... Và khiến cho “cây đời” chẳng thể nào nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Liên hợp quốc có 193 quốc gia thành viên chính thức và một thành viên đặc biệt (Vatican). Quốc kỳ của gần 50 trong số 193 quốc gia có hình ngôi sao năm cánh. Quốc kỳ có nhiều sao nhất là Mỹ (50 ngôi), một số nước quốc kỳ chỉ có 1 ngôi sao như Burkina Faso, Camorun, Senegal, Somali, Việt Nam...
Số ngôi sao trên mỗi lá quốc kỳ gắn liền với một sự kiện, một giai đoạn lịch sử của quốc gia đó. Cờ Mỹ lúc đầu chỉ có 13 ngôi sao thể hiện 13 bang khi lập quốc, sau này mỗi khi thêm một bang thì thêm một ngôi. Cờ Trung Quốc có năm ngôi sao, nhiều ý kiến cho rằng ngôi to thể hiện tộc người Hán, bốn ngôi còn lại là các tộc người Hồi, Mãn, Mông, Tạng.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, người Mỹ tự hào nói rằng cờ Mỹ tung bay trên đất Nhật Bản, người Nhật âm thầm làm việc để rồi tự hào nói rằng cờ Nhật Bản hiện diện trong từng gia đình người Mỹ. Số sao trên cờ Mỹ nhiều gấp 10 lần số sao trên cờ Trung Quốc, còn cờ Nhật không có sao, chỉ có hình tượng trưng cho mặt trời.
Cả ba quốc gia nêu trên đều là ba cường quốc hàng đầu thế giới. Những nước quốc kỳ chỉ có một ngôi sao trừ Việt Nam đa phần nằm ở châu phi và đều là các quốc gia nghèo.
Xem ra nhiều sao, ít sao hay không có sao không quan trọng, quan trọng là lá cờ đó có được thế giới ngưỡng mộ hay không, nó có hiện diện một cách trân trọng trong trái tim của mỗi công dân nước đó hay không?
Một số cá nhân người Việt hiện đại không quan tâm lắm đến biểu tượng quốc gia là lá cờ, họ khoác lên mình lá cờ như một sự khoe mẽ về tính dân tộc, còn sao ngược hay xuôi không quan trọng. Thậm chí người viết còn nhìn thấy trên nóc trụ sở công an một huyện thuộc tỉnh H.Y cờ búa liềm treo bên phải, cờ đỏ sao vàng treo bên trái!
Chỉ cần để ý nguyên thủ quốc gia tiếp khách, chủ ngồi bên phải, khách ngồi bên trái (theo hướng từ ngoài nhìn vào) là có thể thấy vì sao cờ tổ quốc phải ở bên phải, cờ Đảng phải ở bên trái. Tổ quốc là vĩnh viễn, là bất di bất dịch, là chủ thể, các triều đại, chính đảng tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định, giống như là khách đến nhà vậy.
Thiếu các kiến thức sơ đẳng về quốc gia, dân tộc, một bộ phận không nhỏ người Việt ngày nay không còn mặn mà với nét thâm thúy của tiền nhân, cũng chẳng quan tâm đến tinh hoa của nhân loại, họ sẵn sàng làm “tầm gửi’ hoặc “tơ hồng” miễn là biến được của người khác thành của mình.
Xét về mặt sinh học, trong hai loại thực vật nêu trên, tầm gửi dù sao cũng không làm mất đi màu xanh của cây cối, còn “tơ hồng” thì khác, chúng vàng óng, trùm kín khắp tán cây, làm cho cây không còn nhựa sống. Chẳng cần phải cao siêu gì cũng có thể nhận thấy đội ngũ “quan chức tơ hồng” không còn là một thiểu số lẻ loi, họ hiện diện công khai không phải chỉ ở những chỗ tối nhất mà cả ở nơi sáng nhất.
Với số lượng đông đảo đến hàng ngàn người, họ đang thách thức mọi chuẩn mực văn hóa, nói cách khác họ đang hình thành nên một nét văn hóa cho riêng mình: Văn hóa “tơ hồng”. Nhiều người xưng tụng câu nói: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Riêng với những người thuộc nền văn hóa “tơ hồng”, phương châm sống của họ là: “Cứ tranh thủ chừng nào chưa bị lộ”, họ chỉ quên đi một điều là khi “cây đời” lụi tàn thì “tơ hồng” cũng đến lúc diệt vong.
Khi “cây đời” lụi tàn thì “tơ hồng” cũng đến lúc diệt vong. Ảnh minh họa: Hải Đường |
Muốn đất nước hùng cường, cần phải có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong ba yếu tố đó, “nhân hòa” là quan trọng nhất. Muốn nhân hòa thì phải giữ được chữ tín, phải để cho dân tin. Ông Dương Trung Quốc từng nói với báo chí trong giờ giải lao phiên họp Quốc hội: “Không chống tham nhũng thì không bảo vệ được Đảng. Nếu nhận thức được chuyện đó, Đảng phải thẳng tay, trước hết phải bảo vệ tổ chức chính trị của mình…Có thành công hay không tùy theo những người có trách nhiệm có thực sự chống tham nhũng hay không”.
