Chiều 04/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đề nghị tổng kết, đánh giá Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho biết: “Nội dung thứ nhất, hiện nay, còn nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học.
Nguyên nhân là do vướng mắc về xác định bản quyền thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành. Nội dung này đã được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 chỉ ra và đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tại Công văn số 5889/BGDĐT-GDTH ngày 27/9/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản, Luật Giá và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành của 6 luật trên.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương, cần một quy trình đơn giản cho các địa phương để triển khai thực hiện, nếu cứ áp các quy định của hệ thống luật, nghị định, thông tư nêu trên, thì trong nhiều năm tới, vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này.
Nội dung thứ hai, về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Chủ trương đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của Đảng và Chính phủ đề ra nhằm tạo nguồn nhân lực với cơ cấu nghề phù hợp nhu cầu sử dụng nhân lực của nền kinh tế. Thực tế, việc phân luồng học sinh chưa đạt được mục tiêu đề ra vì các lý do sau đây:
Một là, công tác tuyên truyền, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường việc làm chưa được quan tâm đúng mức, đa số học sinh và phụ huynh lúng túng và thiếu thông tin trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Hai là, nhiều nơi coi việc phân luồng học sinh là nhiệm vụ của ngành giáo dục, chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một số cơ sở giáo dục thực hiện phân luồng cực đoan, cứng nhắc dẫn đến sự đồng thuận không cao của phụ huynh và học sinh, thậm chí có một số em học sinh bế tắc nghĩ quẩn dẫn đến tự tử.
Ba là, trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề cấp huyện, các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề tại các địa phương không đủ hấp dẫn để thu hút học sinh tham gia học, vì cơ sở vật chất không được đầu tư đồng bộ, đội ngũ giáo viên cơ hữu không đảm bảo, trình độ trung cấp và sơ cấp nghề không có nhiều cơ hội để kiếm được việc làm tốt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...
Bốn là, mã ngành nghề đào tạo nhân lực không phù hợp với nhu cầu việc làm của thị trường cần, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động. Tôi cho rằng, nếu việc đào tạo nghề hiệu quả gắn với giải quyết việc làm, chắc chắn chủ trương phân luồng học sinh sẽ được xã hội đồng tình ủng hộ. Hiện nay, đa số học sinh chọn học nghề do không thi đỗ được vào lớp 10, các em ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn thì lựa chọn ở nhà, có những em tảo hôn, lấy vợ lấy chồng, sinh con sớm, tham gia đường dây vận chuyển ma túy, bị dụ dỗ đi làm thuê việc nhẹ lương cao... dẫn đến rất nhiều hệ lụy xã hội.
Sang năm 2025, đề nghị Chính phủ quan tâm tổng kết, đánh giá Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ để đề ra giải pháp tổ chức thực hiện việc phân luồng học sinh hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nội dung thứ ba, về kiên cố hóa trường lớp học, theo báo cáo của Chính phủ năm 2023 tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp học là 87,42%, ngoài ra phòng ở bán trú cho học sinh nhiều nơi xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ, có đề ra nhiệm vụ là xây dựng Đề án kiên cố hóa trường, lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên đến nay đề án này chưa được ban hành. Thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm xây dựng đề án kiên cố hóa trường, lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học, đầu tư nhà ở bán trú cho học sinh.
Có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với điều kiện của đa số người dân
Quan tâm đến chính sách học phí cho học sinh, sinh viên, nhất là hệ đại học, Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) nêu thực tế mức học phí cấp đại học tại các trường tự chủ đại học, nhất là hệ chất lượng cao, học phí gấp đôi so với hệ đại trà. Người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10%-30%.
Cử tri cho rằng, việc phân luồng đào tạo không chỉ dựa vào học lực, mà còn dựa vào điều kiện kinh tế gia đình của học sinh có khả năng đáp ứng 4 đến 5 năm đại học hay không. Con em gia đình khó khăn khó mà theo học đại học, mặc dù các em có năng lực học tập tốt.
Vấn đề này cũng đã được đề cập trước đây, nhưng có ý kiến cho rằng, người nghèo thì có chính sách cho hộ nghèo, học sinh giỏi thì có chính sách học bổng, nhưng số này rất ít. Hiện nay, số lượng lớn gia đình có con em học đại học rất khó khăn về tài chính để trang trải kinh phí. Công tác quản lý, xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, thẩm định, phê duyệt học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, cũng như việc kiểm soát của cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước là để xác định học phí sát đúng với chi phí phục vụ giảng dạy, bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cũng cho biết, hiện nay, các cơ sở đăng ký đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài thì được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó, nên học phí các trường đại học tăng quá cao.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét đánh giá thực trạng và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện của đa số người dân.
