Chuyện những người lính dự bị bắt sống “vua chiến trường”

30/04/2016 07:16
HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG
(GDVN) - Chiến thắng Camp Carroll đã mở toang cánh cửa để quân giải phóng tiến sâu vào Quảng Trị, mở ra chiến dịch năm 1972 và tiến tới giải phóng dân tộc dân tộc.

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi lại có dịp tìm về di tích lịch sử Camp Carroll - Cao điểm 241 (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), đây là nơi đã từng ghi dấu chiến công lừng lẫy của Quân đội NDVN khi lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, một cứ điểm lớn của quân đội VNCH phải đầu hàng vô điều kiện dưới hỏa lực của pháo binh.

Camp Carroll - Pháo đài bất khả xâm phạm

Vào những năm 1970-1971, Cao điểm 241 hay còn gọi là căn cứ Camp Carroll là căn cứ hỏa lực mạnh nhất theo hệ thống phòng thủ đường 9 và là mắt xích chủ yếu trong hàng rào phòng thủ McNamara của quân đội Sài Gòn nằm ở Quảng Trị.

Xung quanh nó là các cao điểm Động Toàn, 544, hỏa lực hỗ trợ với số lượng pháo lên đến 32 khẩu. Riêng Cao điểm 241 có tới một trung đoàn bộ binh và một binh đoàn tăng thiết giáp bao gồm 20 khẩu pháo trong đó có 12 khẩu 105mm, 4 khẩu 155mm và đặc biệt là 4 khẩu 175mm được mệnh danh là “vua chiến trường” với tầm bắn trên 30km và có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Căn cứ điểm Camp Carroll - Cao điểm 241 nhìn từ trên cao. (Ảnh: wikipedia.org)
Căn cứ điểm Camp Carroll - Cao điểm 241 nhìn từ trên cao. (Ảnh: wikipedia.org)

Nằm ở độ cao 241m so với mực nước biển nên có tầm quan sát rộng. Kết hợp với hàng rào điện tử McNamara, đây được xem là một pháo đài kiên cố “bất khả xâm phạm”.

Thế nhưng, “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, có một binh đoàn mang tên đoàn pháo binh Bông Lau đã làm được cái điều tưởng chừng như không thể đó. Đặc biệt hơn nữa khi những người lính trong binh đoàn Bông Lau lúc bấy giờ chỉ là những người lính…dự bị chiến lược – những người chưa từng tham gia một trận đánh lớn nào.

Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, họ khiến cho một cứ điểm lớn của quân đội VNCH lúc đó phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện dưới hỏa lực của pháo binh.Trong chiến công lớn của đoàn pháo binh Bông Lau năm ấy, không thể không nhắc đến chiến công thầm lặng của những người lính trinh sát pháo binh.

Chiến công của người lính trinh sát pháo binh

Người làm trinh sát pháo binh là những người có nhiệm vụ chuyên đi vào vùng chiến trận để đo đạc lấy tọa độ chính xác. Vậy nên để được chọn làm trinh sát phải là những người giỏi nhất.

Với tính chất đặc biệt của công việc họ phải “ăn dầm nằm dề” trong lòng địch. Chỉ được mang theo trong mình những vật dụng phục vụ cho công việc và lương thực, nước uống. Tất cả mọi người đều phải dựa vào kinh nghiệm để tiến hành đo đạc lấy tọa độ.

Không chỉ lấy tọa độ nhằm vào Cao điểm 241, các trinh sát phải tính toán chính xác sao cho 24 khẩu pháo được đưa vào trận địa với khoảng cách ít nhất 20km cần phải cho các đường đạn nhằm vào căn cứ Động Toàn và 544 ở xung quanh.

Một tính toán sai lầm có thể khiến cả trung đoàn Bông Lau phải trả giá đắt. Nếu pháo bắn không trúng loạt đầu rất dễ bị địch phản công lại, mặt khác khi bắn yểm trợ có thể gây sát thương cho bộ binh của mình. Mỗi số liệu tính toán của người lính trinh sát trở thành vấn đề thành bại của chiến dịch.

Bởi tầm quan trọng của người lính trinh sát pháo binh là vậy nên thời đó cái giá được Nguyễn Văn Thiệu trao cho mỗi cái đầu của người trinh sát pháo binh là 5 triệu đồng, cái giá dường như cao nhất trong lực lượng Quân đội NDVN.

Bắt được một người lính trinh sát là xem như nắm được toàn bộ kế hoạch của chiến dịch, vậy nên mọi nguy hiểm luôn lơ lửng trên đầu họ bất cứ lúc nào.

Một khẩu pháo 175mm được mệnh danh là “vua chiến trường” với tầm bắn trên 30km. (Ảnh: laodong.com.vn)
Một khẩu pháo 175mm được mệnh danh là “vua chiến trường” với tầm bắn trên 30km. (Ảnh: laodong.com.vn)

Vì áp lực cao của công việc là vậy nên người lính trinh sát luôn mang trong mình tâm lý nặng nề, chỉ đến khi chiến dịch bắt đầu. Những loạt pháo đầu tiên đi trúng mục tiêu thì lúc ấy họ dường như mới trút bỏ được gánh nặng trong lòng.

