1 tiết mục hát dân ca, dự kiến chi mất hơn 21,6 triệu đồng
Ngày 3/11, độc giả cung cấp thông tin cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh, Quận 12, lớp 8A1 đang dự kiến chi đến khoảng 21,6 triệu đồng cho một tiết mục diễn văn nghệ chào mừng 20/11.
Theo đó, phụ huynh của lớp học này vừa nhận được một thư ngỏ của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp với nội dung chủ yếu kêu gọi ủng hộ cho chương trình văn nghệ của lớp mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bảng dự trù kinh phí tổ chức một tiết mục múa hát dân ca, do một Trung tâm Đào tạo năng khiếu trên địa bàn Quận 12 gửi tới cho lớp, cùng với chi phí tiền ăn và nước uống trong quá trình tập luyện của các em sẽ là:
Một tiết mục múa hát dân ca chi phí biên đạo sẽ là 10 triệu đồng, chi phí thuê trang phục biểu diễn sẽ là 5.610.000 đồng, tiền ăn và nước uống cho 10 bạn trong đội văn nghệ cùng với các hoạt động thể thao sẽ hết 6 triệu đồng.
Tổng chi phí cho 3 nội dung nói trên sẽ hết là 21.610.000 đồng. Một phụ huynh trong lớp sẽ ủng hộ 3 triệu đồng, thì còn lại là cần phải đóng 18.610.000 đồng.
Nội dung thư ngỏ viết: “Do quỹ lớp 8A1 không đủ để chi trả cho hoạt động văn nghệ này, nên ban đại diện lớp và cô chủ nhiệm viết thư ngỏ này để gửi đến quý phụ huynh của lớp, mong nhận được ý kiến ủng hộ, đoàn kết và sự quan tâm sâu sắc, chia sẻ trên tinh thần xây dựng, đồng hành với lớp, để các con có được những hoạt động vui chơi, sự tri ân đầy ý nghĩa cũng như với nhiều khoảnh khắc khó quên của đời học sinh.
Vì vậy, Ban đại diện lớp 8A1 rất mong nhận được sự đồng tình của quý vị phụ huynh, và mong nhận được sự ủng hộ góp thêm kinh phí để duy trì hoạt động đầy ý nghĩa này”.
Bạn đọc cho rằng, bảng giá này là quá sốc, để đầu tư chỉ cho hoạt động văn nghệ dịp 20/11 thì con số tiền cần đóng là quá cao so với thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Đồng thời, bạn đọc cũng cho rằng, học sinh đến trường thì quan trọng nhất vẫn là việc học, nên cũng không cần rình rang quá mức cho các hoạt động ngoài lề, vì mất công, mất sức, mất tiền, còn có thể làm giảm sút sự tập trung học tập của học sinh.
Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm nói gì?
Cũng trong ngày 3/11, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô T. là giáo viên chủ nhiệm của lớp 8A1 – Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh, Quận 12 xác nhận, đây là bảng dự trù kinh phí cho một tiết mục văn nghệ chào mừng 20/11 của lớp.
“Đây là phong trào do bên Đội phát động, chào mừng 20/11. Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có trao đổi muốn thuê biên đạo, chứ học sinh không thể tự múa được. Do có một phụ huynh của lớp là chủ trung tâm đào tạo về năng khiếu nên mới lên bảng kinh phí dự trù này gửi cho ban đại diện” – cô T.nói.
Thế nhưng, theo cô T., thì do bảng kinh phí này quá cao, không phù hợp nên cô cũng đã có trao đổi lại với ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, nói rằng các hoạt động phong trào chủ yếu để học sinh vui chơi, nhưng kinh phí này thì không chấp nhận được.
Cô Lại Thị Bạch Hường – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh, Quận 12 khẳng định: “Nhà trường không bao giờ chỉ đạo các lớp vận động quyên góp từ phụ huynh số tiền kinh phí quá cao dành cho một tiết mục văn nghệ như vậy”.
Theo cô Lại Thị Bạch Hường, các hoạt động văn nghệ hay thể thao chủ yếu để học sinh vui chơi, khỏe mạnh chứ học vẫn là chủ yếu, nên “nhà trường không bao giờ duyệt kinh phí như trong bảng dự trù mà ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 8A1 đưa ra”.
Cuối cùng, sau khi trao đổi lại với ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 8A1, cô T. cho biết, vị phụ huynh là chủ trung tâm đào tạo về năng khiếu nằm trên địa bàn quận sẽ tài trợ toàn bộ chi phí cho lớp để dàn dựng tiết mục văn nghệ này, còn chi phí ăn uống của học sinh tập luyện sẽ tùy vào khả năng đóng góp, thực hiện của phụ huynh.
Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh, Quận 12 nhấn mạnh: “Nếu phụ huynh không tài trợ được thì cần phải xem xét lại việc này, chứ không bao giờ được vận động, quyên góp từ phụ huynh số tiền lớn như vậy”.