Cần có chính sách cụ thể để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Phát biểu tại phiên họp, bên cạnh những kết quả đạt được, Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Thành phố Cần Thơ) đề nghị Chính phủ quan tâm chính sách cụ thể để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn mà nhiều quốc gia hiện nay đang theo đuổi, đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới.
Đối với nước ta, Chính phủ đã ban hành chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2030 sẽ đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên để phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả của mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn này.
Việc giao các trường đại học đào tạo với số lượng 50.000 nhân lực trong vòng 5 năm, liệu các trường đại học có đủ khả năng để đào tạo hay không? Trên cơ sở các chỉ tiêu đào tạo được giao thì không loại trừ trường hợp các trường tập trung cho chỉ tiêu giao, trong khi đào tạo ngành này phải bảo đảm chất lượng đầu vào, nếu chất lượng đầu vào không bảo đảm thì đầu ra sẽ không ổn định.
Trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, vị đại biểu cho rằng có thể đào tạo từ nguồn tri thức tinh hoa; quan tâm đào tạo, chọn lọc những học sinh, sinh viên có năng lực vượt trội để nguồn lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn bảo đảm chất lượng.
Cùng với đó, Đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị Chính phủ cần có chính sách đột phá trong việc đãi ngộ, trọng dụng để dẫn dắt nền khoa học công nghệ nước nhà, nhất là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng đề cập đến vấn đề thứ hai: “Về tính đồng bộ trong công tác triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, hiện nay, chúng ta đã triển khai giảng dạy được 5 năm. Theo chương trình, để chất lượng dạy và học được đảm bảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, số lượng giáo viên, chất lượng giảng dạy phải đồng bộ, tương thích với chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng.
Việc phân bổ mua sắm trang thiết bị dạy học chưa kịp thời dẫn đến một số môn nội dung dạy học chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng dạy mỹ thuật, âm nhạc, phòng thí nghiệm, có đơn vị không đủ không gian diện tích để triển khai dạy môn giáo dục thể chất hoạt động ngoài trời.
Cùng với đó, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương trên cả nước, nhưng thừa chỉ tiêu biên chế do không có nguồn để tuyển dụng, nhất là đối với các môn lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc; sự mất cân đối về cơ cấu đội ngũ giáo viên giữa các môn học ở cùng một cấp học giữa các vùng miền... là những vấn đề cần phải sớm khắc phục.
Do vậy, nếu chúng ta triển khai không đồng bộ, không tương thích giữa chương trình giáo dục với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên và số lượng biên chế giáo viên, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ không bảo đảm theo chương trình đã đề ra”.
“Hiện nay, qua tìm hiểu tôi được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp bổ sung 27.826 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, thực tế cả nước vẫn còn thiếu gần 113.000 giáo viên giáo dục phổ thông. Điều này nếu không sớm khắc phục, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tới. Do đó, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hiệu quả hơn trong công tác đào tạo giáo viên trong hệ đào tạo của các trường đại học, cao đẳng để chương trình giáo dục phổ thông đạt kết quả theo mục tiêu đã đề ra” - vị đại biểu cho biết thêm.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng nêu ý kiến, trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Nếu tận dụng tốt cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực, hệ sinh thái và năng lượng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt về công nghệ và nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là kỹ sư thiết kế chip và nhà khoa học vật liệu. Chương trình đào tạo chưa được cập nhật và chất lượng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Nguồn cung cấp điện ổn định và năng lượng sạch chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Nữ đại biểu đề nghị, cần sớm xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn. Thúc đẩy hợp tác công-tư để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình đào tạo. Bổ sung các quy định cụ thể trong các luật liên quan để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác. Đầu tư mạnh mẽ vào phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo nguồn điện ổn định cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Sẽ có hội nghị toàn quốc cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
Cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu nêu.
Về vấn đề tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập mà Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đề cập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, đây là vấn đề khó khăn, vướng mắc đang có thực. Bộ trưởng cho biết, hiện nay cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, 526 trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và xã hội hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý, tức là về vấn đề chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng.
Trong các văn bản quy định hiện nay, đại biểu có nhắc đến Thông tư liên tịch 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, cũng quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Nhưng đến năm 2019, theo Luật Giáo dục quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý việc này và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Tuy nhiên, còn một số điểm vướng trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xử lý đối với Thông tư số 39.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; trong đó, có xem xét việc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trực thuộc đầu mối nào, bộ phận nào thì hợp lý nhất, chúng tôi đang cân nhắc phương án nếu giao trực thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý có lẽ sẽ phù hợp hơn.
Đây là một vấn đề lớn. Chúng tôi đã lên kế hoạch ngay trong cuối tháng 11/2024, có một hội nghị toàn quốc cho tất cả các Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, để trao đổi các nội dung liên quan nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” đối với hoạt động của trung tâm mang tính tích hợp này.
Thứ hai, các đại biểu rất quan tâm đến việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là học sinh theo Quyết định số 522. Năm 2018, có thể thấy việc học sinh đối mặt với một sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10 trung học phổ thông. Đã đến lúc, cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai Quyết định 522/QĐ-TTg và xem công thức 70-30 cho học sinh sau trung học và 60-40 sau trung học phổ thông, mức độ phù hợp còn đến đâu. Bởi vì, đây là căn cứ mà rất nhiều địa phương dựa vào và chuẩn bị hệ thống các trường công trung học phổ thông đáp ứng chỉ khoảng 70%.
Cho nên, khi nguyện vọng của học sinh lớn hơn và sự khác biệt giữa các vùng miền rất lớn, cũng sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề, gây căng thẳng cho học sinh trong sự lựa chọn. Khi đó, rất nhiều học sinh lại chuyển sang học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, hay các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... và các trung tâm này lại đang gánh vác một nhiệm vụ tương tự, như trường trung học phổ thông nhưng trong một điều kiện rất khó đảm bảo được các điều kiện tốt như các trường trung học phổ thông hiện nay.
Chúng ta nên tính các tỷ lệ một cách mềm dẻo hơn, đúng thực tế hơn và theo những thay đổi lớn về vấn đề nguồn nhân lực trong nước và trên thế giới. Theo một số liệu thống kê 10 năm của UNESCO cho thấy rằng, hiện nay, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 theo học ở các trình độ về giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã có xu hướng tăng trong khu vực và cao hơn hẳn mức trung bình ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á, tức là tăng từ 5,2% lên 9,2%, xấp xỉ bằng mức trung bình của khu vực châu Âu và Bắc Mỹ và đã khá giữ ổn định ở phạm vi là 17,0 đến 17,9%.
Trong khi đó, số liệu thống kê từ năm 2021 đến năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ người học đại học trên số người trong độ tuổi từ 18-22 của Việt Nam mới chỉ đạt từ 27,9% đến xấp xỉ 30%.
Chúng ta chỉ tương đương mức bình quân của các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan là 34,8%, Singapore là 54,9%, Đức là 44,2%, Anh là 44,36%, Mỹ là xấp xỉ 46% và thấp hơn hẳn mức bình quân của các nước thu nhập trung bình cao, tức là gần 37%.
Như vậy, mô hình tháp nhọn truyền thống mà chúng ta vẫn đang nghĩ lấy cơ sở là đào tạo sơ cấp, trung cấp thì đang dần dần không còn phù hợp, cần phải tính toán lại ở tầm vĩ mô việc cơ cấu, quan niệm về giáo dục nghề nghiệp và cách tiếp cận của chúng ta đối với giáo dục đại học. Quan niệm về “thầy” và “thợ” trong đào tạo nhân lực chất lượng cao càng tiệm cận với nhau và rất khó phân biệt được vấn đề đâu là “thầy”, đâu là “thợ” trong đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao và mũi nhọn.
Về nội dung mà các đại biểu bàn rất nhiều, đó là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, cho công nghệ kỹ thuật mũi nhọn.
“Có một điểm tôi muốn phân tích thêm, chúng ta đang đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh một nền kinh tế mà tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI thường là chúng ta thu hút đầu tư, khi đó một doanh nghiệp mới đến Việt Nam, bao giờ cũng sẽ đem những lĩnh vực mà Việt Nam chưa có hoặc là những lĩnh vực mới. Khi các doanh nghiệp này đem một lĩnh vực mới đến, câu hỏi đặt ra là, đã chuẩn bị được đầy đủ nhân lực hay chưa, sẽ luôn luôn là câu hỏi khó trả lời. Cho nên, chúng ta phải phân tích được toàn bộ khó khăn của việc đào tạo nhân lực, để đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI, khi nền sản xuất trong nước với những lĩnh vực chưa có, thì kế hoạch và sự chủ động trong tương lai có lẽ cần phải tăng lên, mới có thể đáp ứng được những yêu cầu này” - vị Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập: “Có một ý kiến của đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc in sách giáo khoa, phát hành có những vấn đề lợi ích nhóm.
Trong vài năm vừa qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh rất nhiều, có một vài người liên quan đến việc tổ chức đấu thầu giấy in, phát hành sách phạm pháp và những người này đều được bắt mang đi.
Hiện nay mong đại biểu chỉ rõ còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, giúp chúng tôi xem, chỉ ra những nhóm đó ở đâu để chúng tôi phối hợp với Bộ Công an và Viện Kiểm sát bắt mang đi tiếp”.