Phối hợp, đa dạng hình thức tuyên truyền về kiến thức an toàn giao thông cho HS

01/11/2024 10:19
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để tạo hứng thú cho học sinh tìm hiểu kiến thức về an toàn giao thông thì các thầy cô nên tích hợp kiến thức với các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Hiện nay, học sinh đi học bằng xe đạp điện hay xe máy điện dưới 50 phân khối (từ 16 tuổi trở lên) khá phổ biến. Và không thiếu trường hợp không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn, thậm chí lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, tạt đầu xe khác, không chỉ gây nguy hiểm mà còn dễ xảy ra tai nạn.

tuyen-truyen-giao-thong-4.jpeg
Lực lượng công an thành phố Hải Phòng xử lý học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông (Ảnh: CTV)

Cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường với các cơ quan chức năng

Chị Trần Ngọc Lan, phụ huynh có con học lớp 9 tại Trường Trung học cơ sở Trần Phú (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Hiện nay, nhiều gia đình đều mua xe đạp điện cho con đi học. Nhà tôi cách trường cũng 7-8 km mà bố mẹ đều đi làm nên không có nhiều thời gian đưa đón con. Hầu hết việc đi học là con tự túc. Chính vì thế, vợ chồng tôi cũng quyết định mua cho con một chiếc xe đạp điện vào đầu năm lớp 9 để con đi học thuận tiện hơn, bố mẹ không mất nhiều thời gian đưa đón.

Tuy nhiên, vợ chồng tôi cũng rất lo lắng khi con sử dụng phương tiện này. Nhất là khi lưu thông trên đường có rất nhiều xe to qua lại. Thậm chí, có lần tôi đi trên đường còn từng bị một học sinh đi xe đạp điện tạt đầu. Mặc dù gia đình đã nhắc nhở con nhiều lần là phải cẩn thận khi đi xe đạp điện nhưng tôi vẫn rất lo lắng.

Tôi mong muốn lực lượng chức năng có thể kiểm soát chặt chẽ và xử phạt nghiêm những trường hợp đi xe đạp điện, xe máy điện không chấp hành an toàn giao thông.

Ngoài ra, nếu có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và nhà trường tuyên truyền cho học sinh về những lưu ý an toàn khi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông sẽ giúp học sinh có thêm những hiểu biết về an toàn giao thông”.

tuyen-truyen-giao-thong-2.jpeg
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an quận Ngô Quyền) phổ biến pháp luật về An toàn giao thông cho học sinh. (Ảnh: CTV)

Anh Trần Thành Công, phụ huynh có con học Trường Trung học phổ thông Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nêu quan điểm rất ủng hộ việc nhà trường phối hợp với cảnh sát giao thông giáo dục an toàn cho học sinh.

“Xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện không yêu cầu bằng lái, điều này cũng đồng nghĩa học sinh chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe cũng như kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Trường con tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh. Khi trường có hoạt động đó tôi thường cùng con tham gia. Các đồng chí cảnh sát giao thông đã hướng dẫn học sinh cách sử dụng mũ bảo hiểm như thế nào cho đúng.

Nhất là khi học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện thì không nên đi sát các xe to, nhất là xe tải. Học sinh cũng có thêm kiến thức để phân biệt rõ làn đường mình được đi, các biển báo giao thông,... Nhờ đó mà tôi cũng yên tâm hơn khi cho con sử dụng xe đạp điện”, anh Công cho biết.

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông khi học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, rất cần sự phối hợp của lực lượng chức năng, gia đình và nhà trường, đồng thời có hình thức xử phạt khi phát hiện học sinh vi phạm luật giao thông.

Tích hợp hoạt động trải nghiệm về an toàn giao thông tạo hứng thú cho học sinh

Em Nguyễn Thanh An, học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, Hải Phòng) chia sẻ, em rất thích các hoạt động trải nghiệm về chủ đề an toàn giao thông do nhà trường tổ chức.

Nam sinh cho biết, hoạt động này thường được thầy cô tích hợp thêm với các trò chơi tạo hứng thú cho học sinh tham gia. Nhờ đó em cũng có thêm các kiến thức về an toàn giao thông. Bên cạnh đó nhà trường còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu luật an toàn giao thông và có những phần thưởng nên đã khích lệ được tinh thần của học sinh tham gia.

GDVN_thcs-lkt-9.jpg
Lực lượng cảnh sát giao thông tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông cho học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, Hải Phòng).

Cô Trương Minh Ánh, giáo viên dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật của một trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hải Phòng cho biết: Để tạo hứng thú cho học sinh tìm hiểu kiến thức về an toàn giao thông thì các thầy cô nên tích hợp kiến thức với các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền nhắc nhở các bậc phụ huynh về việc thực hiện tốt luật an toàn giao thông đường bộ thông qua các cuộc họp phụ huynh học sinh, việc tổ chức thêm các cuộc thi về an toàn giao thông cho phụ huynh và học sinh cùng tham gia cũng là một giải pháp hay để các em học sinh và phụ huynh có thêm kiến thức. Từ đó, phụ huynh giáo dục con cái chấp hành tốt mọi quy định về an toàn giao thông khi tham gia giao thông trên đường (đi đúng phần đường, không vượt đèn đỏ…).

Ngoài các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy... thì xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện giao thông rất phổ biến mà học sinh sử dụng. Không ít phụ huynh, học sinh cho rằng đi xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe gắn máy. Trên thực tế, với vận tốc tối đa có thể lên tới 40 - 50km/h, mức độ nguy hiểm của xe máy và xe đạp điện là như nhau. Chính vì thế, phụ huynh cũng nên lưu tâm thêm vấn đề này để nhắc nhở con em khi tham gia giao thông”.

Trước đó đã có không ít trường cấm học sinh sử dụng xe máy điện để đi học. Thực tế, nguyên nhân dẫn đến tai nạn chủ yếu do học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do thiếu trách nhiệm của gia đình trong quản lý con em khi đi học, giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển xe đạp điện và xe máy điện.

Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Xe máy điện là xe gắn máy chạy bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không vượt quá 4KW, vận tốc thiết kế tối đa không lớn hơn 50 km/giờ.

Điều 60 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:

Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm³; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm³ trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự…

Do đó, với học sinh chưa đủ 16 tuổi không được phép sử dụng xe gắn máy có công suất dưới 50 cm³.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/88307/tiem-an-nguy-co-mat-an-toan-khi-hoc-sinh-di-xe-dap-dien--xe-may-dien.aspx

LÃ TIẾN