Thương mại hóa lì xì ngày Tết
Theo cuốn từ điển Thời nay do Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học, mục từ lì xì được giải thích: "Lì xì là mừng tuổi (bằng tiền). Tiền lì xì cho các cháu ngày mùng một Tết". "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10.
Bé tổng kết tiền lì xì. Ảnh minh họa |
Tục phát vốn, lì xì ngày Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Theo GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, theo phong tục, người lớn phát vốn hay lì xì cho trẻ nhỏ, con cái mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà. Tiền lì xì là tiền lẻ (thể hiện sự sinh sôi nảy nở) màu đỏ, đựng trong phong bao đỏ mang ý nghĩa gây dựng, cầu chúc sự phát đạt, may mắn. Nó có ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là giá trị vật chất.
Người Việt Nam theo tục lệ từ xưa, hằng năm, cứ vào sáng mồng một tết Nguyên đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ “lì xì” lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.
Một truyền thuyết cho rằng, tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ đời nhà Đường (Trung Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi hạ sinh một hoàng tử. Được tin mừng, vua Đường Huyền Tông đích thân đến thăm và ban cho Dương Quý Phi một số vàng bạc gói trong tấm giấy đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng vừa là chiếc bùa hoàng đế ban tặng con trẻ để trừ tà. Việc này đồn đại ra ngoài dân gian, người ta bắt chước tặng tiền mừng và coi đây như món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều may mắn cho trẻ con.
Lì xì ngày Tết mang đậm ý nghĩa nhân văn. Lì xì trẻ trong dịp đầu năm mới chính là một sự quan tâm chăm sóc, động viên nhắc nhở trẻ chăm chú học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi. Lì xì trẻ năm mới thể hiện cụ thể tinh thần toàn xã hội quan tâm, đùm bọc trẻ em, “dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”. Tiền lì xì không cần nhiều, nhưng thường là những đồng tiền mới. Có thể cầm tiền lì xì, cũng có thể chuẩn bị sẵn tiền trong những chiếc bì đỏ xinh xắn để lì xì.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người không hiểu hết được ý nghĩa tốt đẹp đó, thậm chí nhiều người còn coi lì xì là hành động để “thương mại hóa” hoặc là phương tiện nhằm đạt được mục đích của mình. Ngoài ra, hệ lụy từ việc quản lý những đồng tiền từ lì xì của con trẻ là điều được nhắc tới nhiều mỗi khi ngày tết qua đi.
"Văn hóa phòng bì" đã ảnh hưởng nhiều sang phong tục lì xì. Đáng xấu hổ cho câu chuyện những ngày đầu năm, nhiều nhân viên than phiền về việc lì xì ngày tết cho con sếp. Có cô kể năm qua phải lì xì mất “6 vé” cho con của xếp trưởng và 2 xếp phó. Nhiều người mượn cớ lì xì để làm quà nịnh bợ cấp trên mong nhận được sự nâng đở trong công việc. Sếp to thì phong bì cũng to theo…
Tục lì xì ngày tết cũng biến tướng rõ nét qua các cuộc đối thoại của trẻ em ngày tết. “Bạn được bố tớ lì xì bao nhiêu? 50 nghìn. Sao bố cậu chỉ lì xì cho tớ có 20 ngàn thôi?”
Chị Hà Thị Hương (Thanh Ba, Phú Thọ) chia sẻ: Năm ngoái, chị gần nhà mình đến nhà chúc tết và mang theo hai đứa con nhỏ. Mình chưa kịp lì xì thì chị đã vội lì xì 20 ngàn cho thằng nhóc duy nhất của nhà mình. Thấy vậy, mình phải lí xì lại cho mỗi đứa con chị ấy 20 ngàn. Chậm một chút là bị lỗ rồi. Cứ như thế này thì lỗ nhiều lắm.
