Ngày 19/10/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết: “Có băn khoăn thông tin về đội ngũ GV, được hỏi, Trường ĐH Thăng Long "im lặng"!” trong đó nêu phản ánh của bạn đọc về việc nhà trường không công khai chuyên môn đào tạo của giảng viên, nhiều thầy/cô lớn tuổi không đủ sức khỏe để giảng dạy vẫn được kê khai vào danh sách giảng viên cơ hữu…Những thầy cô lớn tuổi có tham gia giảng dạy hay không là vấn đề được bạn đọc băn khoăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên ở đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường, tại danh sách giảng viên toàn thời gian, trường không thực hiện kê khai chuyên môn đào tạo của đội ngũ giảng viên theo quy định Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
Đồng thời, theo biểu mẫu công khai giảng viên cơ hữu (biểu mẫu 20) được đăng tải trên website trường vào ngày 29/7/2024, tại mục danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy tại trường có một số giảng viên khá lớn tuổi như: Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quỳnh sinh năm 1933 (91 tuổi); Tiến sĩ Bùi Huy Hiền sinh năm 1943 (81 tuổi); Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Huy Dũng sinh năm 1937 (87 tuổi).
Theo nhiều chuyên gia, khi nhà trường không kê khai chuyên môn đào tạo của đội ngũ giảng viên tức là chưa nghiêm túc thực hiện quy định cũng như còn mập mờ về các điều kiện đảm bảo chất lượng.
"Mập mờ" trong công khai thông tin
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, những thông tin công khai đó là thực hiện theo quy định, nhà trường phải có trách nhiệm thực hiện.
Chuyên môn đào tạo của giảng viên cần được công khai vì còn liên quan đến quy định mở ngành đào tạo, yêu cầu phải có giảng viên đúng chuyên ngành mới được giảng dạy, mỗi ngành cần có một tiến sĩ chủ trì ngành.
Việc công khai chuyên môn đào tạo sẽ giúp người học cũng như xã hội hiểu rõ chuyên môn đó có thể giảng dạy những ngành nào, những lĩnh vực nào. Chỉ cần ngành đào tạo đúng chuyên môn là có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, theo thầy Tống nếu trường không công bố chuyên môn đào tạo của đội ngũ giảng viên trong đề án tuyển sinh là trường đã làm sai quy định.
Với những trường không kê khai chuyên môn đào tạo của giảng viên như vậy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án xử lý.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quản lý chặt chẽ hơn nữa vấn đề này bởi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định phải kê khai thì các cơ sở giáo dục đại học phải kê khai chi tiết, còn nếu trường không kê khai là không đúng.
Nếu trường không công khai, tức là giấu diếm chuyên môn của đội ngũ giảng viên giảng dạy là sai quy định. Bởi người học khi đăng ký xét tuyển cũng cần có căn cứ để có sự tin tưởng đối với đội ngũ giảng viên của nhà trường”, thầy Tống nhận định.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Giáo sư, Tiến sĩ, Phạm Tất Dong – cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều trường không kê khai đầy đủ thông tin.
Trong đó, có thể cố tình giấu thông tin vì các điều kiện đảm bảo chất lượng không được đầy đủ. Hoặc có thực trạng cơ sở giáo dục công khai thông tin không đúng với số liệu thực tế. Rõ ràng, ở đây có sự không minh bạch với người học và xã hội
Bên cạnh đó, việc không đảm bảo được số lượng và chất lượng của giảng viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo cho sinh viên.
Cũng theo Giáo sư Dong, nếu trường không công khai thông tin đó, liệu có điều gì “mập mờ” bởi việc công khai các thông tin theo quy định là việc các cơ sở giáo dục đại học cần làm. Những vấn đề liên quan đến tuyển sinh, đào tạo các trường cần làm theo đúng những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để việc thực hiện công khai đi vào khuôn khổ, trở thành văn hóa trong trường đại học, bước đầu tiên phải có quy trình thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo đánh giá nghiêm túc, công tâm của cơ quan quản lý nhà nước.
“Cần phải luôn có sự tổ chức, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công khai theo quy định. Trong đó, công tác thanh tra phải đặc biệt nêu cao tính liêm chính, công tâm và nghiêm túc trong thực hiện”, Giáo sư Dong nhấn mạnh.
Đối với thực tiễn thực hiện công khai còn chưa đồng bộ, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng nguyên nhân do công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm của cơ quan quản lý còn chưa quyết liệt.
Kiến nghị công khai thời khóa biểu
Bạn đọc phản ánh về việc trong danh sách giảng viên có nhiều thầy/cô lớn tuổi liệu có đủ sức khỏe để giảng dạy.
Bàn về vấn đề này, theo thầy Tống, khi các giáo sư và phó giáo sư ở các trường công đến tuổi nghỉ hưu, họ hoàn toàn có thể sang các trường tư để giảng dạy. Có những thầy cô trên 70 tuổi vẫn còn sức khỏe và trường tư sẽ có lợi thế khi mời được những thầy, cô đó, miễn là họ đủ sức khỏe giảng dạy và còn khả năng cống hiến.
Việc không công khai chuyên môn, thời khóa biểu của giảng viên đứng lớp có thể nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực khác. Nhất là trường hợp một giảng viên có thể đứng tên ở rất nhiều cơ sở giáo dục nhưng trên thực tế có đi dạy hay không thì xã hội không kiểm chứng được.
Bên cạnh đó, có thể nhà trường chỉ kê khai thêm các thầy cô có chức danh giáo sư và phó giáo sư cho “oai”. Hoặc mượn tên, mượn chức danh nhưng có đi dạy hay không thì không xác thực được.
Vì vậy, để việc này được công khai một cách minh bạch, thầy Tống đề xuất cần công khai thời khóa biểu, ghi rõ họ tên, chức danh của thầy, cô dạy môn đó và ngày giờ học không chỉ cho sinh viên mà cần cho phụ huynh và xã hội theo dõi.
Việc công khai họ tên và chức danh giảng viên, thời khóa biểu công khai ở website trường giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận thông tin về người giảng dạy.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải công khai minh bạch, khách quan và trung thực, thì mới tạo dựng được niềm tin. Người rõ hơn hết sẽ là sinh viên, nếu chất lượng đào tạo không tốt, chính sinh viên sẽ là người phản ánh điều kiện, chất lượng thực tế trong tuyển sinh và đào tạo của nhà trường.
Khi nhà trường công khai không đúng thực tế, cộng đồng và xã hội đều có quyền lên tiếng, chỉ ra những điểm chưa đúng, sẽ làm mất niềm tin của người học, ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng tuyển sinh, đào tạo sau này.
Nói cách khác, chính là phải nâng cao trách nhiệm giám sát xã hội, nếu làm được như vậy, chắc sẽ không còn chuyện công khai thiếu sót, nhầm lẫn.