Sự việc xảy ra tại Trường tiểu học Lý Công Uẩn (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Phụ huynh bức xúc vì bữa ăn “nghèo nàn”
Theo phản ánh của những phụ huynh này, mặc dù tiêu chuẩn suất ăn bữa trưa của mỗi học sinh bán trú là 20.000 đồng/học sinh nhưng đồ ăn rất đạm bạc, không đảm bảo chất lượng.
Chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú tại Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: TT |
Kèm theo đó là những bức ảnh chụp bữa ăn của học sinh trong khoảng từ đầu tháng 11 đến nay để làm bằng chứng.
Phụ huynh đã có nhiều lần góp ý trực tiếp với cô Lê Thị Hoàng Anh – Hiệu trưởng nhà trường nhưng trên thực tế chất lượng bữa ăn không được cải thiện.
Sau đó, phụ huynh có đến trường để tiếp tục kiểm tra bữa ăn của các cháu nhưng bảo vệ nhà trường không cho vào vì “không có thẻ”.
Con kêu đói, huyện An Dương xác nhận có bớt xén nhưng trường chỉ rút kinh nghiệm |
“Chúng tôi là phụ huynh trực tiếp đóng tiền ăn cho con em mình, tại sao lại không được quyền giám sát bữa ăn của các cháu?
Chúng tôi có điện thoại hẹn cô Anh để phản ánh tiếp về tình hình bữa ăn nhưng cô không nghe máy. Sau đó, chúng tôi có đến trường nhưng không gặp.
Chúng tôi nhờ cô Hạnh – Phó hiệu trưởng liên lạc để hẹn lịch gặp cụ thể nhưng cô Hoàng Anh từ chối”, một phụ huynh phản ánh.
Cũng theo những phụ huynh này thì nhà trường còn có nhiều khuất tất trong các khoản thu đồ dùng bán trú đầu năm.
Theo đó, các khoản thu đồ dùng bán trú của học sinh năm nào cũng thu nhưng hầu hết số đó sử dụng lại, chỉ mua sắm thêm một số vật dụng bán trú quá cũ.
“Khi các cháu vào học lớp 1, lớp 2 ở bán trú năm học 2014-2015 và 2015-2016, nhà trường đã thu các khoản tiền từ 300.000 – 500.000 đồng/học sinh.
Rồi đến tháng 9/2017 lại thu tiếp của phụ huynh từ 200.000 - 250.000 đồng/học sinh.
Trong khi hầu hết đồ dùng bán trú đều sử dụng lại của năm cũ”, phụ huynh nêu ý kiến.
Điển hình như năm nay, nhà trường chỉ sắm thêm một số đồ dùng bán trú lâu dài như: nồi, xô đựng đồ ăn, muỗng…
Lý do vì số lượng học sinh bán trú năm nay tăng thêm nên các lớp học khối 5 ở tầng 4 năm học 2017-2018 là mua sắm mới. Còn khối 5 ở tầng 3 và các khối lớp còn lại sử dụng đồ cũ.
“Vậy những khoản mua sắm bổ sung đó thì có nhất thiết mỗi học sinh cần phải đóng khoản tiền mua sắm bán trú đầu năm ở mỗi năm học như vậy không?” – một phụ huynh đặt vấn đề.
Phụ huynh kiến nghị kiểm tra thực tế các vấn đề như: việc mua sắm đồ dùng bán trú của các năm học của nhà trường.
Làm rõ mỗi suất ăn của các cháu thực tế ăn là bao nhiêu? Số tiền thu chênh lệch quá nhiều so với các trường trên địa bàn quận Hải Châu thì thất thoát đi đâu?
Hiệu trưởng khẳng định bữa ăn tốt, đảm bảo (!?)
Bà Lê Thị Hoàng Anh – Hiệu trưởng trường tiểu học Lý Công Uẩn thừa nhận, những bức ảnh mà phụ huynh cung cấp là chụp bữa ăn học sinh tại trường.
