GĐ Viện Quản lý VN: Đừng lên án, các bạn trẻ nên tự hỏi đã làm được gì

12/07/2013 10:46
Vũ Tuấn Anh
(GDVN) - Bill Gates đã nói, cuộc sống là không công bằng. Thay vì các bạn sinh viên ngồi ở đó và lên án những điều không công bằng, các bạn hãy phấn đấu và tự tìm những cơ hội ở các địa phương khác thậm chí nước ngoài.
Là đơn vị trong vòng hai năm (2012-2013) đã tổ chức gần 20 buổi ngày hội việc làm cho gần 40.000 sinh viên tại TP.HCM và Hà Nội, đồng thời có dự án hướng nghiệp thông qua internet tới hơn 100.000 sinh viên trên cả nước, Viện Quản lý Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bạn sinh viên cũng như có nhiều trải nghiệm để hiểu các bạn trẻ hơn. 
Chính vì vậy, theo chuyên gia Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện Quản lý VN: “Nan đề tìm kiếm việc làm hoặc phát triển nghề nghiệp của các bạn sinh viên trẻ ngày nay đa phần xuất phát từ não trạng quá ỷ lại vào hoàn cảnh bên ngoài và đòi hỏi hoàn cảnh phải có trách nhiệm giúp đỡ các bạn trẻ”.

Phải mạnh dạn thoát khỏi tư duy hạn hẹp

Trước đó, một bạn đọc tự nhận là sinh viên đã bày tỏ những suy nghĩ rất thật trên báo Giáo dục VN qua bài viết: Sự thiếu tin tưởng là "nhát dao" cứa vào ước mơ của giới trẻm theo đó có nói một số ý cho rằng: “Nhiều người vô cùng tâm huyết với lớp kế cận. Nhưng một bộ phận rõ ràng đang kìm hãm giới trẻ lại - người lớn phải định hướng lại - người lớn bồi dưỡng tiếp - Khi có sự tin tưởng và cơ hội là khi có bàn đạp để bước đến thành công”. Tất nhiên người đi trước giúp người đi sau được là rất quý.

Vấn đề ở đây khi các bạn trẻ luôn hỏi tại sao công ty không giúp nhân viên học, tại sao xã hội không có những chương trình đào tạo cho tôi, tại sao chính phủ không có những chương trình trợ giúp, tại sao sếp tôi không đào tạo cho tôi. Các bạn hãy tự suy nghĩ lại – Tại sao họ phải có trách nhiệm giúp đỡ các bạn?.

Khi các bạn trẻ luôn hỏi tại sao công ty không giúp nhân viên học, tại sao xã hội không có những chương trình đào tạo cho tôi, tại sao chính phủ không có những chương trình trợ giúp, tại sao sếp tôi không đào tạo cho tôi. Các bạn hãy tự suy nghĩ lại – Tại sao họ phải có trách nhiệm giúp đỡ các bạn?. (Ảnh minh họa)
Khi các bạn trẻ luôn hỏi tại sao công ty không giúp nhân viên học, tại sao xã hội không có những chương trình đào tạo cho tôi, tại sao chính phủ không có những chương trình trợ giúp, tại sao sếp tôi không đào tạo cho tôi. Các bạn hãy tự suy nghĩ lại – Tại sao họ phải có trách nhiệm giúp đỡ các bạn?. (Ảnh minh họa)
Mỗi cá nhân khi vượt qua 18 tuổi đều được gọi là trưởng thành và tự mỗi người phải có trách nhiệm cho chính mình. Vấn đề của các bạn và khi giải quyết được, các bạn hưởng quyền lợi. Vì vậy các bạn phải tự giải quyết chính vấn đề của mình. Cha mẹ, nhà nước, đoàn thể đã tạo ra cơ hội cho các bạn học tập và phấn đấu. Các bạn hãy tự hỏi mình trong 4 năm học đại học, 1460 ngày, 35040 giờ, các bạn để dành bao nhiêu thời gian cho việc tự đào tạo và phát triển?
Bill Gates đã nói, cuộc sống là không công bằng. Thay vì các bạn sinh viên ngồi ở đó và lên án những điều không công bằng, các bạn hãy phấn đấu và tự tìm những cơ hội ở các địa phương khác thậm chí nước ngoài. 
Năm 2007, tôi có công tác tại Lào và ở tại KS Sofitel ngay thủ đô Lào, rất sửng sốt khi cô chuyên viên bán hàng là người Việt tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và sang làm tại Lào 2 năm.
Tại thời điểm đó, mức lương của cô là 400 USD. Các bạn sinh viên hãy mạnh dạn thoát khỏi tư duy hạn hẹp phải tìm kiếm việc làm tại Hà Nội hay TP.HCM. Hãy cố gắng thay vì than thân trách phận vì những điều không công bằng. 
Một vấn đề thứ hai, các bạn sinh viên luôn thắc mắc tại sao công ty không tiến hành đào tạo cho những người mới ra trường và chỉ tuyển những người giỏi nhất. Câu trả lời rất đơn giản, mục đích công ty là tìm kiếm lợi nhuận không phải là trường đào tạo cho cộng đồng. 
Làm việc được hiểu về bản chất đó là cuộc mua bán giữa công ty và người lao động. Công ty “mua“ sức lao động và người lao động “bán“ nó. Trên thị trường, người mua có tiền và họ có toàn quyền lựa chọn và “mua” những “sản phẩm và dịch vụ“ tốt nhất. 
Một ý thứ hai, bản thân công ty cũng chịu những sức ép về chất lượng, năng suất, đòi hỏi khách hàng. Tôi hay sử dụng khái niệm Lego – Stay in local and forced to compete in global. Ngày hôm nay các doanh nghiệp Việt nam phải thực hiện theo các chuẩn thế giới trong sản phẩm và dịch vụ ngay trên sân nhà. 
Các công ty phần mềm gia công cho nước ngoài, các đơn vị kiểm toán, các nhà máy sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài. Tất cả những công ty đó phải cạnh tranh trên thị trường nước ngoài và đương nhiên họ sẽ chỉ tuyển những sinh viên giỏi nhất sẵn có trên thị trường. Các công ty Việt Nam hiện tại cũng mở rộng hoạt động ra các thị trường ngoài nước rất nhiều hoặc họ đang phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập hoặc các công ty FDI ngay trên thị trường Việt Nam. 
Các mô hình kinh doanh trong thời gian tới sẽ chuyển từ chi phí giá rẻ sang chất lượng cao, năng suất cao và hàm lượng giá trị gia tăng lớn thông qua sáng tạo. Lực lượng lao động trẻ cần nhận thức rõ xu hướng chuyển đổi đó để thích ứng kịp trong tương lai gần. Giá trị các lao động trẻ mang lại cho công ty thay vì lao động giá rẻ sẽ là năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và sáng tạo. 

