Những ngày này, các làng biển dọc theo các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú (nằm trong khu vực giải tỏa của dự án FLC) đang nhấp nhổm không yên trước những thông tin về một “đại dự án” đang sắp triển khai trên mảnh đất của mình.
Dự án vẫn chưa được phê duyệt, chưa khởi công nhưng nó đã “dậy sóng” trên các phương tiện truyền thông nên người dân qua đó cũng nắm bắt được phần nào.
Phải mất gần nửa ngày để “rảo” hết phần dự án chạy dọc bờ biển ba xã trên của Tập đoàn FLC (1.243 héc-ta).
Cứ 8Km bố trí 1 tuyến đường ra biển
Trong báo cáo thuyết trình phương án quy hoạch chi tiết dự án của FLC chỉ tập trung đề cập đến việc sử dụng các quỹ đất dành cho việc xây dựng sân golf, công trình nhà ở, biệt thự, resort, bãi tắm khép kín phục vụ nghỉ dưỡng…
Làng biển An Cường (xã Bình Hải, Bình Sơn) nằm sát bờ biển trải dài tuyệt đẹp có nguy cơ bị "xóa sổ" để nhường đất cho dự án của FLC mọc lên. Ảnh: TT |
Trong tổng diện tích 1.243 héc-ta của dự án thì chỉ có khoảng 21 héc-ta là chủ đầu tư quy hoạch cho các công trình công cộng.
Tuyệt nhiên, không đề cập đến việc mở các lối xuống biển cho ngư dân. Bởi dự án này sẽ gần như chiếm trọn đường bờ biển dài, tuyệt đẹp của ba xã thuộc huyện Bình Sơn.
Còn căn cứ thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi – Trần Ngọc Căng tại cuộc họp nghe báo cáo và cho ý kiến phương án quy hoạch giai đoạn1 dự án “quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thi FLC Bình Châu – Lý Sơn” thì;
Chùa chiền, danh thắng... đều phải nhường chỗ cho dự án của FLC? |
Thực hiện bố trí khu vực tái định cư phù hợp cho cư dân ngư nghiệp và đất ở dân cư ven biển, các tuyến đường ra biển, đường ven biển để phục vụ nhu cầu cộng đồng dân cư (trung bình 8Km bố trí 1 tuyến đường ra biển).
Với cách mở lối xuống biển như trên thì hầu như các làng chài ven biển sẽ phải “treo thúng, gác chèo”.
Ngư dân không thể di chuyển các con tàu, thuyền thúng, ngư lưới cụ… “hành quân” một quãng đường xa như vậy nếu muốn xuống biển.
Tại kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh Quảng Ngãi công bố ngày 24/4 về dự án này cũng đã đặc biệt lưu ý đến vấn đề này.
Trong đó, Ban Thường vụ yêu cầu nghiên cứu, bố trí xen kẽ một số tuyến đường ra biển và không gian bờ biển dùng chung cho cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, tiếp cận với biển.
Nỗi lo bị “cách ly” với biển
Mải mê đan lại tấm lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khởi, lão ngư Trương Đình Kiểm (thôn An Cường, xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ, mấy ngày nay nghe thông tin có dự án về làng mà ai cũng phập phồng lo lắng.
Ngư dân vùng biển lo bị "cách ly" với biển vì phải di chuyển để nhường đất cho dự án FLC. Ảnh: TT |
“Không biết họ sẽ quy hoạch, di dời chúng tôi đi đâu. Nhưng bao nhiêu đời nay, chúng tôi sinh ra, lớn lên ở biển, sống nhờ nghề biển. Nếu phải cách ly chúng tôi khỏi biển thì lấy gì để sống, để nuôi gia đình”, ông Kiểm tâm sự.
Làng An Cường với hơn 500 hộ dân, hầu hết đều sống bằng nghề biển. Ngôi làng miền biển đẹp đến mê hồn khi nằm cạnh Gành Yến, một danh thắng nằm trong danh mục đề xuất “công viên địa chất toàn cầu”.
Những ngôi nhà miền biển nằm san sát nhau, chỉ cách bờ biển 1-2 mét, hướng thẳng ra biển Hoàng Sa.
Vì sao Quảng Ngãi "hỏa tốc" di chuyển đồn biên phòng, ưu ái cho FLC? |
Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa lọ rạng phía trời đông thì anh Lê Văn Điềm (thôn An Cường) đã trở về cùng với chiếc thuyền đầy cá, tôm.
Chiếc thuyền thúng nhỏ là công cụ nuôi sống cả gia đình sáu miệng ăn của lão ngư miền biển.
“Cư dân ở đây, sáng mở mắt ra đã thấy trời biển bao la. Cuộc sống quanh năm gắn liền với biển nên không ai muốn di dời đi đâu cả. Nếu dự án lại quây rào kín, chắn lối xuống biển thì chúng tôi phản đối”, anh Điềm nói.
Cũng như ông Kiểm, anh Điềm, ngư dân các làng biển muốn quê hương mình phát triển nhưng không thể đánh đổi cả không gian bờ biển của làng xã trở thành “không gian khép kín” của cá nhân hay chủ dự án.
Ông Phạm Cầu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) cho hay, hiện xã vẫn chưa nắm các thông tin cụ thể về dự án.
Về phương án quy hoạch 8Km mới có 1 lối xuống biển thì ông Cầu không đồng tình và cho rằng nó xa rời thực tế. Bởi cuộc sống của ngư dân thì phải gắn liền với biển.