Trong thời gian gần đây, thực hiện chủ trương cấm dạy thêm và học thêm tại trường học, kể cả giáo viên cũng không được dạy thêm tại nhà của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hồ Chí Minh, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực hiện việc đăng tải các bài viết cho thấy nhà trường, giáo viên ở thành phố vi phạm chủ trương này.
Trong đó, các trường nằm trên địa bàn quận Tân Phú, Gò Vấp, quận 12 và huyện Hóc Môn đều có nhiều vi phạm khác nhau.
Ví dụ như: Trường trung học phổ thông Trần Phú (quận Tân Phú), Trường Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), Trường trung học phổ thông Trường Chinh (quận 12) và 2 Trường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp)...
Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường Tây Thạnh (quận Tân Phú) – Phan Hữu Tài còn mở hẳn cả 1 trung tâm dạy thêm ở nhà, tại địa chỉ 78C Tân Hòa Đông, quận 6, TP.Hồ Chí Minh, mà không có bất cứ giấy phép nào được cấp.
Ngay sau khi Báo điện Giáo dục Việt Nam đăng tải, các lớp dạy thêm tại nhà này của thầy Tài cũng đã phải ngừng dạy.
Thời khóa biểu dạy môn Anh Văn năm học 2016 - 2017 của cô Nguyễn Ngọc Bích (ảnh: P.L) |
Thêm nữa, cô Nguyễn Ngọc Bích – Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh của Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn cũng mở 6 lớp dạy thêm Anh Văn tại nhà (đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn).
Đây cũng là việc làm trái với các quy định của lãnh đạo cấp trên, gây nhiều bức xúc và xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.
Trước đó, liên tục trong vòng 2 năm qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã phản ánh nhiều bất ổn trong nội bộ, xảy ra tại tại Trường Nguyễn Hữu Tiến, với nhiều thắc mắc của giáo viên trong việc chi tiêu tài chính của Hiệu trưởng trường này.
Ngay sau khi đăng tải những thông tin trên, lúc 18h53 ngày 24/8, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh đã nhận được một cuộc gọi từ số máy 01203933072.
Một tin nhắn đe dọa, xúc phạm phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (ảnh: P.L) |
Đầu dây là giọng nữ, không xưng danh tính, tự nhận là giáo viên, liên tục đưa ra những lời lẽ thóa mạ, xúc phạm phóng viên viết bài.
Thậm chí, người tự nhận là là giáo viên nói trên còn đưa ra lời cảnh cáo phóng viên, và yêu cầu không được viết về vấn đề dạy thêm học thêm của các trường, nhất là các trường ở quận 12, Hóc Môn nữa.
Lúc 19h18 tối cùng ngày, cũng số máy nói trên lại tiếp tục gửi tin nhắn đe dọa tới số máy của phóng viên. Nội dung tin nhắn có đoạn : “Tôi biết rất rõ về gia đình, quê quán, công việc đang làm và cả con người của anh….Tôi đang cho người theo dõi anh…”
Sau đó, lúc 6h08 sáng ngày 25/8, cũng từ số máy này lại tiếp tục gửi tiếp một tin nhắn cho phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nội dung của tin nhắn lại cũng lại tiếp tục đưa ra những lời lẽ xúc phạm, thóa mạ phóng viên viết bài, cũng như là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chỉ vì liên tục phản ánh các sai phạm của trường học, giáo viên về vấn đề dạy thêm học thêm trong thời gian vừa qua.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Cơ – Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, theo điều 7 – Nghị định 159/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp có thể bị phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng.
Còn đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của phóng viên, nhà báo thì có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi đe dọa, uy hiếp đến tính mạng của nhà báo, phóng viên cũng có thể sẽ bị xử lý hình sự, theo điều 103 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Mức hình phạt này có thể từ cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hay bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội đe dọa nhiều người thì có thể bị phạt tù ở mức cao nhất là 7 năm tù.
Đề nghị các cơ quan chức năng của TP.Hồ Chí Minh cần sớm vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm minh việc sai trái này.