Phải biết dấn thân và tự cứu mình

Phần cuối cùng của bài báo tôi trả lời về câu chuyện liệu những người đi trước có chia sẻ và định hướng cho các bạn trẻ hay không thông qua ví dụ cụ thể như sau: Tháng 3/2013 trong cuộc hội thảo với 400 sinh viên công nghệ thông tin tại QTSC, chúng tôi có đưa ra một buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp miễn phí cho các bạn sinh viên. Kết quả chỉ có 3/400 bạn có mặt tại văn phòng để nghe chúng tôi nói chuyện về định hướng nghề nghiệp và chia sẻ những bí quyết thành công trong cuộc sống. 
Từ tháng 4/2013, chúng tôi có chương trình video hướng nghiệp giúp các bạn trẻ các vấn đề quan trọng trong phát triển nghề nghiệp như tư duy sáng tạo, xây dựng thương hiệu bản thân, làm việc hiệu quả trong môi trường chuyên nghiệp hoàn toàn miễn phí trên FBNC và sau đó đặt tại www.youtube.com/user/vimtraining tuy nhiên số lượng các bạn sinh viên quan tâm và thực sự tìm hiểu học tập là rất ít. 
Ngày nay, công nghệ phát triển rất nhanh mang lại nguồn tri thức vô tận cho các bạn trẻ. Năm 2012, trong một đợt tuyển dụng 1.000 sinh viên cho công ty tại Hà nội, chúng tôi đã tuyển được 14 bạn từ 10 trường đại học khác nhau không nhất thiết từ đại học Kinh tế quốc dân hoặc Ngoại thương. Điều đó có nghĩa là tên tuổi trường đại học không quan trọng nữa. Các bạn sinh viên ở bất kỳ trường đại học nào nếu có quyết tâm luôn luôn có cơ hội ngang bằng các trường nổi tiếng thông qua nỗ lực tự phát triển. 
Những người đi trước, nhà nước, xã hội giúp các bạn rất nhiều tuy nhiên các bạn không có đủ nỗ lực, kiên nhẫn và ý chí để tiếp thu và phát triển những cái đó thành của mình. Theo qui tắc học của người trưởng thành 70% qua công việc, 20% qua trải nghiệm bản thân và chỉ 10% qua những lớp học. 
Các bạn cần phải dấn thân và làm để tự cứu chính mình. Không một ai ngoài các bạn có thể cứu sự nghiệp phát triển của chính các bạn. Các bạn sinh viên Việt Nam rất giỏi và có khả năng. 10–15% các bạn đã rất thành công tại các công ty FDI, các công ty nổi tiếng hay các xuất du học tại nước ngoài. 
Tuy nhiên số phần trăm rất lớn các bạn sinh viên vẫn thụ động và không nhận thức ra trách nhiệm. Kết thúc bài báo tôi viết lại câu nói nổi tiếng của tổng thống Mỹ JF Kennedy: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho các bạn, hãy tự hỏi các bạn đã làm gì cho tổ quốc hay chưa”. Các bạn trẻ hãy tự hỏi “Các bạn đã làm gì cho các bạn - thay vì não trạng “Mong chờ bên ngoài cứu giúp và hỗ trợ các bạn".

Chúc các bạn trẻ thành công. 
Vũ Tuấn Anh