Nhiệm vụ tiếp theo của những người trinh sát là quan sát mọi động tĩnh của địch từ  khoảng cách cách đó chỉ 3km. Khi thấy quân địch di chuyển đến các trọng pháo, họ sẽ lập tức thông báo tọa độ để bắn trả. Bằng mọi cách không cho địch cơ hội tiếp cận khởi động 4 khẩu trọng pháo 175mm, bởi nếu điều đó xảy ra sẽ là vô cùng nguy hiểm.

Ngày đó, chính việc đánh phủ đầu bằng hỏa lực từ pháo binh, đoàn Bông Lau đã khiến cho đối phương không thể nào “ngóc đầu” lên được. Việc không thể phản kháng buộc người chỉ huy phía bên kia chiến tuyến lúc bấy giờ là Trung tá Phạm Văn Đính phải đi đến quyết định đầu hàng vô điều kiện.

Chiến thắng Cao điểm 241 đã mở toang cánh cửa để quân giải phóng tiến sâu vào Quảng Trị. Đây được xem là bàn đạp để mở ra chiến dịch năm 1972 và tiến tới giải phóng dân tộc 3 năm sau đó.Vậy nên trong thắng lợi này, chiến công đầu phải gọi tên những người lính trinh sát pháo binh, những con người trí dũng song toàn.

Những quyết định “lịch sử” giữa cuộc chiến

Trong cuộc tấn công Cao điểm 241 mùa hè đỏ lửa năm 1972, có nhiều quyết định quan trọng được người trong cuộc đưa ra mà mãi đến sau này khi hòa bình lập lại ta mới thấy rõ được ý nghĩa, sự nhân văn, nhân đạo của nó.

Tin căn cứ Camp Carroll và sự đầu hàng vô điều kiện của Trung tá Phạm Văn Đính đó là một điều khó chấp nhận đối với một số người ở bên kia chiến tuyến. Nhưng xét cho cùng lại là một quyết định sáng suốt của một người chỉ huy trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong điều kiện bị vây ráp và không còn lối thoát, quyết định đầu hàng đó là quyết định đã cứu mạng biết bao nhiêu con người. Nếu như ngày đó Trung tá Phạm Văn Đính nhất định tử thủ thì có lẽ 1500 binh sĩ của ông và cả bộ đội của ta nữa không biết sẽ phải ngã xuống thêm bao nhiêu.

Tượng đài căn cứ điểm 241. (Ảnh Bảo Sương)
Tượng đài căn cứ điểm 241. (Ảnh Bảo Sương)

Lại nói thêm, một trong bốn điều kiện mà ta đưa ra cho Trung tá Phạm Văn Đính lúc về với cách mạng đó là phải giao nộp hai tên cố vấn Mỹ. Nhưng lợi dụng lúc hỗn loạn, hai chiếc trực thăng bay tầm thấp đã cứu lấy mạng hai tên cố vấn.

Lúc ấy trực thăng của địch đã nằm trong tầm ngắm của pháo binh Bông Lau. Vậy mà trong tình thế cấp bách đó, những người chỉ huy của ta đã đưa ra một quyết định vô cùng sáng suốt: “Ngừng bắn!”

Nhận thấy phía đối phương đã ra hết ngoài hầm công sự, nếu chỉ vì hai tên cố vấn mà tiếp tục bắn thì không biết sẽ sát hại thêm bao nhiêu sinh linh nữa nên quyết định ngừng bắn lúc đó là một quyết định hết sức nhân đạo, hết sức tình người.

Sau này khi cuộc chiến kết thúc, nhiều người trong cuộc và cả người thân của họ nữa đã phải thầm cảm ơn những người chỉ huy của hai bên lúc bấy giờ. Nhờ có những quyết định như vậy mà họ mới có được cuộc sống ngày hôm nay.

Có một mẫu chuyện chưa được nhiều người biết đến mang nặng tính người giữa thời khắc dầu sôi lửa bỏng. Trước khi ra hàng quân giải phóng, trung tá Phạm Văn Đính có một yêu cầu hết sức đặc biệt và mới nghe có vẻ lạ lùng. Ông muốn nghe một bài thơ về quê hương.

Trung đoàn phó đoàn Bông Lau lúc đó là ông Trần Thông qua vô tuyến điện đã đọc cho ông Đính nghe bài thơ Quê Hương của Giang Nam:

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi.

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

Phải chăng dù ở về phía nào thì  ai cũng mang trong mình những tình cảm sâu sắc với quê hương đất nước nhưng bởi vì nghịch cảnh mà phải nồi da xáo thịt.

Chiến tranh dần lùi sâu vào dĩ vãng nhưng những câu thơ của Giang Nam vẫn có ý nghĩa cho đến tận bây giờ và chắc là cả mai sau nữa. Những câu thơ đã nối lại hòa bình, đã nối lại con người Việt Nam trong vòng tay lớn!

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG