Cá chết nghi do nước biển bị nhiễm độc, người tắm có sao không?

22/04/2016 07:16
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Ông Ly khuyến cáo: "Người dân không nên sử dụng các loại thủy, hải sản đã chết, trôi dạt bờ biển khi chưa tìm ra nguyên nhân".

Trước đó, viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc) đã gửi tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh báo cáo kết quả quan trắc đột xuất cá chết bất thường tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh).

Cơ quan chuyên môn đưa ra nhận định nguyên nhân trực

Cá chết nghi do nước biển bị nhiễm độc, người tắm có sao không? ảnh 1

Ngư dân khóc, lái buôn thất thu vì không ai dám ăn cá biển

tiếp khiến cá chết hàng loạt nhiều khả năng là các yếu tố gây độc trong môi trường nước.

Yếu tố này có thể bắt nguồn từ nguồn nước thải chưa được xử lý, trực tiếp đổ ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển và khi thủy triều lên theo nước biển tiến sâu vào đất liền gây độc cho cá.

Về việc này, hôm 21/4, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện tại vẫn chưa có kết luận chính thức về sự việc: “Tất cả mới chỉ dừng lại ở việc nghi ngờ”.

“Có nhiều ý kiến cho rằng, cá chết là do nhiễm độc tố. Nhưng đó cũng chỉ là suy đoán. Đến thời điểm hiện tại chưa ai khẳng định đó là loại độc tố gì, bởi tính chất thủy triều lên xuống trong ngày nên cùng với thời gian yếu tố độc đó đã được hòa loãng vào nước biển”, ông Ly cho biết.

Con cá nặng khoảng 30 kg chết trôi dạt vào bờ biển xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. (Ảnh. Huy Hoàng)
Con cá nặng khoảng 30 kg chết trôi dạt vào bờ biển xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. (Ảnh. Huy Hoàng)

Một số ý kiến khác nhận định, khu vực cá chết gần các nhà máy công nghiệp của công trường Formosa (Hà Tĩnh) có thể việc xả thải của nhà máy là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bất thường trên?

Nói về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm trong quá trình xử lý, xả thải tại các nhà máy của Fomosa, dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt, thì việc kiểm tra cũng không hề đơn giản. 

“Việc này cũng chưa thể nói được vì mình có được vào kiểm tra đâu. Chúng tôi  không đủ chức năng, thẩm quyền để vào khu vực này. Nếu được vào thì cũng phải có lệnh từ lãnh đạo cấp cao”, ông Ly nêu khó.

Về việc tại những khu vực có cá chết nghi do độc tố gây ra, có thể đe dọa tới sức khỏe con người hay không (?), ông Ly khuyến cáo: "Người dân không nên sử dụng các loại cá chết, trôi dạt bờ biển, khi chưa tìm ra nguyên nhân gây hiện tượng cá chết.

Đối với những hộ dân khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, người dân tạm thời không nên thả cá".

Cá chết nghi do nước biển bị nhiễm độc, người tắm có sao không? ảnh 3

Đã tìm ra nguyên nhân cá biển chết hàng loạt ở Quảng Bình

Trong khi đó, trao đổi nhanh qua điện thoại với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình cho biết, hiện tượng cá chết có thể do sự thay đổi của yếu tố môi trường.

“Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định trong cá không có độc tố. Đây có thể là do sự thay đổi của hải lưu biển. Trong khi đó, các yếu tố môi trường khác đều bình thường".

Trong khi đó, tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh hôm 21/4, thì có quan điểm ngược lại.

“Khả năng độc tố trong xả thải vẫn chưa thể kết luận. Hiện tượng cá nuôi, cá tự nhiên chết là do có một hàm lượng độc tố trong nước biển rất lớn. Chúng tôi đã gửi các mẫu ra Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nhưng chưa có kết quả". 

Trong khi vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về hiện tượng cá chết tại các địa phương nói trên, thì các phát ngôn thiếu đồng nhất của lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền càng tạo ra sự hoài nghi, hoang mang từ phía dư luận.

QUỐC TOẢN