South China Morning Post ngày 17/9 bình luận, chiến lược của Hoa Kỳ "vỗ lưng nói chuyện về tình bạn và dân chủ" với bà Aung San Suu Kyi không thể cạnh tranh với Bắc Kinh ở Myanmar.
Bởi lẽ Trung Quốc có ưu thế về vị trí địa lý, bảo trợ kinh tế và công cụ thúc đẩy lực lượng vũ trang ly khai lớn nhất quốc gia Đông Nam Á này.
Thành công của chuyến công du đầu tiên đến Hoa Kỳ trên cương vị Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar của bà Aung San Suu Kyi có thể đánh dấu một chương mới trong quan hệ Myanmar - Mỹ.
Nhưng cuộc nội chiến đang diễn ra cho phép Trung Quốc kiểm soát đòn bẩy quan trọng gây áp lực lên quốc gia láng giềng, mà các siêu cường ở xa không có được.
Bà Aung San Suu Kyi được chào đón nồng nhiệt ở Washington phản ánh nhận thức của chính quyền Mỹ về Myanmar trong chính sách đối ngoại của mình.
Tổng thống Barack Obama nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Ngoại trưởng Myanmar, ảnh: The Straits Times. |
Khi ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ năm 2009, Myanmar vẫn là một nước lạc hậu, quân phiệt và bị phương Tây xa lánh, bị Mỹ và EU trừng phạt.
Thời điểm đó chỉ có Trung Quốc thực sự là đồng minh gần gũi của Myanmar.
Tuy nhiên một sự thay đổi đáng chú ý đã xảy ra khi chính quyền bán dân sự do quân đội hậu thuẫn lên cầm quyền tháng 3/2011.
Myanmar bắt đầu tái lập quan hệ với phương Tây, xem lại lập trường quan hệ với Trung Quốc.
Sự thay đổi được đánh dấu bởi quyết định của Tổng thống Thein Sein tháng 9 cùng năm, đình chỉ dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc làm chủ đầu tư.
Đồng thời Tổng thống Thein Sein khi đó cũng nới lỏng dần những biện pháp kiểm soát chính trị và dẫn đến chiến thắng "long trời lở đất" cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Nhưng Myanmar vẫn có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế đối với Trung Quốc. Đây là cửa ngõ để Trung Quốc tới được bờ biển Ấn Độ Dương, với đường ống dẫn dầu và khí đốt xây dựng từ bở biển Myanmar đến Vân Nam.
Ngoài Myitsone, Trung Quốc cũng có hàng loạt dự án thủy điện khác tại Myanmar. Kết quả là Bắc Kinh phải chơi một loạt trò ngoại giao phức tạp ở quốc gia láng giềng Đông Nam Á này.
Một mặt Trung Quốc tung ra đòn tấn công quyến rũ với hứa hẹn giúp Myanmar xây dựng bệnh viện, cải thiện cơ sở hạ tầng đổ nát của quốc gia này, đón tiếp bà Aung San Suu Kyi một cách trọng thị vào tháng trước.
Mặt khác bên cạnh củ cà rốt, Bắc Kinh luôn cầm một cây gậy. Cây gậy đó là lực lượng vũ trang ly khai Kachin (UWSA) mạnh nhất trong các nhóm ly khai, hoạt động ở biên giới Đông Bắc Myanmar, giáp Vân Nam, Trung Quốc.
Phiến quân Kachin (UWSA) do Trung Quốc hậu thuẫn, ảnh: SCMP. |
UWSA được Trung Quốc nuôi dưỡng hỗ trợ từ thập kỷ 1968 - 1978. Trung Quốc cung cấp cho UWSA một loạt vũ khí mà những tổ chức khác không có.
Nhà nghiên cứu Anthony Davis nói với IHS Jane, việc cung cấp một loạt hệ thống vũ khí mới và có vẻ có hiệu quả cho UWSA, đã biến lực lượng này thành cánh tay mở rộng của quân đội Trung Quốc.
Những vũ khí này bao gồm tên lửa đất đối không, xe bọc thép, phá và thậm chí cả trực thăng. Mặc dù Trung Quốc hỗ trợ quân sự quy mô lớn cho đảng Cộng sản Miến Điện - tiền thân của nhóm UWSA, cuối thập niên 1960 và những năm 1970, nhưng những gì xảy ra trong vài năm qua là chưa từng có.
Trang thiết bị quân sự UWSA nhận được từ Trung Quốc không phải loại vũ khí thông thường có thể mua được ở thị trường chợ đen.
Năm 2014 UWSA sở hữu một số lượng lớn hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc FN-6 với tầm bắn hiệu quả 3,5 km, và cũng được nhìn thấy sử dụng hiệu quả bởi phiến quân Syria.
Tuy nhiên rất ít nhà quan sát tin rằng, Trung Quốc muốn UWSA thực sự tham gia cuộc chiến chống lại chính phủ Myanmar, vũ khí cung cấp cho UWSA chỉ nhằm tạo vật cản để quân đội Myanmar ngần ngại tấn công chống lại họ.
Nắm UWSA cũng là một lời nhắc nhở Myanmar về một thực tế, Trung Quốc không giống như Hoa Kỳ, là hàng xóm liền giậu liền sân với Myanmar.
Bắc Kinh có đủ công cụ can thiệp vào cuộc xung đột nội bộ của láng giềng và có thể dùng nó gây sức ép với Myanmar một khi thấy quốc gia này "di chuyển quá gần Hoa Kỳ".
Năm 2013 nổ ra biểu tình của dân địa phương chống lại dự án khai thác mỏ đồng ở Letpadaung mà Trung Quốc đầu tư, Aung Min, một Bộ trưởng trong nội các nói với dân chúng ở đây rằng:
"Chúng tôi không dám chống lại Trung Quốc! Nếu họ khó chịu với việc đóng cửa dự án này và họ tiếp tục ủng hộ phiến quân, kinh tế khu vực biên giới phải chịu số phận tồi tệ. Vì vậy tốt hơn bạn hãy suy nghĩ nghiêm túc."
Đồng thời Trung Quốc chứ không phải phương Tây, là lực lượng quan trọng ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình của đất nước Myanmar.
Trung Quốc đã phái đại diện đặc biệt về các vấn đề châu Á Tôn Quốc Tường tiếp xúc với tất cả các bên ở Myanmar.
Ông cũng tham dự các cuộc đàm phán chính thức và không chính thức nhiều hơn bất kỳ thành phần ngoại quốc nào khác.
Cuộc đàm phán hòa bình mà bà Aung San Suu Kyi tổ chức tháng trước không thành công. UWSA cử một phái đoàn đến dự, nhưng họ ra về và cho biết, UWSA được phân loại là "quan sát viên".
Hiện chưa rõ UWSA rời bàn đàm phán hòa bình do bà Aung San Suu Kyi triệu tập là theo chỉ thị của Trung Quốc hay quyết định độc lập của nhóm này.
Những lời lẽ tốt đẹp về tình hữu nghị lâu dài và sự tiến bộ về dân chủ, tôn trọng nhân quyền có thể được ông Obama nhắc nhiều khi tiếp bà Aung San Suu Kyi tại Washington, nhưng thực tế trên mặt đất sẽ không thay đổi.
Nguồn:
http://www.scmp.com/week-asia/article/2020076/why-us-no-match-chinas-carrot-and-stick-myanmar