nguyên nhân gây sạt lở là do mưa lớn kéo dài.

Tại Phú Yên, Sở Giao thông Vận tải cho rằng do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khiến mặt đường QL1A qua địa bàn thành phố Tuy Hòa hư hỏng nặng.

Hiện trường vụ lũ quét ở Sóc Sơn. Ảnh: Vietnamnet

Hiện trường vụ lũ quét ở Sóc Sơn. Ảnh: Vietnamnet

“Mặt cầu Thăng Long lại bong tróc sau trận mưa lớn”. [1]

“Quốc lộ 1 "biến dạng" sau mưa lớn, người dân đối mặt hiểm họa tai nạn giao thông”. [2]

“Bí thư Hà Nội truy vấn trách nhiệm ‘cứ mưa lớn là ngập’ ”. [3]

“TP. Hồ Chí Minh: Mưa lớn là ngập nặng”. [4]

Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc mới đây được báo Cand.com.vn mô tả như sau: “Do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài gây ra nhiều điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc và dọc tuyến QL20”. [5]

Các thông tin nêu trên dẫn tới kết luận: “Thủ phạm cướp đi sinh mạng con người, phá hoại tài sản của nhân dân và Nhà nước khắp mọi miền nam bắc đều có tên là “Mưa lớn” ”.

Với lập luận như vậy, việc cần làm ngay là mang “Mưa lớn” ra xử thật nghiêm để làm gương cho những kẻ đồng phạm.

Tiếc rằng việc này vướng nhiều thứ nên: “Nói hay, làm ngay hãy … hượm”!

Năm 2019, cơ quan chức năng Hà Nội phát hiện “hàng nghìn trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn. Riêng xã Minh Phú và Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn đã có 797 công trình vi phạm. Nhiều cán bộ huyện Sóc Sơn bị xử lý, sở ngành liên quan phải kiểm điểm và hàng trăm công trình vi phạm phải phá dỡ. Tuy nhiên, thống kê của huyện cho thấy trong khi chưa khắc phục xong sai phạm cũ lại xuất hiện nhiều công trình vi phạm mới”. [6]

Từ năm 2019 đến nay là khoảng 05 năm, có nghĩa là không ít cán bộ lãnh đạo huyện Sóc Sơn và thành phố Hà Nội hiện tại đã biết về kết luận thanh tra của Hà Nội năm đó.

Dưới góc nhìn của bộ phận không nhỏ cán bộ theo trường phái “Mưa lớn”, chuyện “chưa khắc phục xong sai phạm cũ lại xuất hiện nhiều công trình vi phạm mới” là do “Mưa lớn” khiến mặt trời bị che khuất làm cho tầm nhìn bị hạn chế nên sự cố mới xảy ra!

Các bài báo nêu trên cho thấy đặc điểm chung là không có cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về những thiệt hại mà dân chúng và Nhà nước phải gánh chịu, tội phạm được đồng thanh xướng tên đều là “Mưa lớn”.

Thế có phải vì là “Mưa” mà lại còn là “Mưa lớn” nên không thể "đốt cháy"?

Mặt khác, giả sử có vị Thánh nhân đủ sức mạnh đưa “Mưa lớn” vào lò thì việc đốt “Mưa lớn” vẫn phải dựa vào các quy định của pháp luật, phải xem đối tượng này là pháp nhân hay thể nhân (Luật Dân sự 2015 gọi “thể nhân” là “cá nhân”).

Tìm hiểu kỹ trong luật mới thấy “Mưa lớn” chẳng phải “pháp nhân”, không phải “thể nhân”, cũng không phải “Tổ chức không có tư cách pháp nhân” – như diễn giải tại điều 74, Bộ Luật Dân sự.

Đành phải chấp nhận một sự thật là “Mưa lớn” – dù có vô vàn phác thảo chân dung, dù người dân thường cũng có thể nhận biết sự tồn tại của nó – nhưng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào mô tả chính xác AND của “Mưa lớn” nên dẫu có là giáo sư, tiến sĩ về pháp luật vẫn chưa chắc đã đủ “trình” để nhận diện.

Chưa nhận diện được “Mưa lớn” (hay không thể nhận diện?) thì đưa ra tòa bằng cách nào?

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, số lượng bài viết về “Mưa lớn” ngang tầm với số bài viết về “Nhóm lợi ích”, sự “ngang cơ” còn thể hiện ở chỗ - giống như “Mưa lớn” - cho đến nay chưa thấy “Nhóm lợi ích” nào bị nêu đích danh hoặc đưa ra trước vành móng ngựa.

Báo Cand.com.vn trong bài “Vạch tên “bộ phận không nhỏ” ” dẫn lời nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được”. [7]

Tìm hiểu các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như các vụ Chuyến bay gải cứu, Kit tesk Việt Á, vụ án Đăng kiểm,… có rất nhiều tội phạm bị nêu tên nhưng hỏi có “Nhóm lợi ích” nào không thì chịu.

Có phải “Mưa lớn”, “Nhóm lợi ích” và “Bộ phận không nhỏ” (gọi chung là Mưa lớn) tạo nên “Bộ tam huyền thoại” vô cùng vững chắc và lại vô hình nên pháp luật đành chịu?

