Đi tìm ý nghĩa của Ấn đền Trần

24/02/2013 07:55
Theo Lao động
Lễ khai ấn đền Trần năm 2013 diễn ra vào giờ Tý - nửa đêm 14 âm lịch, tức rạng sáng ngày 15 tháng giêng (đêm ngày 23 rạng sáng ngày 24.2) tại Tiên Miếu nhà Trần (hương Tức Mạc xưa), Nam Định. Với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng Lộc Ấn đền Trần "Tích Phúc Vô Cương"; cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt.
Trải qua nhiều năm, lễ khai ấn vẫn được người dân duy trì và phát triển, và trở thành một trong những tập tục đẹp, một nét văn hóa đẹp trong những ngày đầu năm mới của người Việt được gìn giữ lâu đời. Trong Lễ khai ấn đền Trần năm 2013, Ban tổ chức dự kiến sẽ in lượng lá ấn nhiều hơn con số 25 vạn tờ của năm 2012; thời gian phát ấn có thể kéo dài đến hết tháng giêng. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho rằng, trước mắt việc kéo dài thời gian phát ấn là cần thiết, song không nên kéo dài mà phải từng bước rút ngắn, nếu kéo dài sẽ rất lãng phí thời gian, tiền bạc và không đúng với truyền thống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền để mọi người nhận thức được giá trị thực của lá ấn.
Môn Hạ Sảnh Ấn bảo vật truyền lại từ triều đại Nhà Trần
Môn Hạ Sảnh Ấn bảo vật truyền lại từ triều đại Nhà Trần
Theo GS Nguyễn Văn Huy, việc đóng ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương, nay đã bị “phóng đại” về quy mô, ý nghĩa đến mức gây hệ lụy về tâm linh. Chắc chắn đấy không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình. Nó cũng giống ấn đóng bùa treo khắp nhà cần trấn yểm sự cố hoặc các bùa cầu may mang theo người. Có thời gian, việc đóng ấn ở đền Trần trong ngày khai ấn lại do các quan chức nhà nước từ cấp cao xuống đến cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện với ý nghĩa “khai ấn” là mở đầu cho công việc của nhà nước. Việc làm sai lệch này trong nhiều năm dẫn đến nhiều hệ lụy về tâm linh mà bây giờ đang phải giải quyết. GS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh rằng, ban đầu ấn đền Trần chỉ là một biểu tượng cầu an cho cộng đồng địa phương, cho các gia đình trong khu vực. Nhưng để tuyên truyền, người ta đã “nâng cấp” ý nghĩa của ấn và việc khai ấn lên thành việc của triều đình nhà Trần, của lãnh đạo nhà nước đương đại. Do đó, một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn trở thành điều hiển nhiên. Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc. Các quan chức ở tỉnh, ở các tỉnh bạn và cả các ban ngành ở trung ương cũng đã từng nô nức về đền Trần đêm khai ấn, chắc hẳn cũng chạy theo dòng thông điệp ngầm sai lầm này. Nhân dịp này, Báo Lao Động xin giới thiệu về Môn Hạ Sảnh Ấn - bảo ấn thực sự của triều đại nhà Trần mà chúng ta còn may mắn lưu giữ được đến ngày nay, và mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Môn Hạ Sảnh Ấn - cổ ấn đồng xưa cũ nhất, có xuất xứ rõ ràng nhất đến nay còn lưu giữ được - đã chính thức được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Có điều gì lạ lùng về bảo ấn bằng đồng ấy?(*)Nguồn gốc rõ ràng nhất Ấn chương học (Sigillographie – theo cách gọi của giới nghiên cứu Cổ sử hay Sphragistique – theo cách gọi của các nhà nghiên cứu Minh văn học) là môn học nghiên cứu về con dấu qua các thời. Con dấu trên văn bản thường có 3 mục đích: Bảo đảm tính xác thực của văn bản; khẳng định quyền chủ sở hữu của văn bản; xác định niên đại của văn bản. Nghiên cứu ấn chương học vì thế được coi là phương pháp tìm chứng cứ (recherché des témoigrages) trong khoa học lịch sử và có ý nghĩa quan trọng đối với văn bản học.
Lễ khai Ấn đền Trần tổ chức vào rằm tháng Giêng hằng năm.
Lễ khai Ấn đền Trần tổ chức vào rằm tháng Giêng hằng năm.
Theo GS Hà Văn Tấn, Việt Nam vốn đã có một truyền thống ấn chương lâu đời, thư tịch cổ chép rằng các lạc tướng thời Hùng Vương có ấn đồng dây thao xanh (đồng ấn thao thụ). Chúng ta đã tìm thấy các con dấu làm bằng gốm dùng để trang trí trong văn hóa Hoa Lộc, văn hóa Bàu Tró; khi chữ Hán truyền vào Việt Nam thì ta bắt gặp con dấu như “Tư phố huyện ấn”, hiện được cất giữ ở bảo tàng Bỉ; hoặc tìm được các phong nê (tức là vẽ, viết chữ tượng hình lên khuôn đất bùn để đánh dấu làm tin ở các nút buộc văn bản đã được cuộn tròn lại) ở Quảng Nam cho biết ảnh hưởng của Đạo giáo thời kỳ sớm; hoặc tìm được những con dấu bằng mã não hoặc bằng chì in bằng chữ Pallava trong các di chỉ văn hóa Óc Eo ở miền Nam từ TK VII đến TK IX. Các triều đại phong kiến Việt Nam từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn đến Nguyễn, thời gian tuy chưa phải là xa lắm nhưng vì ngoại xâm và nội chiến triền miên nên những hiện vật quý giá như ấn chương hầu hết bị chôn vùi, thất thoát. Cộng với sự tàn phá nặng nề của thiên tai nên biết bao ấn chương các loại và văn bản có lưu hình dấu phải chịu chung số phận tro bụi cùng cung điện, lầu các, thư phòng… Trong tình hình tài liệu hiện nay, những vật có niên đại tuyệt đối như bia ký, sắc phong, chiếu chỉ, tiền… còn ít, thì ấn chương là một loại di vật lịch sử quý giá. Cho đến nay, số lượng những quả ấn từ thời nhà Trần đến triều Tây Sơn còn lại không nhiều. Hiện nay, tại một số cơ quan bảo tàng thuộc Bộ VHTTDL còn lưu giữ được một số ấn đồng cổ, đã được xác định niên đại một cách chính xác. Đầu tiên phải kể đến Môn Hạ Sảnh Ấn được tạo năm Long Khánh thứ 5 đời Trần Duệ Tông (1377). Các ấn thời Lê sơ là Thuần tượng hậu vệ bào lâm hậu sở ấn đúc năm Hồng Đức thứ 24 đời Lê Thánh Tông (1493), Phụng mệnh tuần phủ đô tướng quân ấn tạo năm Hồng Thuận thứ 6 (1514) và Đề thống tướng quân chi ấn được đúc năm Hồng Thuận thứ 7 (1515). Ba quả ấn thời Mạc còn bảo quản được là Hoành hải hậu sở chi ấn đúc năm Đại Chính thứ 5 (1534), Thanh tái tả sở chi ấn đúc năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549) và Khuông trị vệ lăng xuyên tiền sở chi ấn được tạo năm Thuần Phúc thứ 3 (1564). Hiện vật ấn chương thời Tây Sơn còn lại là 4 quả ấn đồng được lưu giữ ở những địa phương khác nhau, trong đó có 3 ấn tướng lĩnh quân đội và một ấn hành chính cấp huyện. Đó là ấn Suất trung lương nhị vệ tam hiệu trung lang tướng, Suất hung cự khai vệ ngũ hiệu đô ty, Tây kỳ phủ trung tín nhất vệ hộ quân sứ vinh hoa hầu và Bằng Tuyền huyện quản lý. Các ấn đồng này được tạo cùng một thời gian là năm Tân Hợi (1791) niên hiệu Quang Trung. Nhiều ấn khác được nói đến trong sử sách hoặc thấy xuất hiện hình dấu trên văn bản, văn khắc như sắc phong, chiếu, dụ, lệnh chỉ, bằng cấp, chứng nhận… nhưng bản thân chiếc ấn hiện đã thất lạc ở nơi nào thì không ai biết. Chẳng hạn như trên phiến đá ở động Tuyết Sơn (chùa Hương, Hà Nội) còn lưu giữ hai hình dấu lớn Ngự bút và Vạn cơ thanh hạ khắc dưới bài thơ Đăng Tuyết sơn hữu hứng của Chúa Trịnh Sâm, hoặc trên tấm bia Thư bút ngự tứ hiện còn ở xã Phương Triện, Gia Bình, Bắc Ninh có khắc hình Ngự tiền chi bảo dưới dòng ghi niên đại thời vua Lê Cảnh Hưng… Trong hoàn cảnh ấy, Môn Hạ Sảnh Ấn thực sự nổi bật như một cổ ấn có niên đại xưa nhất và nguồn gốc rõ ràng nhất ở nước ta.Thực quyền trong lịch sử Theo cuốn “Ấn chương Việt Nam - từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX” của tác giả Nguyễn Công Việt, do
Chữ Hán có 4 kiểu viết (chân, thảo, lệ, triện), trong đó kiểu chữ triện thường dùng để khắc ấn là một trong những kiểu chữ khó đọc nhất. Mỗi một quả ấn khi in xuống giấy, lụa sẽ cho ra đời một văn bản Hán Nôm hoàn thiện, cô đọng. Những dòng chữ Hán khắc trên mặt ấn sẽ giúp ích cho việc xác định niên đại, cơ quan và địa chỉ tạo ấn, trọng lượng của ấn, thậm chí nhiều khi còn giúp cho việc chân hóa chữ triện được chuẩn xác.
NXB KHXH xuất bản năm 2005, chiếc ấn được phát hiện tại xã Hương Giang (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) năm 1962. Ấn có chất liệu bằng đồng, núm ấn làm theo hình mặt bia đá có đế tam cấp. Ấn có chiều cao 8cm, phần rộng nhất tức là phần đế ấn là 7,3cm. Núm cầm trên rộng 3,7cm và dày 1,2cm. Mặt ấn có hai dòng chữ Hán khắc ở hai bên thành ấn ngay bậc thứ nhất. Bên phải là bốn chữ Môn Hạ Sảnh Ấn, chữ thứ ba tuy khá mờ nhưng có thể xác định rõ là chữ “sảnh”. Bên trái là dòng chữ Hán có chữ đầu và ba chữ khác bị sứt mờ rất khó đọc. Sau khi nghiên cứu, những chữ này được xác định là các chữ “Long Khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo”. Mặt dấu hình vuông có kích thước 7,3x7,3cm, văn khắc mặt dấu là bốn chữ triện, nét khắc uốn nhiều lần. Đó là bốn chữ Môn Hạ Sảnh Ấn. Như vậy niên đại của ấn được xác định rõ, ấn được đúc vào ngày 23 tháng 5 năm Long Khánh thứ 5 đời Trần Duệ Tông (1377). Dòng chữ khắc trên mặt ấn và hình dấu Môn Hạ Sảnh Ấn đã cho chúng ta biết đây là con dấu của một chức quan thời Trần. Nhưng “Môn hạ sảnh” là cơ quan gì, chức năng nhiệm vụ của nó như thế nào, ai là chủ sở hữu của quả ấn, đó là những điều nan giải khi tài liệu thời Trần liên quan đến các vấn đề này cho đến nay còn quá sơ sài, khiến các nhà nghiên cứu phải tìm từ cội nguồn của “Môn hạ sảnh”. Môn hạ sảnh là một cơ quan trung ương nằm trong bộ ba “Tam sảnh” là Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh và Môn hạ sảnh - ba cơ quan cao nhất ở triều đình phong kiến thời cổ. Ở Trung Quốc, ba cơ quan riêng biệt được hình thành từ thời Đông Hán. Ban đầu lấy thượng thư thay thừa tướng, tiếp đó lấy trung thư thay thế thượng thư, cuối cùng lấy môn hạ để chia quyền với trung thư. Đến thời Tùy - Đường mới phát triển thành chế độ Tam sảnh. Từ Hải giải nghĩa “Tam sảnh” theo sách Tân Đường thư, Bách quan chí: “Thời Tùy - Đường, Tam sảnh là cơ quan cao nhất, trong đó