Tréo ngoe giáo viên Toán làm nhân viên y tế học đường
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn khiếu nại của cô Hà Tú Trinh (giáo viên Trường trung học cơ sở Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), về việc cô bất ngờ bị phân làm nhân viên y tế của trường, trong khi cô là giáo viên Toán.
Cô Trinh cho biết, bắt đầu từ năm học 2017 – 2018, cô Trinh bị phân làm nhân viên phòng y tế của trường, trong khi trước đó, cô vẫn đứng lớp giảng dạy bình thường.
Cô Hà Tú Trinh khẳng định, cô hoàn toàn không có chuyên môn gì về y tế, mà lại tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán, chứng tỏ Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở Phong Điền đã phân công nhiệm vụ cho giáo viên không đúng với năng lực chuyên môn.
Theo cô Trinh, các văn bản, thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã qui định rõ, nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên.
Cô Trinh hiện là nhân sự của Trường trung học cơ sở Phong Điền quản lý (ảnh: P.L) |
Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng được qui định này, hoặc ký hợp đồng với Trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Nữ giáo viên này cho rằng, việc bố trí mình làm nhân viên y tế học đường chính là lãnh đạo trường đang cố ý trù dập, o ép giáo viên, khi cô Trinh cũng chính là người đang phản ánh một số vấn đề tồn tại của giáo viên tại trường.
Dư giáo viên, giáo viên Toán bị điều làm nhân viên y tế
Ngày 30/10, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phong Điền – ông Bùi Xuân Minh thừa nhận, có chuyện phân cô Trinh làm nhân viên y tế học đường, và chuyện này là chưa phù hợp so với qui định.
Ông Bùi Xuân Minh lý giải: Theo đề án sắp xếp nhân sự, nhà trường chỉ có 12 lớp, theo đúng quy định chỉ được 23 giáo viên, cộng thành viên Ban Giám hiệu và nhân sự phục vụ nữa là 31 ng, mà thực tế có 34 cán bộ, giáo viên và 1 người làm hợp đồng.
Như vậy, ở trường dư 4 lao động, mà các tổ Toán, Văn, Sinh học, Anh văn đều có dư giáo viên, mà thiếu nhân viên y tế học đường và thiết bị.
Theo ông Minh, việc phân giáo viên làm nhân viên thiết bị còn tạm chấp nhận được, nhưng làm y tế học đường thì không đảm bảo được qui định.
Khi phóng viên đặt vấn đề cơ sở để nhà trường phân nhiệm vụ khác cho giáo viên, ông Bùi Xuân Minh cho hay, trường phân công nhiệm vụ theo mức độ xếp loại giáo viên từ cao xuống thấp. Cụ thể, cô Trinh chỉ được xếp loại thấp nhất là hoàn thành nhiệm vụ.
Đơn khiếu nại của cô Trinh gửi lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời (ảnh: P.L) |
Cũng theo ông Bùi Xuân Minh, học sinh bệnh thì ở trường chỉ cũng chỉ chăm sóc đơn giản, trường lại gần trạm xá, nên có chuyện gì thì chuyển qua đây ngay. Trường cũng có thuốc đầy đủ, nhưng do nhân viên y tế không có chuyên môn, nên Hiệu trưởng nói không được dùng.
Người đứng đầu Trường Phong Điền khẳng định rằng, việc phân công này cũng chỉ là tạm thời, để đảm bảo thu nhập cuộc sống của giáo viên, chờ cấp trên phân công lại.
Nếu trước đây, phân công nhiệm vụ không theo đề án thì khác, các giáo viên luân phiên thay phiên nhau làm các vị trí còn thiếu nhân sự, nhưng bây giờ phải làm khác rồi.
Ông Bùi Xuân Minh nhấn mạnh, cô Hà Tú Trinh nói thế, chứ thực tế là lãnh đạo đang tạo điều kiện về thu nhập cho cô.
Phóng viên hỏi về việc nếu dư nhân sự, sao không có kế hoạch phân công nhiệm vụ từ sớm, chuyển giáo viên đi đến những nơi thiếu, ông Bùi Xuân Minh giải đáp: Đây chỉ là kế hoạch tạm thời, chờ cấp trên giải quyết.
“Sẽ lập và chuyển danh sách nhân sự dư chuyển đi đến chỗ nào thiếu, nhưng mà thực tế thì cũng rất khó, do hiện chỗ nào cũng dư, nên sắp xếp rất khó sắp xếp” – ông Bùi Xuân Minh kết luận.
Cuối cùng, ông Minh khẳng định chắc chắn rằng, đây hoàn toàn không phải là sự trù dập hay o ép gì cô Trinh.
Ông Bùi Xuân Minh cũng mới chỉ chuyển về Trường Phong Điền làm Hiệu trưởng được hơn 1 tháng, nhưng cũng đã tìm hiểu và nắm vững tâm tư, nguyện vọng của anh/chị em giáo viên.