Bà Lê Thị Hoàng Anh – Hiệu trưởng trường tiểu học Lý Công Uẩn bật khóc và cho rằng bị áp lực khi phụ huynh liên tục vào trường chụp ảnh bữa ăn mà không thông qua ban giám hiệu, nhà trường. Ảnh: TT |
Bữa ăn trong các ảnh này có những cái giống, phù hợp với thực đơn của trường.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Anh thì bức ảnh đã chụp không hết bởi có những cái (đồ ăn) chưa đưa ra hoặc đã ăn hết rồi nhưng họ vẫn chụp ảnh.
“Vì góc độ của người chụp nên phản ánh không đúng bản chất của bữa ăn. Có những cái ăn rồi nhưng họ vẫn chụp”.
Bà Hoàng Anh nói tiếp, cứ mỗi lần chia bữa ăn cho học sinh thì phụ huynh vào chụp ảnh. Sự việc diễn ra ở trường suốt gần hai tháng nay và bà bất lực.
Người ta đang mặc kệ, lơ là bữa ăn cho con trẻ |
Theo bà hiệu trưởng giải thích thì nguyên do là có một giáo viên trong trường và một số phụ huynh có hành vi “gây rối”.
“Mình chỉ lập biên bản chứ không dám làm gì cô vì sợ mang tiếng trù dập. Ở đây là giáo viên và phụ huynh phối hợp chụp ảnh.
Phụ huynh của lớp cô đó lên chụp ảnh. Sự việc xảy ra từ đầu tháng 10 và liên tục leo thang”.
Bà Hoàng Anh khẳng định bữa ăn nhà trường đảm bảo chất lượng theo thực đơn của Ajinomoto. Nhưng vận dụng một cách linh hoạt để phù hợp với mức ăn của học sinh.
“Thông thường rất khó để cân đối bữa ăn này bởi trong đó phải đảm bảo đủ số tiền 25.000 đồng/ngày, vừa phải đủ số lượng, học sinh thích ăn và phụ huynh nhìn vào là biết con họ ăn như thế nào?
Phải hài hòa về thực phẩm và số tiền. Ví dụ như sáng ăn cá thu thì chiều phải tính món rẻ hơn như: trứng, thịt… để cân đối hài hòa”, bà Hoàng Anh nói thêm.
Ví dụ như một viên xíu mại có nhiều thành phần như: thịt, chả, nấm... Nhưng khi phụ huynh lên phản ánh sao bữa ăn chỉ có một viên.
Nhưng một viên đó như cái bánh và dằm ra thì có nhiều, đầy kín khay. Phụ huynh không phân tích kỹ để thấy chất lượng bữa ăn – bà Hoàng Anh phân tích.
Về các khoản mua sắm trang thiết bị của nhà trường, bà Hoàng Anh cho hay, dự trù bán trú thì Ủy ban nhân dân quận ra hướng dẫn tài chính và các trường đều làm theo quy định.
Trên cơ sở số lượng học sinh và trên điều kiện thực tế của nhà trường (cần cái gì) nhà trường sẽ cân đối với những đồ dùng năm trước còn lại sử dụng cái gì, đã thanh lý cái gì?, hư hỏng cái gì?...
để số lượng cũ còn dùng được cho năm nay thì thống kê ra và trên cơ sở đó sẽ mua gì để bổ sung.
Trên cơ sở bảng dự trù đó, nhà trường gửi lên danh mục đó để Ủy ban quận phê duyệt, thẩm giá từng cái ly, cái chén, cái bát đánh răng… cho đến cái tờ thức ăn (đang làm dở, chưa nghiệm thu).
“Tất cả các khoản nằm hết trong bảng dự trù này. Phụ huynh không nắm được, chứ bảng dự trù là công khai đàng hoàng trước khi thu”, bà Hoàng Anh khẳng định.
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng giáo dục quận Hải Châu cho biết, các cơ quan chức năng đã nhận được đơn thư tố cáo của một giáo viên trường tiểu học Lý Công Uẩn về công tác bán trú cũng như bữa ăn học sinh.
Hiện Thanh tra quận đã xuống làm việc với nhà trường về vấn đề này và sẽ có kết luận sớm trong thời gian tới.