tòa Trung thư đóng vai trò quyết sách, tòa Môn hạ giữ vai trò thẩm nghị, tòa Thượng thư có trách nhiệm chấp hành; trên thực tế, ba vị quan đứng đầu ba tòa này cùng nhau phụ trách công việc của Trung khu”. Ở Việt Nam, nhà Trần xếp đặt quan chức chủ yếu dựa vào phép đặt quan của nhà Lý, đồng thời có tham bác và mô phỏng theo quan chức chế của nhà Đường - Tống (Trung Quốc). Thời nhà Trần, các vương công tôn thất đều ở phủ đệ riêng nơi thôn dã, đến kỳ triều kiến thì mới vào Kinh. Khi nhậm chức thì họ cũng chỉ nắm giữ những cái chính, còn thực quyền thì nằm trong tay quan Hành khiển. Nhà Trần thiết lập Thượng thư sảnh và Môn hạ sảnh. Thượng thư sảnh có nhiệm vụ giúp tể tướng quản lý các việc có liên quan đến quan chức, chức Hành khiển Thượng thư đứng đầu. Môn hạ sảnh là cơ quan thân cận của vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, chuyển lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc lễ nghi trong cung; chức chưởng đều gắn với chức hành khiển. Hành khiển là chức rất lớn, bao trùm các chức lệnh thị lang, tả hữu ty, lang trung. Chức quan ở Môn hạ sảnh thời Trần đều do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm, như năm Khai Thái thứ 6 (1329) Trần Minh Tông phong Vũ Nghiêu Tá làm Nhập nội Hành khiển Môn hạ Hữu ty Lang trung. Năm Khai Hựu thứ 11 (1339) Trần Hiến Tông lấy Trương Hán Siêu làm Môn hạ Hữu ty Lang trung rồi sai Trương Hán Siêu cùng Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo đính bộ hình thư để ban hành. Những thay đổi về danh xưng ở Ty Hành khiển cũng không làm nó thay đổi về chức năng nhiệm vụ, như năm Thiệu Phong thứ 4 (1344) Trần Dụ Tông đổi Hành khiển ty làm Thượng thư sảnh, và Hành khiển ty vẫn để là Môn hạ sảnh như cũ. Các đại thần tài giỏi tuy đã làm ở sảnh rồi vẫn được kiêm nhiệm chức vụ khác, như Hành khiển Phạm Sư Mạnh năm Đại Trị thứ 5 (1362) được Trần Dụ Tông phong thêm chức Tri khu mật viện sự. Ấn đồng Môn Hạ Sảnh được đúc vào năm 1377 và được dùng đóng trên những văn bản hành chính quan trọng từ đời Trần Phế Đế về sau. Đáng tiếc là không còn một văn bản Hán Nôm thời Trần nào còn sót lại, cho nên không thể tìm lại tên họ những đại thần từng có gắn bó với Môn Hạ Sảnh Ấn. Năm Thiệu Khánh thứ 3 (1372) Trần Nghệ Tông cho Đỗ Tử Bình làm Hành khiển tham mưu quân sự, trải qua đời Duệ Tông đến thời Trần Phế Đế năm Xương Phù thứ 2 (1378) Đỗ Tử Bình vẫn giữ chức Hành khiển như cũ. Đến năm Xương Phù thứ 4 (1380) Đỗ Tử Bình lại được thêm chức Nhập nội Hành khiển Tả Tham tri chính sự lãnh chức Kinh lược sứ Lạng Giang. Sách Đại Việt sử ký tiền biên còn ghi rõ tên họ, năm tháng những đại thần giữ chức Hành khiển: “Năm Xương Phù 5 (1381) cho Đào Sư Tích làm Nhập nội Hành khiển Hữu ty Lang trung”; “Năm Xương Phù thứ 8 (1384) sai Hành khiển ty là Trần Nghiêu Dụ đốc thúc Vận sứ của các Lộ vận chuyển lương đến đầu huyện Thủy Vĩ cấp cho quân…”; “Năm Xương Phù thứ 12 (1388) cho Nhập nội Hành khiển Tả ty là Vương Hữu Chu về hưu trí”. Theo