Gần đến Tết năm nay, cháu Trang (4 tuổi) có gọi điện cho bà trẻ ở xa: Tết cháu lên bà chơi. Nhớ mừng tuổi cho cháu đấy nhé. Hỏi ra mới biết, năm ngoái bà trẻ… quên mừng tuổi.
Bản thân phong tục lì xì đầu năm đầy ý nghĩa tốt đẹp, nhưng với hiện trạng như ở trên thì tục lì xì đã mất đi phần nhiều giá trị. Không biết một mai, những đứa trẻ chưa có hiểu biết đầy đủ về đồng tiền sẽ sống ra sao. Khi tự tay mình chưa làm ra được đồng tiền, thiếu đi sự chỉ bảo của người lớn thì số tiền đó có bị dùng vào những việc không tốt hay không? Biết đâu “trẻ con làm mất lòng người lớn”. Sâu xa hơn còn là những mối quan hệ trong xã hội cũng bị ảnh hưởng và chi phối.
Chạy xô sắm đồ “hàng hiệu” cho Ông Công, Ông Táo
Nói về Tết ông Công ông Táo, GS sử học Lê Văn Lan giải thích: cúng tiễn ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đây cũng là ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu vào Tết. Ngày xưa gọi là tiễn Táo quân về trời. Ngày nay, người dân gọi bằng Tết ông Công, ông Táo.
Thả cá chép, thả cả túi nilông (Ảnh: Trần Kháng) |
Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Theo tín ngưỡng thì Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép lại rằng:
"Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau.Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ.
Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ.
Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. Họ đang hàn huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi mới bảo Trọng Cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà cốt để lấy tro bón ruộng nên đã đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt nên bị chết cháy. Người vợ cũ là Thị Nhi thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết".
Sự tích ông Táo là thế, Vì Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Tuy nhiên, phong tục truyền thống tốt đẹp đó đang bị hiểu sai, ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai và bị “biến tướng” về tư duy văn hóa.
Từ việc cúng tiễn Táo quân với mâm cỗ mặn, trầu cau, rượu trắng, hương hoa, thì nay nhiều người sắm sanh đủ các loại hàng mã, nào quần, áo, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả máy bay… “đút lót” cho Táo quân để Táo quân “nương tay”, “báo cáo” với Ngọc Hoàng xin cho nhiều lộc, nhiều tiền, được thăng quan, tiến chức... Trước đây, người ta cúng con cá chép giấy để Táo quân làm phương tiện lên chầu trời, thì bây giờ người ta cúng cá sống. “Biến tướng” hơn, cá chép được thay bằng cá vàng.
Chị Hòa (Cầu Giấy) chia sẻ: Mỗi năm chỉ có một lần nên tìm sắm chọn bộ và chọn những đồ đẹp và “sang” một chút. Nhà mình kinh doanh nên mong nhận được nhiều lộc cho năm mới, buôn bán được thuận lợi.
Cũng vì cái sự đổi mới đó mà giờ đây, khi cúng xong người ta cẩn thận mang con cá ra sông, ra hồ để thả; tro đốt hàng mã quần áo, mũ của Táo ông, Táo bà cũng phải mang ra sông, hồ để đổ. Nhiều sông hồ ở Hà Nội như sông Hồng, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang… “sợ” ngày ông Công, ông Táo, vì người dân không chỉ thả cá mà còn “nhân tiện” thả luôn cả túi nilon, bàn thờ, bát hương... xuống lòng hồ, khiến các công nhân vệ sinh rất vất vả để dọn dẹp.
Thiết nghĩ, những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được hiểu đúng, hiểu đủ, để cuộc sống của con người ta ngày càng tốt đẹp hơn. Mọi người không nên vì chạy theo những mong muốn, ước nguyện nóng vội, duy tâm chủ quan của bản thấn mà khiến cho những phong tục tập quán đó trở nên xấu xí, thậm chí là ảnh hưởng xấu đến đời sống hàng ngày.