UBND tỉnh Thanh Hóa không hiểu Luật Di sản, "cầu cứu" Bộ Văn hóa

04/06/2015 07:07
Hải Ninh
(GDVN) - Không thừa nhận những sai sót trong quá trình công nhận di tích lịch sử, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa “giải cứu”.

Tỉnh “úp sọt” cấp Sở?

Liên quan đến Đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế mới có “tuổi thọ” 10 năm, được xây dựng trên “đất vườn” một hộ dân tại xã Quảng Hải (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), UBND tỉnh vừa có Công văn số 4510/UBND-TD ngày 15/5/2015 gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin ý kiến về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa này.

Đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải mới có "lịch sử" được hơn 10 năm.
Đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải mới có "lịch sử" được hơn 10 năm.

Vụ việc trên đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thanh tra và đã có Kết luận số 947/KL-SVHTTDL ngày 05/6/2014.

Kết luận 947 của Sở Văn hóa nêu: Kết quả phiên âm, dịch nghĩa, thẩm định giá trị văn bản của Viện Nghiên cứu Hán nôm về các tài liệu do địa phương, dòng họ Lê cung cấp được Ban Quản lý di tích cho là văn bản gốc và tài liệu đánh máy chữ Hán, phiên âm dịch nghĩa của bà Nguyễn Kim Măng, cán bộ Viện nghiên cứu Hán nôm phiên âm, dịch nghĩa ngày 15/1/2006 là cơ sở lập hồ sơ khoa học di tích đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương cho thấy không đảm bảo tính pháp lý, chưa đủ cơ sở khoa học, không có tính chính xác của tài liệu lịch sử.

Đền mới xây từ năm 2004 trên đất vườn nhà ông Lê Văn Tằn, đến tháng 1/2013, UBND tỉnh có Quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa.
Đền mới xây từ năm 2004 trên đất vườn nhà ông Lê Văn Tằn, đến tháng 1/2013, UBND tỉnh có Quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Ngoài ra, Sở Văn hóa còn kết luận từ trước đến năm 2004 tại thông 8, xã Quảng Hải không có đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế. Di tích đền thờ Lê Nhân Tế hiện nay được xếp hạng theo Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 31/1/2013 tại ngôi đền thờ được dòng họ Lê mới xây dựng năm 2004 trên đất vườn nhà ông Lê Văn Tằn, thôn 8, thuộc con cháu hậu duệ ông Lê Nhân Tế.

Văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa có ý muốn Sở Văn hóa "xem xét lại" Kết luận 947/KL-SVHTTDL ngày 05/6/2014.
Văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa có ý muốn Sở Văn hóa "xem xét lại" Kết luận 947/KL-SVHTTDL ngày 05/6/2014.
Sở Văn hóa vẫn giữ quan điểm nên đến ngày 10/10/2014, UBND tỉnh có văn bản giao cho Sở Văn hóa bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, đến tháng 3/2015, Sở Văn hóa vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm "không có cơ sở" xếp hạng di tích lịch sư văn hóa Đền thờ Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải.
Sở Văn hóa vẫn giữ quan điểm nên đến ngày 10/10/2014, UBND tỉnh có văn bản giao cho Sở Văn hóa bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, đến tháng 3/2015, Sở Văn hóa vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm "không có cơ sở" xếp hạng di tích lịch sư văn hóa Đền thờ Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải.

Sở Văn hóa căn cứ vào khoản 1, Điều 28 và khoản 1, Điều 29 Luật Di sản và cho rằng, việc công nhận xếp hạng di tích đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế hiện nay chưa đảm bảo với quy định của pháp luật.

Từ những sai phạm trên, Sở Văn hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương do hồ sơ khoa học di tích không đảm bảo tính pháp lý, chưa có cơ sở khoa học.

Sau khi có Kết luận của Sở Văn hóa là việc công nhân di tích Đền thờ Lê Nhân Tế ở xã Quảng Hải là không đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh Thanh Hóa lại "không tin" mà tiếp tục có các văn bản chỉ đạo “xem xét lại”.

Cụ thể, sau khi có Kết luận 947 tròn 1 tháng, ngày 03/7/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có Công văn số 5641/UBND-VX gửi Sở Văn hóa với nội dung “gây sức ép” như:

Nghiên cứu kỹ các nội dung văn bản báo cáo, tham mưu, đề xuất trình UBND tỉnh và các văn bản của các cơ quan chuyên môn Trung ương liên quan đến đền thờ Lê Nhân Tế, để thống nhất, đề xuất phương án giải quyết theo đúng quy định, tránh tình trạng các văn bản báo cáo trước không thống nhất, thậm chí phủ định văn bản sau. (?!).

Sở Văn hóa tiếp tục giữ nguyên quan điểm theo Kết luận số 947.  Đến ngày 10/10/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục có Văn bản 9698/UBND-VX gửi Sở Văn hóa với nội dung: Giao Sở chỉ đạo Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh tiếp tục bổ sung hồ sơ, trên cơ sở tham khảo các kết luận của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học…

Đến tháng 3/2015, việc bổ sung hồ sơ hoàn tất, Hội đồng khoa học của Sở Văn hóa xem xét, đi đến kết luận: Tài liệu làm cơ sở lập hồ sơ khoa học di tích hiện không tìm được bản gốc để chứng minh; Các gia phả họ Lê đều mới được chép gần đây, nội dung chưa rõ ràng, độ tin cậy không cao; Lý lịch di tích bổ sung phần lập luận chưa logic, khoa học, thiếu chặt chẽ…”.

