ĐBQH: Không chấp nhận xếp môn tự chọn xen TKB chính khóa để "tiện cho đối tác"

07/10/2024 06:40
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc một số cơ sở giáo dục sắp xếp xen các môn tự chọn vào thời khóa biểu chính khóa dễ dẫn đến hiện tượng môn tự chọn trở thành bắt buộc.

Vấn đề sắp xếp lịch học các môn tự chọn đã thu hút không ít sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.

Ở một số cơ sở giáo dục công lập, có tình trạng các môn học không bắt buộc như STEM/STEAM, kỹ năng sống... bị xếp chen vào thời khóa biểu chính khóa.

Một số chuyên gia giáo dục băn khoăn rằng, việc sắp xếp các môn tự chọn chồng chéo với môn chính khóa có thể tạo ra tình trạng “miễn cưỡng tự nguyện” đối với học sinh.

Môn tự chọn trở thành bắt buộc nếu nhà trường xếp chèn vào thời khóa biểu chính khóa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Nhìn nhận ở góc độ khách quan, sắp xếp thời khóa biểu là công việc rất phức tạp, khó khăn và biến động. Đặc biệt là việc bố trí thời gian và địa điểm cho các hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khoá trên lớp học.

Tuy nhiên, đây không phải là bản chất, phổ biến, kéo dài và không thể khắc phục.

Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần nâng cao trách nhiệm và chủ động trong việc lập kế hoạch năm học”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Nguyệt cũng nêu rõ hơn: “Để học sinh phát triển toàn diện, phải có sự triển khai đồng bộ mọi hoạt động giáo dục và tự giáo dục của nhà trường cũng như học sinh, trong đó có việc xếp thời khóa biểu học tập và các hoạt động giáo dục khác trong ngày, trong tuần, học kì và cả năm.

Việc xếp thời khóa biểu không hợp lý sẽ làm suy giảm đáng kể hiệu quả học tập các môn của học sinh, lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị học tập và các nguồn tài nguyên khác".

Chia sẻ về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Một trong số đó là việc các nhà trường linh hoạt lựa chọn những môn học phù hợp với đối tượng học sinh của cơ sở và học sinh được lựa chọn tham gia các môn học này.

Việc sắp xếp các môn tự chọn xen các môn chính khóa sẽ gây ra tình trạng môn tự chọn bỗng nhiên trở thành bắt buộc. Nếu không tham gia, sẽ có trường hợp các em phải đứng ngoài sân trường trong lúc các bạn học môn tự chọn.

Do đó, việc sắp xếp như vậy là không hợp lý, có phần "làm khó" cho phụ huynh và học sinh. Cha mẹ muốn con em của mình có chỗ ngồi trong giờ học đó, nghiễm nhiên phải đăng ký các môn tự chọn".

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, còn có trường hợp, một số cơ sở giáo dục ký kết với các công ty bên ngoài để giảng dạy STEM/STEAM, kỹ năng sống và xếp thời khóa biểu chèn giữa chính khóa với lý do “tiện cho đối tác" đã được Tạp chí đăng tải.

Đề cập đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu rõ quan điểm, lý do chồng chéo thời khóa biểu môn bắt buộc và môn tự chọn để “tiện cho đối tác” là không thể chấp nhận.

“Chúng ta phải đặt lợi ích của người học lên hàng đầu, mọi quyết định của ban giám hiệu đều phải xuất phát từ mục đích vì học sinh, tránh vì lợi ích nhóm.

Không thể vì “theo đuổi” đối tác mà làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em, lồng ghép các dịch vụ nhằm tạo lợi ích riêng. Hãy đặt trọng tâm “vì sự nghiệp trăm năm trồng người” lên trên hết, hãy để học sinh có một tâm hồn trong sáng, chuyên tâm học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi” - vị đại biểu khẳng định.

Học 9 tiết/ngày là không phù hợp với "sức tải" của học sinh

Ngoài ra, còn có trường hợp, học sinh phải học đến 9 tiết/ngày vì nhà trường chèn môn STEM và kỹ năng sống vào khung giờ học chính khóa buổi sáng.

Bàn về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chia sẻ: "Việc xếp cho học sinh 9 tiết/ngày là quá nhiều, dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, quá tải cho các em. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh. Theo tôi, các cơ sở giáo dục chỉ nên sắp xếp 6-7 tiết/ngày.

Bên cạnh đó, các môn học cũng nên được sắp xếp có chọn lọc, đan xen các môn nặng về lý thuyết với các môn được thực hành, vận động để đa dạng hóa hoạt động học tập của các em học sinh”.

ĐHQH Phạm Văn hòa.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn.

Cũng đề cập đến trường hợp học sinh phải học số tiết quá nhiều/ngày, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ: “Theo tôi, cơ quan quản lý cũng đã có đầy đủ các quy định cần thiết, ngành giáo dục cũng đã có chỉ đạo, hướng dẫn. Cá nhân tôi đã đọc các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó tham khảo một số Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh, thành phố và nhận thấy quy định đã chi tiết và đầy đủ.

Vấn đề hiện tại là chúng ta theo dõi khâu tổ chức thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng, thực hiện tốt quy định. Do đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng.

Thông qua phản ánh của phụ huynh, học sinh cũng như công tác thanh tra, kiểm tra, nếu như phát hiện những trường hợp cố tình vi phạm, chúng ta cần xử lý nghiêm”.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Nguyệt đề xuất, việc xếp thời khóa biểu các môn học và hoạt động giáo dục cần xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ năm học, từ thực tiễn tình hình và nguồn lực hiện có của cơ sở giáo dục.

Đồng thời, việc này phải đảm bảo theo các nguyên tắc của vệ sinh học đường và sức khỏe học đường như “sức tải” của học sinh, khả năng tập trung chú ý của học sinh theo đặc điểm lứa tuổi, thời gian hao phí vô hình do di chuyển địa điểm học tập giữa các tiết học…

Hồng Linh