Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra ngày càng mạnh mẽ, dự đoán khả năng hai bên quay trở lại bàn đàm phán vẫn còn bỏ ngỏ.
Trước khi cuộc chiến mở màn, hai bên đã trải qua nhiều vòng đàm phán và ký “thỏa thuận ngừng bắn” nhưng cuối cùng cuộc chiến vẫn nổ ra.
Cuộc chiến thương mại không phải được hình thành trong một sớm một chiều, cũng không phải ngẫu nhiên xảy ra; nguyên nhân trong đó rất phức tạp, liên quan đến nhiều phương diện địa chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao.
Theo đó, tìm lời giải cho bài toán này thực sự là rất khó khăn.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chính thức bắt đầu vào ngày 06/7/2018 (Ảnh: AP). |
Từ việc Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO
Năm 1979, sau khi Mỹ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc dựa vào nguyên tắc mấy điểm, trong đó có “chính sách một Trung Quốc”.
Đồng thời, Mỹ cũng khuyến khích Trung Quốc tham gia các tổ chức quốc tế do Mỹ dẫn dắt như Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, kim ngạch ngoại thương tăng lên gấp đôi, thu hút được nhiều vốn nước ngoài.
Việc các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc thành lập các công ty liên doanh đã làm tăng thêm sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nước này.
Tuy nhiên, do đồng nhân dân tệ bị đánh giá thấp nên tỷ lệ nhập siêu thương mại của Mỹ với Trung Quốc nhanh chóng mở rộng, làm gia tăng hơn nữa tình trạng mất cân bằng thương mại.
Trung Quốc bắt đầu có những hành vi bán phá giá đối với các hàng hóa xuất khẩu như thép, nhôm, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhượng công nghệ.
Việc gia nhập WTO của Trung Quốc cho thấy Mỹ và Trung Quốc, mỗi nước đều có tính toán riêng về lợi ích của mình.
Trung Quốc dựa vào việc gia nhập WTO để thu hút vốn nước ngoài, tăng thêm thu nhập quốc dân, giúp nền kinh tế nước này có thêm sức cạnh tranh, từ đó nâng cao thực lực quốc gia.
Đối với Mỹ, ngành dịch vụ và hàng hóa của nước này có thể dễ dàng tiến vào thị trường Trung Quốc hơn, thúc đẩy cải cách chính trị trong nước, trở thành một xã hội mở cửa.
Cùng với việc quan hệ kinh tế-thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phát triển, những lời than phiền của giới thương mại Mỹ cũng ngày càng nhiều, trong đó nhiều chuyên gia theo đường lối cứng rắn ở Washington kiến nghị tận dụng các biện pháp thuế quan để trừng phạt Trung Quốc. [1]
Đến “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc
Năm 2003, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đưa ra khái niệm “trỗi dậy hòa bình” thể hiện thiện chí và sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với Mỹ và các nước láng giềng.
Khi còn tại nhiệm, Tổng thống Mỹ, George Bush đã yêu cầu phải có nghiên cứu và phân tích sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, không có đủ thời gian để dồn sức lực kinh tế và quân sự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này đã giúp cho Trung Quốc có nhiều thời gian và không gian hơn để nâng cao vị thế ở khu vực. [2]
Một bước ngoặt khác chính là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Mỹ. Sau đó, còn lan sang châu Âu và gây ra cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Nhận thấy sự suy yếu của Mỹ, Trung Quốc đã hăng hái đảm nhiệm vai trò “nước lớn có trách nhiệm” thông qua việc thể hiện thái độ tự tin đối với các hoạt động ngoại giao trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tỏ thái độ cứng rắn hơn khi ứng phó với các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Chiến lược “Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ được cho đã đào sâu thêm sự không tin tưởng lẫn nhau về mặt chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc hiểu đây là chính sách Mỹ bao vây Trung Quốc, ngăn họ trở thành cường quốc khu vực. Mỹ lại lo ngại hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông sẽ gây tổn hại đến sự ổn định trong khu vực. [3]
Cuộc chiến thương mại sẽ không có ai thắng?
Tổng thống Mỹ, Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (phải) (Ảnh:Reuters). |
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump và các cộng sự của mình đã xếp Trung Quốc vào diện các nước theo chủ nghĩa xét lại, là nước cạnh tranh hàng đầu với Mỹ, thậm chí còn dùng từ “xâm lược kinh tế” để mô tả về Trung Quốc.
Theo đó, Mỹ đã ra đòn bằng việc tuyên bố áp thuế đối với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại trong bối cảnh nhiều chuyên gia nhận định Mỹ gây ra tình trạng nhập siêu thương mại với Trung Quốc và vấn đề thất nghiệp của người lao động Mỹ là rất nghiêm trọng.
Việc áp thuế có thể là một mũi tên trúng hai đích của nước Mỹ.
Một mặt, Mỹ có thể cải thiện tình trạng mất cân bằng thương mại, nhân cơ hội này đưa một số nhà máy ở Trung Quốc quay trở về Mỹ.
Mặt khác, Mỹ có thể thông qua việc giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc để kềm chế nước này về mặt chính trị, kinh tế, đặc biệt là cản trở chiến lược “Made in China 2025". [4]
Cuộc chiến thương mại chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi lãnh đạo Trung-Mỹ không chịu tỏ ra yếu thế.
Trong thời điểm hiện nay, việc nước nào thắng thua trong cuộc chiến thương mại vẫn chưa biết rõ nhưng có một điều chắc chắn là không nước nào thắng tuyệt đối.
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu quan ngại, Tổng thống Donald Trump chưa nương tay |
Theo cuộc thăm dò của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Trung Quốc, hơn 60% doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết đã phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến này.
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu của JP Morgan Chase dự đoán nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, số người thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ tăng lên 5,5 triệu người. [5]
Cuộc chiến thương mại kéo dài cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa các doanh nghiệp đa quốc gia ở Trung Quốc chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,7%.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang làm gia tăng mức độ không tin cậy chiến lược lẫn nhau. Quan hệ hai nước rất có thể đang hặc đã chuyển sang một bước ngoặt khác, từ hợp tác cùng thắng, hợp tác chiến lược trước đây dần chuyển sang cạnh tranh chiến lược toàn diện.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.scmp.com/news/china/article/2168402/will-china-change-its-trade-behaviour-us-representative-wto-sceptical
[2] http://risingpowersproject.com/quarterly/china-as-a-rising-power-versus-the-us-led-world-order/
[3] https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2016-10-17/rebalance-and-asia-pacific-security
[4] https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-11-19/china-is-paying-for-most-of-trump-s-trade-war-research-says
[5] Tài liệu tham khảo số 286-TTX ngày 29/10/2018