Mặc dù UBND tỉnh tìm nhiều cách gây sức ép nhưng cuối cùng Sở Văn hóa vẫn giữ nguyên quan điểm tại Kết luận số 947. Lúc này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục "không tin” mà lại “đá bóng” sang Thanh tra tỉnh… Câu chuyện “đẽo cày giữa đường” bắt đầu diễn ra...

UBND tỉnh “đẽo cày giữa đường”

Nhiều người cho rằng, Sở Văn hóa là cơ quan đầu ngành về văn hóa, di tích của một tỉnh, nơi tập hợp những nhà khoa học, nhà quản lý am hiểu nhất về văn hóa, di tích. Tuy nhiên, không hiểu vì sao UBND tỉnh lại “không tin” Sở Văn Hóa. Rồi, tiếp tục giao cho Thanh tra Nhà nước tỉnh (cơ quan không có chuyên môn sâu về văn hóa, di tích) vào cuộc…

Không tin vào cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản yêu cầu Thanh tra tỉnh vào cuộc kể từ tháng 2/2015.
Không tin vào cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản yêu cầu Thanh tra tỉnh vào cuộc kể từ tháng 2/2015.

Người đứng đầu ngành Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng đã thừa nhận “họ không có chuyên môn sâu về văn hóa, mà chỉ thanh tra quy trình”. Ông Lê Văn Thiêm, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bên Sở Văn hóa làm thì cơ bản là đảm bảo nhưng thủ tục có việc chưa chuẩn lắm, như họ không xác minh ở Hoằng Hóa, các dòng họ, biến động theo thời gian như thế nào... Còn về chuyên môn, thì chúng tôi chỉ có ý kiến nêu quan điểm, chứ chúng tôi không đi sâu...".

Trả lời như vậy, nhưng Văn bản của Thanh tra báo cáo UBND lại “không phải như vậy”.

Công văn "cầu cứu" của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ Văn hóa ngày 15/5/2015.
Công văn "cầu cứu" của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ Văn hóa ngày 15/5/2015.

Bởi, tại Công văn số 4510/UBND-TD ngày 15/5/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa nêu ý kiến của Thanh tra tỉnh tại Văn bản số 393/BC-TTTH có 3 điểm: Việc chi họ Lê Văn tại xã Quảng Hải xây Đền thờ Lê Nhân Tế để thờ phụng , lưu danh Hoàng giáp Lê Nhân Tế là việc làm chính đáng, được Nhà nước khuyến khích, phù hợp với đạo lý uống nước, nhớ nguồn của nhân dân ta;

Hoàng giáp Lê Nhân tế là một nhà khoa bảng, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của Quốc gia và địa phương, phù hợp với quy định tại Điểm v, Khoản 1, Điều 28, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;

Ngày 31/1/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 31/1/2013 về việc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Lê Nhân Tế là có căn cứ. Việc một số công dân thôn 8, xã Quảng Hải kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định trên chưa đúng, nay phải thu hồi là không có cơ sở.

Tuy nhiên, tại Văn bản này UBND tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận: Tại hội nghị Hội đồng tư vấn pháp luật tỉnh vẫn còn một số ý kiến cho rằng: Đền thờ Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải không đủ điều kiện được công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Liên quan đến Đền thờ Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải, vào ngày 10/1/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định số 99/QĐ-VHTT ngày 23/3/1999 của Giám đốc Sở Văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương là di tích lịch sử văn hóa.
Liên quan đến Đền thờ Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải, vào ngày 10/1/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định số 99/QĐ-VHTT ngày 23/3/1999 của Giám đốc Sở Văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương là di tích lịch sử văn hóa.

Từ những “ý kiến khác nhau”, UBND tỉnh “cầu cứu” Bộ Văn hóa cho ý kiến về việc có nên áp dụng “điểm b, khoản 1, Điều 28, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa” để công nhận di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Nhân Tế?

Vì sao, Luật Di sản đã quy định rõ trường hợp nào được cấp và trường hợp nào không được công nhận di tích lịch sử, văn hóa mà UBND tỉnh Thanh Hóa lại không phân biệt được? Nếu UBND tỉnh không phân biệt được thì làm sao người dân phân biệt được?

Đã 01 lần hủy quyết định công nhân di tích lịch sử Đền thờ Lê Nhân Tế

Liên quan đến Đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế, vào ngày 10/1/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 140/QĐ-UBND về việc hủy bỏ Quyết định số 99/QĐ-VHTT ngày 23/3/1999 của Giám đốc Sở Văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương là di tích lịch sử văn hóa.

UBND tỉnh cũng giao cho Sở Văn hóa căn cứ các quy định hiện hành nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đối với Đền thờ Lê Nhân Tế và Nghè Yên Nam tại xã Quảng Hải theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Hải Ninh