Rủi ro lớn từ những hợp đồng cho vay
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin trong bài viết: Chi tiền tỷ cho vay để được mua nhà Khai Sơn, cẩn thận kẻo thả gà ra đuổi, việc nhiều nhà đầu tư đã phải bỏ hàng trăm triệu để đặt chỗ và cho công ty Cổ phần Khai Sơn vay cả tỷ đồng đang dấy lên lo ngại về rủi ro.
Đặc biệt, dù chưa triển khai xây dựng hạ tầng nhưng dự án bất động sản Khai Sơn city đã gặp nhiều vấn đề về mặt pháp lý khi khu biệt thự Khai Sơn Hill có nguy cơ phải đập bỏ vì vi phạm.
Nói về hợp đồng cho vay tiền và phiếu đặt chỗ của các dự án bất động sản đang xuất hiện trong thời gian gần đây, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Vũ Văn Tính, (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, nếu không tìm hiểu kỹ, rủi ro sẽ thuộc về khách hàng vì thiếu hiểu biết về pháp luật.
Theo Luật sư Tính, trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lách luật mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện bằng cách nhận đặt cọc giữ chỗ với mức từ 5 - 10%.
Trước khi có nghị định 71/2010/NĐ-CP, kinh doanh bất động sản không đề cập đến hình thức giao kết hợp đồng góp vốn nhưng cũng không cấm.
Do vậy, để có thể huy động vốn từ khách hàng trước khi xây dựng xong phần móng (luật Nhà ở chỉ cho phép chủ đầu tư huy động tiền ứng trước của người mua nhà ở hình thành trong tương lai khi đã xây dựng xong phần móng), chủ đầu tư thường chọn hình thức ký kết hợp đồng góp vốn theo quy định của bộ luật Dân sự, luật Đầu tư
Dù chưa có hợp đồng mua bán nhưng khách hàng muốn mua nhà của dự án này thay vì làm hợp đồng mua bán họ phải làm hợp đồng cho công ty vay tiền.
Luật sư Tính cho rằng, đây là một hình thức “lách luật”. Hình thức "lách luật" thay cho đặt cọc của chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối nhằm "tạo bước đệm" dẫn dắt người mua nhà từ chỗ chỉ quan tâm vào "ma trận" tâm lý đám đông.
Có nhiều dự án, số tiền đặt chỗ lên đến hàng tỉ đồng, thậm chí bằng 50% giá trị hợp đồng mua bán nhà. Chủ đầu tư nhờ đó có thể thu lại một nguồn vốn khá lớn.
Luật sư Tính đánh giá, vấn đề không dừng lại ở việc huy động được nguồn vốn khổng lồ bởi một thực tế hết sức nguy hiểm và bất lợi đối với khách hàng tham gia đặt chỗ mua nhà, thông qua số lượng khách hàng muốn mua, chủ đầu tư có thể dựa vào đó để đánh giá chính xác loại căn hộ nào được quan tâm, số lượng cụ thể.
Với những hợp đồng đặt chỗ, vay tiền, khách hàng có nguy cơ mắt trắng tài sản nếu chủ đầu tư có "vấn đề" (Ảnh: TP) |
Khi nắm được số lượng, chủ đầu tư có thể tự nâng giá bán khi công bố mở bán ra thị trường nhằm đạt được lợi nhuận tối đa. Những cam kết bằng hợp đồng cho chủ đầu tư vay tiền không hề có giá trị gì khi nâng giá.
Như đã phản ánh, nhân viên kinh doanh của các sàn giao dịch bất động sản mua bán dự án Khai Sơn city đã tổ chức rất nhiều buổi giới thiệu bất động sản, tại các buổi giới thiệu này, nhiều khách hàng đã rơi vào “ma trận” giá dự án.
Bằng các mánh khóe của mình, nhân viên giao dịch bất động sản đã tạo cho khách hàng cảm giác khan hiếm, bất động sản khu vực đang nóng, từ đó nảy sinh hiệu ứng tâm lý đám đông và cuối cùng bên có lợi nhất chính là chủ đầu tư và đơn vị phân phối tha hồ đẩy giá trên mức thị trường.
Nói về vấn đề này, luật sư Tính phân tích, đây chỉ là một “thủ thuật” trong việc bán hàng của các nhân viên bất động sản.
Chủ đầu tư dễ dàng đạt được mục đích của mình trong khi khách hàng luôn là người chịu thiệt vì thiếu hiểu biết về dự án.
Việc mua hàng theo tâm lý đám đông khiến nhiều nhà đầu tư quá “sốt sắng” khi mua căn hộ đã tạo cơ hội thuận lợi cho chủ đầu tư nâng giá bán, "sốt" giả, khan hiếm giả trên thị trường căn hộ... nhằm đưa khách hàng vào "ma trận" giá khó có lối thoát .
Trong khi đó, nếu có rủi ro gì trong việc mua bán căn hộ thì người mua nhà cũng không được bảo vệ do hợp đồng đặt chỗ vốn không có giá trị pháp lý trước pháp luật. Luật sư Tính kết luận.
Chi tiền tỷ cho vay để được mua nhà Khai Sơn, cẩn thận kẻo thả gà ra đuổi |
Cũng theo luật sư Tính, việc thảo hợp đồng của chủ đầu tư thường đã có một đội ngũ pháp lý tư vấn rất rõ ràng, nếu người dân mua bất động sản theo tâm lý đám đông mà không để ý điều khoản, sau này có vấn đề về mặt pháp lý, việc đi đòi lại tài sản của mình sẽ rất tốn thời gian và công sức.
Kiểu hợp đồng cho nhà đầu tư vay vốn để đặt cọc bất động sản như dự án Khai Sơn city không chỉ lần đầu tiên xuất hiện trong giao dịch mua bán bất động sản.
Còn nhớ, nhiều khách hàng khác cũng “mắc kẹt” với các dự án như Dự án 34 Cầu Diễn và B5 Cầu Diễn, AZ Lâm Viên, AZ Vân Canh, 99 Trần Bình… vì hợp đồng vay vốn.
Nhiều khách hàng đã kiện chủ đầu tư mong lấy lại tài sản, tuy nhiên thời gian kéo dài và mệt mỏi đã khiến nhiều khách hàng ngán ngẩm vì lỡ đặt niềm tin nhầm chỗ.
Đã một thời, dư luận cảnh báo rất nhiều về sự rủi ro của loại hợp đồng này.
Cùng với đó việc thị trường bất động sản rơi vào khoảng thời gian trầm lắng, trên thị trường cũng sạch bóng các loại dự án dự án huy động vốn dưới hình thức hợp đồng vay vốn, góp vốn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi thị trường bất động sản phát triển trở lại, hình thức này lại tái diễn và Khai Sơn city là một dự án đang triển khai với hợp đồng vay vốn tương tự.