Liệu có thể trông chờ vào những quan chức sùng bái văn hóa “tơ hồng” để bảo vệ tổ quốc, để giữ gìn bản sắc dân tộc? Chỉ nghĩ về điều đó thôi nhiều người đã không khỏi rùng mình.
Có dịp xem chương trình ti vi chiếu một ngôi chùa ở Trường Sa, cửa chính của chùa có bức hoành phi viết bốn chữ “Đại hùng bảo điện” bằng tiếng Việt, người viết chợt nhớ thông tin giới thiệu về chùa Bái Đính ở Ninh Bình: “Gác chuông treo đại hồng chung bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Đại hồng chung có đường kính 3,5m, cao 5,5m, nặng 36 tấn. Thân quả chuông khắc bài Tâm kinh Bát Nhã bằng tiếng Hán…”.
Đệ tử nhà Phật chắc đều biết Bát Nhã Tâm Kinh là thuộc về bộ kinh lớn Bát Nhã Ba La Mật Ða (Prajnaparamita Sutra) viết bằng tiếng Phạn. Ðó là một trong những bộ kinh đầu tiên của Phật giáo Ðại Thừa, xuất hiện tại Ấn Ðộ. Nếu đã có tâm với Phật sao không khắc kinh bằng tiếng Phạn? Nếu quả thật không biết tiếng Phạn sao không khắc bằng tiếng Việt mà lại bằng tiếng Hán? Không nói đến các di tích được trùng tu, rất nhiều công trình tưởng niệm các danh nhân, đình, chùa mới xây dựng những năm gần đây (ví dụ chùa ở đảo Bạch Long Vĩ, khu lưu niệm danh nhân Cao Bá Quát – Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) hoành phi câu đối đều bằng tiếng Hán.
Bao nhiêu trong số chín mươi triệu người Việt ngày nay có thể đọc và hiểu những chữ đó? Chẳng lẽ phải viết bằng chữ Hán thì công trình mới có giá trị lịch sử? Vài trăm năm sau, hậu thế chiêm ngưỡng các công trình này sẽ không thể không đặt câu hỏi: “Phải chăng đầu thế kỷ hai mươi mốt, chữ viết của người Việt vẫn là chữ Hán?”.
Sự đầu độc tư tưởng, văn hóa ngoại lai chẳng lẽ không nguy hại bằng hoa quả, quần áo, đồ chơi trẻ con? Đáng chú ý là những công trình này đều đã qua thẩm định của ngành văn hóa, của những nhà quản lý với đầy đủ học hàm, học vị. Phải chăng trong số đó không ít người lĩnh vực mà họ uyên thâm nhất lại chính là nền văn hóa “tơ hồng”. Nếu nhận định này là sai thì chẳng lẽ lời Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại không đúng sự thật: “Dư luận phản ánh trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Thay vì gọi là “công chức cắp ô”, người viết muốn đặt lại cho họ cái tên là “công chức tơ hồng”, “cắp ô” chưa thể hiện cái nguy hại của loại công chức này đối với tổ chức, quốc gia, dân tộc. Còn cái đám “công chức tơ hồng” mang kính gọng vàng, cà vạt thắt “ấu kép” mượt mà, óng ả bao phủ hết thẩy mọi “cây đời” từ bộ, ban, ngành xuống đến phường, xã khiến cho “cây đời” chẳng thể nào nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Sự tồn tại của họ chính là nguyên nhân cầu sập, đập vỡ, đó còn là đội ngũ “chim mồi” tốt nhất cho chân gà thối và “lũ gà đầu trọc” hiện diện trong bữa ăn của người Việt. Đám người “tơ hồng” ấy thu vén bao nhiêu phần trăm của cải xã hội không ai biết được.
Mệnh đề “dân giàu nước mạnh” dường như là chân lý trên toàn thế giới, chẳng có nơi nào cho rằng “quan giàu nước mạnh”. Tất nhiên nếu quan giàu mà dân cũng giàu thì rất tốt, hoặc giả quan giàu bằng những nguồn minh bạch thì cũng không có gì phải bàn luận. Vấn đề là người dân có quyền thắc mắc tại sao lại phải “bảo mật” tài sản quan chức? Phải chăng nếu đội ngũ quan chức mà nghèo thì sẽ làm suy yếu sức mạnh tập thể? Nếu nghèo về kinh tế thì lòng trung thành của họ cũng “nghèo” theo? Dù đây chỉ là giả thuyết song có lẽ nó cũng không cách xa sự thật là mấy?
Nhìn qua trời tây để thấy, nếu dân không giàu, nước không mạnh thì đừng hy vọng độc lập tự do. Chẳng có kẻ thù nào là vĩnh viễn cũng như chẳng có bạn bè nào là tuyệt đối. Nói như nhà văn Tiệp Khắc G. Phuxich trong cuốn Viết dưới giá treo cổ: “Hỡi nhân loại, ta yêu người, nhưng hãy cảnh giác”.
Sự cảnh giác đầu tiên mà chúng ta phải lưu tâm là cảnh giác với chính bản thân mình. Nếu còn dung túng cho văn hóa “tơ hồng”, không sớm thì muộn, “cây đời” sẽ trở thành cành mục. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn hậu thế sẽ không phải đào sâu trong các tầng đất để chứng minh sự tồn tại của nền văn hóa đặc biệt này.