Có thể tìm câu trả lời trong bài đăng trên Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn):

“Nhìn một cách tổng thể, trong phạm vi quốc gia, chưa có sự lũng đoạn của “nhóm lợi ích” tiêu cực, nhưng đã có biểu hiện, tác động của “nhóm lợi ích” lên quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Trên bình diện nhỏ hơn, ở một số tỉnh, bộ, ngành đã có sự lũng đoạn của “nhóm lợi ích” đối với chính quyền; có nơi “nhóm lợi ích” đã can thiệp sâu vào quá trình hướng lái chính sách ở một số lĩnh vực. Sự chi phối, lũng đoạn về kinh tế sớm hay muộn cũng dẫn đến sự chi phối công tác tổ chức - cán bộ và lũng đoạn về chính trị trên các phạm vi khác nhau”. [8]

Nhận định nêu trên đã chỉ rất rõ ràng, dù “Mưa lớn” vô hình thì vẫn có tác động đến “quá trình hoạch định và thực thi chính sách; chi phối công tác tổ chức - cán bộ; thế nên chỉ cần tập trung vào thứ có thể nhìn thấy là “Kết quả” mà không cần soi chiếu gì khác.

Nói thế bởi Triết học Mác – Lênin cho rằng “vật chất quyết định ý thức”, đối với một công bộc “vật chất” (nhà đất, biệt phủ, số con cái đang du học) không tương xứng với thu nhập từ lương thì “ý thức” ra sao là điều dễ để nhận biết.

Có một sự thực được nhiều tờ báo nhắc đến là 10 năm nay (tính từ năm 2014), tỷ lệ không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ đều dao động ở mức 5 phần triệu, riêng năm 2022 “đã có hơn 430.000 người kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực” (Vtc.vn – 06/01/2022).

Tội nhận hối lộ trong Bộ Luật Hình sự quy định nếu nhận từ 01 tỷ đồng trở lên, khung hình phạt sẽ là tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều kẻ nhận hối lộ số tiền khủng (hơn 40 tỷ hoặc 3 triệu USD - khoảng hơn 70 tỷ đồng) nhưng chưa có ai bị tử hình bởi tại mục C, khoản 3, điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định không áp dụng án tử hình nếu tội phạm nộp lại 3/4 số tiền đã nhận.

Thế chẳng nhẽ cứ để cho bọn “Mưa lớn” muốn làm gì thì làm?

Câu trả lời chắc chắn là không.

Về điều này, trong Kết luận 19-KL/TW ban hành ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu: “Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Chúng ta yêu cầu một Chính phủ liêm chính hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thì bản thân công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính. Không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ “cài cắm” vào trong quá trình xây dựng luật”. [9]

Kết luận 19-KL/TW chỉ rõ ba nhóm đối tượng có khả năng “chi phối, tác động” đến công tác xây dựng pháp luật là “tổ chức, cá nhân, nhóm lợi ích”, Chủ tịch Quốc hội thì nêu cụ thể là “công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính, không để lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ “cài cắm vào quá trình xây dựng luật”.

Chuyện “cài cắm” lợi ích nhóm vào luật có thể là “cổng hậu” để bọn “Mưa lớn” sử dụng khi cần thiết.

Vậy là bên cạnh việc không để bọn “Mưa lớn” nhờn luật, còn phải thiết kế sao cho các bộ luật không có “cổng hậu” để bọn “Mưa lớn” không có chỗ nhòm ngó hoặc thọc gậy.

Để có được những đạo luật thực sự khoa học, trong sáng, không bị “cài cắm” lợi ích nhóm thì ngoài việc việc quan tâm đến hoạt động xây dựng dự thảo luật của “cơ quan quản lý nhà nước” còn cần phải bồi dưỡng trình độ pháp luật, năng lực phản biện của những người chịu trách nhiệm nghiên cứu, góp ý và biểu quyết thông qua các dự thảo luật.

Một tội danh nhận hối lộ nhưng trong luật có quá nhiều không gian để có thể “vận dụng” (tù 20 năm, chung thân, hoặc tử hình) vậy nên đây có thể là “cổng sau”, là cứu cánh cho bọn “Mưa lớn” và phải chăng vì thế những năm qua chưa có tội phạm nhận hối lộ nào bị tuyên án tử hình?

Năm 2021, Trung Quốc đã thực thi án tử hình đối với Lại Tiểu Dân, cựu chủ tịch công ty tài chính Hoa Dung vì tham ô, nhận hối lộ và một số tội danh khác. Nước này cũng đã tuyên án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm đối với một loạt quan chức cao cấp: cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phó Chính Hoa; nguyên Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc; cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Liêu Ninh Lưu Quốc Cường,...

Singapore mới đây cũng đã tử hình một số tội phạm.

Chúng ta nên làm thế nào?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/mat-cau-thang-long-lai-bong-troc-sau-tran-mua-lon-445802

[2] https://dantri.com.vn/ban-doc/quoc-lo-1-bien-dang-sau-mua-lon-nguoi-dan-doi-mat-hiem-hoa-tai-nan-giao-thong-20171209074119891.htm

[3]https://thanhnien.vn/bi-thu-ha-noi-truy-van-trach-nhiem-cu-mua-lon-la-ngap-1851517074.htm

[4] https://vtv.vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-mua-lon-la-ngap-nang-20230714111214526.htm

[5] https://cand.com.vn/doi-song/hien-truong-vu-sat-lo-dat-khien-3-cbcs-csgt-hi-sinh-va-1-nguoi-dan-tu-vong-i702146/

[6]https://vnexpress.net/khu-vuc-lu-quet-o-ha-noi-co-nhieu-cong-trinh-xay-trai-phep-4638945.html

[7] https://cand.com.vn/So-tay/Vach-ten-bo-phan-khong-nho-i405696/

[8]https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/816206/kiem-soat%2C-ngan-chan-%E2%80%9Cnhom-loi-ich%E2%80%9D-o-viet-nam-hien-nay.aspx

[9]https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=63616

Xuân Dương