Những ngày qua, dư luận trên cả nước quan tâm đến tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) đang bị thất lạc.
Sự việc đặt ra rất nhiều nghi vấn, trong đó, có nghi vấn việc thực hiện quy hoạch khu đô thị này có nhập nhèm, lợi ích nhóm.
Thậm chí, có ý kiến đặt hẳn vấn đề rằng có cán bộ đã trục lợi lớn từ việc không tuân thủ quy hoạch, dồn dân, ép dân không đúng để lấy mặt bằng...
Trong khi thành phố Hồ Chí Minh còn đang tìm kiếm bản đô Thủ Thiêm bị thất lạc thì người dân nằm trong diện giải tỏa, đền bù đã đưa ra những bản sao của tấm bản đồ được cho là Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có quy hoạch chi tiết 1/5000.
Bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm do người dân cung cấp. (Ảnh: L.N.H.T) |
Trên cơ sở này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cưỡng chế khoảng 15.000 hộ dân và bồi thường trên 30.000 tỷ đồng.
Việc thực hiện giải tỏa đền bù tiến hành năm từ 2003 đến nay.
Hiện tại, còn khoảng 60 hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù mà Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 367 về việc phê duyệt và quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm.
Việc mất bản đồ Khu đô thị Thủ Thiêm gây ngạc nhiên cho mọi người. Từ các Sở, đến Bộ ngành đều không thể tìm thấy bản đồ quy hoạch đã được chính phủ phê duyệt.
Các dự án ở quận 2 rất quan trọng, đặc biệt Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo chức năng đây là khu đô thị thương mại có mật độ cao.
Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giao cho Ban quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm cùng Sở Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch chi tiết.
Trước đây, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch 1/5000.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu tiếc nuối, trong 20 năm qua công tác lưu trữ của các cơ quan chức năng có trách nhiệm đến đâu đã để làm mất bản đồ gốc.
Luật sư Hậu cũng tỏ ra ngạc nhiên, điều lạ là, người dân bị rơi vào khu giải tỏa quy hoạch lại có được những bản sao của bản đồ và Quyết định 367 kèm theo là cơ sở để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ.
Để giải quyết vấn đề, người dân có liên quan cần phải cung cấp các bản sao của bản đồ để xác định khu đất 4,3 hec-ta.
Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ rà soát các bản đồ của người dân cung cấp để kiến nghị Thủ tướng phê duyệt lại trên bản sao này.
Hiện nay, các bản đồ quy hoạch đã được niêm yết công bố, công khai đang diễn ra hằng ngày thì việc xử lý trên cơ sở người dân cung cấp để hoàn thiện quy hoạch 1/5000.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói, dù không có bản đồ gốc thì vẫn có thể sử dụng bản sao. Đây là văn bản pháp lý không thể chối bỏ!
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng… phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc đồng loạt để mất bản đồ gốc.
Luật sư Hậu khẳng định, các cơ quan này thực hiện công tác đo đạc, đấu giá, lên phương án đền bù nên không thể chối bỏ trách nhiệm.