Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như vậy khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 8/11.
Bày tỏ sự ủng hộ hình thức tố cáo qua email, điện thoại, bà Ngân nói: “Ta đang ở thời đại công nghệ 4.0, sao luật lại đặt cái đó ra bên ngoài”.
Chủ tịch Quốc hội nêu thí dụ: “Nhiều khi người dân nhắn tin có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, nói việc này việc kia chuyển các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo kiểm tra, trả lời cho tôi. Cái đó được quá ấy chứ, tin nhắn rất rõ ràng”.
Bà Ngân cho biết đã nhận được những tin nhắn như thế và đều chuyển cho các cơ quan chức năng, cho Chủ tịch địa phương.
Có những tin nhắn phản ánh, Chủ tịch Quốc hội còn chuyển tiếp cho Ban Dân nguyện của Quốc hội để theo dõi giúp Quốc hội về tình hình tố cáo.
“Nếu làm được như thế thì tình hình tố cáo sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Mình phải có trách nhiệm với dân”, bà Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cán bộ công chức luôn phải có trách nhiệm với dân. ảnh: vov. |
Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, đồng thời cho rằng có thể áp dụng hình thức qua email và điện thoại cũng có hai mặt, nhưng suy đi tính lại phải làm thế mới bớt được việc dân cầm đơn đến các cơ quan công quyền.
Về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nay đã nghỉ hưu, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau.
Ông Lưu Bình Nhưỡng: "Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về chất lượng cán bộ" |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là chủ trương và thực tế đã xử lý cán bộ về hưu, tuy chưa sửa Luật Cán bộ công chức nhưng Quốc hội đã có nghị quyết.
“Phải làm thế để tất cả cán bộ công chức khi thi hành nhiệm vụ luôn có tinh thần trách nhiệm, đừng nghĩ thôi tôi còn 2 năm nữa là về hưu, về xong thì thôi”, bà Ngân nói.
Ủng hộ quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn ý kiến đã có nhiều phản ánh về tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trước khi về hưu ký bổ nhiệm cán bộ rất nhiều, trong đó không ít trường hợp bổ nhiệm sai.
“Tôi cho rằng nếu cần thì phải sửa luật, nên bổ sung đối tượng cán bộ công chức đã nghỉ hưu”, ông Thanh nêu quan điểm.
Mở rộng đối tượng kê khai để tránh tẩu tán tài sản
Liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2 đề nghị, có thể làm phiếu thăm dò và nếu ai bị “chứng nhận” tham nhũng nhiều nhất thì cho nghỉ.
Theo Tướng Cò, khi khai báo tài sản thì ít nhất phải khai báo 3 đời, công khai treo ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy, dân mới giám sát được.
“Người ta có biết ông có cái gì đâu, con cái ông có cái gì, làm sao biết được nếu không công khai?
Nên chúng ta phải công khai, nhất là các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội. Tài sản cứ giấu diếm sợ người ta biết, như thế không minh bạch”, ông Cò nêu quan điểm.
Tướng Cò đề nghị, nếu cần thiết thì làm phiếu thăm dò cán bộ công chức hoặc nhân dân xem ai nào có “chứng nhận” tham nhũng nhiều nhất thì cho nghỉ đi. Làm như kiểu phiếu thăm dò tín nhiệm cán bộ mới có thể làm triệt để được.
“Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được giặc nội xâm này thì mất vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đây là vấn đề tất yếu khách quan, chúng ta không trách ai cả, chúng ta chỉ trách chúng ta”, Tướng Cò nói.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Tài sản lớn nhất của Đảng là lòng dân. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cùng quan điểm, Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, việc kê khai chỉ hình thức chủ yếu dựa vào ý thức tự giác người kê khai, không ai kiểm tra, xác định, thẩm định, do đó rất khó phát giác những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.
Tham nhũng mới chỉ xử lý được những con mèo ăn vụng, biệt phủ còn sừng sững |
Năm 2017 thì số người kê khai tài sản thu nhập là rất lớn trên 1 triệu người nhưng chỉ xác minh 78 người, phát hiện 5 trường hợp vi phạm.
Đối tượng kê khai thì rất lớn, xác minh được rất ít và chưa ứng dụng được công nghệ hiện đại về quản lý dữ liệu.
Nhiều vụ việc được phát hiện chủ yếu dựa vào dân tố giác hoặc qua báo chí phản ánh cho thấy hiệu quả phòng, chống tham nhũng chưa cao.
Hiện tượng tham nhũng trong đời sống xã hội rất nhiều, nhưng số vụ được phát hiện rất ít, cấp càng cao thì số vụ phát hiện xử lý ít hơn so với cấp dưới, trong khi cấp càng cao thì điều kiện tham nhũng nhiều hơn cấp dưới.
Công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng kê khai chính là biện pháp vừa phòng ngừa tham nhũng vừa giúp phát hiện xử lý những cá nhân có hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản bị tham nhũng.
Bà Linh đề nghị: “Mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập đối với cả những người có quan hệ huyết thống gần đối với những người kê khai để hạn chế tẩu tán tài sản. Cần thành lập trang thông tin điện tử về kê khai tài sản thu nhập chính xác và cập nhật thông tin kịp thời.
Bảo đảm tính minh bạch, công khai, không mật như hiện nay để tất cả người dân đều được giám sát, phát hiện sớm dấu hiệu các hành vi vi phạm tham nhũng.
Có như thế mới vận dụng được sức mạnh toàn dân vào cuộc để cùng giám sát, phòng ngừa, phát hiện đẩy lùi tham nhũng.
Cần nghiên cứu ban hành Luật Kê khai tài sản nhằm đủ cơ sở pháp lý góp phần hết sức quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng”.