Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng vụ án, tình trạng tài chính của Ngân hàng Đại Tín rất xấu, thua lỗ trầm trọng trước khi được bán cho nhóm Phạm Công Danh, vậy tại sao Phạm Công Danh mua Ngân hàng Đại Tín để rồi đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng và tiếp tục thua lỗ? Các nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Ngân hàng Đại Tín trước đó là gì? Những ai phải chịu trách nhiệm?
Bán cổ phiếu khi ngân hàng không còn vốn điều lệ
Ngân hàng Đại Tín có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do nhóm Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sở hữu gần 85% cổ phần.
Tháng 7/2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận Ngân hàng Đại Tín lỗ 6.000 tỷ đồng, không những không còn vốn điều lệ mà còn bị âm 2.854 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn vẫn thỏa thuận bán toàn bộ gần 85% cổ phần ngân hàng cho nhóm Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đại diện). Nhóm Danh đã thanh toán cho nhóm bà Hứa Thị Phấn hơn 3.500 tỷ đồng.
Phạm Công Danh mua Ngân hàng Xây Dựng làm gì?
Sau khi mua Ngân hàng Xây Dựng, Phạm Công Danh và một số cá nhân đã có một số sai phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây Dựng, trong đó có tiền rút ra để trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn và 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ của Ngân hàng.
Năm 2013 Ngân hàng Xây Dựng lỗ hơn 11.000 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (tháng 7/2014), vốn chủ sở hữu của Ngân hàng âm hơn 18.000 tỷ đồng.
Cho đến nay, không rõ tại sao Phạm Công Danh lại mua Ngân hàng Đại Tín yếu kém như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng đều cho rằng việc Ngân hàng Đại Tín tiếp tục thua lỗ là điều không thể tránh khỏi, và có thể dự đoán ngay khi Phạm Công Danh mua cổ phần từ nhóm bà Hứa Thị Phấn.
Phải chăng Phạm Công Danh không có nghiệp vụ ngân hàng, quá tự tin vào khả năng của mình trong việc khôi phục Ngân hàng Đại Tín?
Ai phải chịu trách nhiệm?
Phạm Công Danh và một số cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì những hậu quả hiện tại tại Ngân hàng Xây Dựng.
Tuy nhiên, liệu những hậu quả này có xuất phát từ những yếu kém của Ngân hàng Đại Tín trước đó?
Nguyên nhân của tình trạng thua lỗ của Ngân hàng Đại Tín trước đây là gì, có dấu hiệu sai phạm không và đã được điều tra, xử lý ra sao?
Nhóm bà Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm gì về các khoản thua lỗ của Ngân hàng Đại Tín?
Đã 4 năm trôi qua kể từ khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có kết luận (tháng 7/2012) về thực trạng của Ngân hàng Đại Tín, các câu hỏi này vẫn không được trả lời, công luận không biết, chỉ có hàng ngàn tỷ mất đi thì rõ như ban ngày.
Trước khi vụ án được xét xử, luật sư của Phạm Công Danh đã gửi văn bản cho các cơ quan tố tụng nêu nhiều sai phạm của nhóm bà Hứa Thị Phấn trong quá trình chuyển nhượng cổ phần cho nhóm Phạm Công Danh;
Đồng thời, kiến nghị làm rõ sai phạm, buộc nhóm bà Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của Ngân hàng Đại Tín để tránh bỏ lọt tội phạm, bảo đảm công bằng và toàn diện khi xử lý vụ án Phạm Công Danh.