Theo báo cáo của Bộ Y tế ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, hiện có 8 vấn đề tồn tại, bất cập của ngành y tê gồm:
Thứ nhất, hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương…
Trong một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối vẫn còn hiện tượng quá tải, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng củathành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai, hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh,… nên chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới vẫn còn hạn chế, chưa được người dân tin tưởng, dẫn đến tình trạng nhiều ngườingười bệnh vượt tuyến đi khám bệnh ở các cơ sở y tế tuyến trên, làm cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương quá tải..
Thứ ba, vẫn còn có nhân viên y tế chưa thực sự tận tình và trách nhiệm đối với người bệnh.
Thứ tư, tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên.
Thứ năm, tại một số bệnh viện, còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị. Tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế gây lãng phí nguồn lực của nhân dân và xã hội.
Thứ sáu, môi trường bệnh viện ở một số nơi còn chưa đảm bảo. Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện tại một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn cao. Nhiều bệnh viện, môi trường còn hạn chế chưa đảm bảo tiêu chuẩn xanh – sạch – đẹp. Tình trạng mất an ninh, trật tự trong bệnh viện thời gian gần đây tại một số bệnh viện đang có xu hướng gia tăng.
Thứ bảy, thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn phiền hà.
Thứ tám, công tác quản trị bệnh viện còn một số hạn chế. Khả năng tự chủ không đồng đều giữa các bệnh viện, các địa phương. Giá dịch vụ y tế chưa phản ánh đúng giá trị của dịch vụ y tế. Tác động mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng tới quyết tâm giảm quá tải của các bệnh viện. Cơ chế tài chính và quản lý bệnh viện chưa theo kịp với sự phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng I Thành phố Hồ Chí Minh. ảnh: moh.gov.vn |
Theo Bộ Y tế, có một số nguyên nhân cơ bản dẫn tới những tồn tại, bất cập nói trên:
Điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn lực đầu tư cho công tác khám bệnh, chữa bệnh có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Tác động ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường làm ảnh hưởng tới tinh thần thái độ và phong cách làm việc của một bộ phận cán bộ y tế.
Hiện tượng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên đã giảm đáng kể |
Mặt trái cơ chế giao quyền tự chủ (Nghị định 43/2006/NĐ-CP) đã làm cho bệnh viện luôn chịu sức ép phải đảm bảo cân đối thu chi tài chính, tăng cung, kích cầu đối với dịch vụ khám chữa bệnh, gây nguy cơ lạm dụng xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cao, kéo dài ngày điều trị.
Trong khi, bệnh viện lại hạn chế tuyển dụng lao động, tạo gánh nặng công việc lớn hơn cho cán bộ y tế.
Trình độ chuyên môn của tuyến dưới đặc biệt là tuyến huyện còn nhiều hạn chế, nhiều cơ sở không đủ bác sĩ, đặc biệt thiếu các bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ có trình độ tay nghề cao.
Trang thiết bị một số bệnh viện, không đầy đủ, hoặc chưa được thay thế, bổ sung kịp thời nên chưa đáp ứng yêu cầu của tuyến điều trị.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng nêu ra các giải pháp đã, đang và sẽ triển khai bao gồm:
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật và quy chế hướng dẫn hoạt động khám chữa bệnh; Phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, theo dõi, giám sát thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án giảm quá tải bệnh viện với đầy đủ 9 nhóm giải pháp, bảo đảm mục tiêu tăng số bệnh viện và số giường bệnh của Đề án giảm quá tải bệnh viện.
Tăng cường quan tâm, đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện. Khuyến khích các hình thức xã hội hóa để đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng bệnh viện.
Phấn đấu thực hiện mục tiêu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.
Tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt là tuyến dưới, y tế cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới.
Tập trung chỉ đạo cải tiến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn đến năm 2025.
Tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phong cách phục vụ người bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, cải tiến quy trình khám bệnh.
Tăng cường công tác quản trị bệnh viện, bảo đảm chi phí hiệu quả dịch vụ khám chữa bệnh.
Tập trung và tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn thu để nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, có các giải pháp để sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực đã và đang được đầu tư trong thời gian vừa qua.
Tăng cường giám sát, kiểm tra và tiến tới công nhận chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Tổ chức thanh tra việc thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh, các quy định, quy chế chuyên môn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, về công tác giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, việc cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thành lập Hội đồng quản lý chất lượng Bộ Y tế và đơn vị đánh giá chất lượng bệnh viện độc lập.
Tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, gắn kết chất lượng với xếp hạng bệnh viện; Gắn chất lượng với bảo hiểm y tế; Gắn chất lượng với sự giám sát của người dân, cộng đồng và thông tin đại chúng; Gắn tiêu chí chất lượng bệnh viện với các danh hiệu xếp loại thi đua, khen thưởng.
Đảm bảo tối thiểu 30% số bệnh viện tham gia chương trình đánh giá của tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập vào năm 2025.
Bảo đảm thực hiện Liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27/02/2016 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025.
Theo đó, chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương.
Thúc đẩy việc thành lập tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập của Việt Nam trước năm 2020.