nhà nghiên cứu về ấn chương học - TS Nguyễn Công Việt - trong số những đại thần trên thì Trần Nghiêu Dụ mới có thể là người quản lý và sử dụng Môn Hạ Sảnh Ấn, vì Môn hạ sảnh chính là Hành khiển ty, còn các chức Hành khiển khác thì chỉ liên quan đến Môn hạ sảnh mà thôi. Quả ấn này được chế tác năm 1377, nhưng mãi đến năm 1384 thì Trần Nghiêu Dụ mới được bổ nhiệm đóng dấu Môn hạ sảnh, còn trước năm 1384 và sau Trần Nghiêu Dụ là ai thì các nhà nghiên cứu cũng chưa tìm ra được. Đầu thời Lê sơ, vua Lê Thái Tông mô phỏng quan chức chế nhà Trần để đặt ra tam sảnh. Thượng thư sảnh giữ sự vụ quan chức, trung thư sảnh giữ việc bàn bạc mọi việc trọng đại của quốc gia, Môn hạ sảnh giữ quyền thẩm tra kiểm duyệt mọi việc, sau đó mới được ban bố thi hành. Chế độ tam sảnh đó còn mãi trong giai đoạn Lê sơ và Môn Hạ Sảnh Ấn vẫn được sử dụng trong công vụ. Đến đời Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông đã bãi bỏ chức vụ tể tướng để quyền hành tập trung vào tay hoàng đế. Với công cuộc cải cách hành chính quy mô, Thánh Tông đã giảm dần quyền lực của tam sảnh, tam sảnh thuần túy chỉ là chức năng văn phòng của hoàng đế, rồi đặt chức của chính quan các sảnh này nằm dưới thượng thư lục bộ. Khi ấy, ấn của Môn hạ sảnh mới thực sự hết vai trò lịch sử của mình. Nhà Trần là một trong những triều đại lừng lẫy nhất trong lịch sử nước ta. Trong lòng các ngôi chùa cổ và nhất là những ngôi đền, điện thờ thuộc Đạo giáo và thậm chí cả ở tư gia của một số thầy pháp ở nước ta hiện nay còn bảo lưu rất nhiều ấn tín thuộc lĩnh vực tôn giáo. Đó là những quả ấn gỗ, đôi khi là ấn đồng có ngoại hình tạo tác đơn giản nhưng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Chỉ tính riêng một ngôi điện thờ Đức Thánh Trần cách Hà Nội hơn 30km đã tìm thấy gần 30 quả ấn gỗ khác nhau có niên đại cách ngày nay trên dưới 200 năm Đạo giáo Việt Nam bao năm nay tồn tại bên cạnh Phật giáo, hòa trộn cùng Phật giáo với tiền Phật hậu Thánh, tiền Thánh hậu Phật mà biểu hiện đa dạng là các ngôi đền, điện thờ Đức Thánh Trần, công đồng tam, tứ phủ cùng chư vị Thánh mẫu… đã được hiện vật ấn tín chứng minh. Những ấn dấu lớn về Trần Hưng Đạo như Cửu thiên vũ đế Trần triều Hưng Đạo đại vương chi ấn, Trần Hưng Đạo vương ấn; về Điện súy Phạm Ngũ Lão như Trần triều điện súy; Trần triều điện súy thượng tướng quân quan nội hầu chi ấn… đã được các nhà nghiên cứu biết đến. Đó là một hình thức khác của ấn tín cho thấy sự ngưỡng mộ của dân chúng nói chung và tôn giáo nói riêng đối với triều đại nhà Trần. Nhưng không một chiếc ấn nào vượt qua được Môn Hạ Sảnh Ấn về giá trị cũng như thực quyền của nó trong lịch sử. Và Môn Hạ Sảnh Ấn sẽ mãi không chỉ là bảo vật của riêng triều đại nhà Trần mà đến nay chúng ta còn lưu giữ được. (*) Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Ảnh do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - nơi lưu giữ Môn Hạ Sảnh Ấn - cung cấp.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Lao động