Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1)

02/07/2018 06:08
Xuân Dương
(GDVN) - Bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ thể chế chính trị nào, thất bại của giáo dục cũng là cội nguồn của mọi thất bại về kinh tế, văn hóa, khoa học, an ninh, chính trị,…

Bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ thể chế chính trị nào, thất bại của giáo dục cũng là cội nguồn của mọi thất bại về kinh tế, văn hóa, khoa học, an ninh, chính trị,…

Tại Việt Nam, khi tham nhũng xuất hiện tại không ít cơ quan từ cấp xã, phường tới trung ương, khi phần lớn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ;

Khi tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống bị hủy hoại đến mức báo động;

Khi văn hóa, đạo đức xã hội - kể cả trong hàng ngũ tinh hoa - xuống cấp trầm trọng;

Thì câu hỏi phải đặt ra là nền giáo dục quốc dân - nơi đào tạo nhân lực và nhân tài cho đất nước - thành công hay thất bại? 

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1) ảnh 1Thày cô phải quỳ, ai đứng?

Nhiều tờ báo uy tín đã đề cập đến các khía cạnh riêng rẽ liên quan đến giáo dục, chẳng hạn: 

“Những đề án, dự án hàng nghìn tỷ đồng đổi mới giáo dục và đào tạo trước nguy cơ thất bại”. (Nhandan.com.vn 17/8/2016);  

“Song Toàn phải chuyển trường: Sự thất bại của giáo dục?”. (Tienphong.vn 12/4/2018); 

“Thế hệ không có cơ hội hay sự thất bại của giáo dục?”. (Giaoduc.net.vn 2/6/2017);

“Điểm mặt những cải cách thất bại của Bộ Giáo dục & Đào tạo” (Doisongphapluat.com 06/06/2017); … 

Tổng hợp ý kiến từ truyền thông, có thể thấy cụm từ “thất bại” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và do đó kết luận “Giáo dục Việt Nam đã thất bại” không phải là không có cơ sở.

Vấn đề là vì sao báo chí chính thống lại dùng cụm từ “Thất bại” chứ không phải là những từ nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn “Không thành công” hay “Chưa đáp ứng kỳ vọng”,…?

Xin nêu bốn lý do trả lời cho câu hỏi trên: 

1. Vì giáo dục đã đào tạo nên một số lượng không nhỏ cán bộ lãnh đạo cao cấp vừa thiếu tâm vừa không đủ tầm.

Trong thời gian qua có tới 10 người là (hoặc từng là) Ủy viên Trung ương bị kỷ luật, bị khai trừ, cách hết chức vụ trong đảng hoặc bị xử tù.

(Đinh La Thăng, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Xuân Anh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Phong Quang, Phạm Văn Vọng, Nguyễn Văn Thiện, Trần Lưu Hải, Huỳnh Minh Chắc, Trần Quốc Cường).

Nếu kể thêm một số tướng tá lực lượng vũ trang hoặc lãnh đạo tỉnh ủy thì số người vi phạm sẽ không dừng ở con số 10. 

2. Vì đội ngũ gọi là “tinh hoa” - giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được đánh giá là đứng đầu Đông Nam Á nhưng công trình khoa học thì thua xa quốc đảo Singapore vốn nhỏ hơn Thành phố Hồ Chí Minh cả về diện tích lẫn dân số.

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1) ảnh 2Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục

(Thành phố Hồ Chí Minh rộng hơn 2.000 km2, dân số hơn 8 triệu người, Singapore diện tích hơn 700 km2, dân số gần 6 triệu người).

Điều đáng nói là đội ngũ gọi là “tinh hoa” ấy không thiếu những người ở vị trí lãnh đạo trường đại học, học viện, cơ quan công quyền bị dư luận cho là “đạo văn”, không thiếu những người được “ra lò” bởi cái gọi là “Lò ấp tiến sĩ”.

3. Vì số cán bộ, công chức, đảng viên thuộc “bộ phận không nhỏ” (hay còn gọi là “giặc nội xâm”) dù đã bị xử lý hay chưa bị lộ đều chắc chắn là sản phẩm của giáo dục.

Những người này được biết đều được đào tạo “nghiêm chỉnh” bởi ít nhất hai chương trình, chương trình đào tạo chuyên môn và chương trình đào tạo lý luận chính trị, hành chính.  

4. Vì 100% thày cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đều là sản phẩm của giáo dục và phần lớn trong số đó được đào tạo từ những học sinh không phải là giỏi hay xuất sắc…

"Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng"

Việc chỉ những học sinh trung học phổ thông kiến thức trung bình hoặc khá (rất ít học sinh giỏi, xuất sắc) vào học ngành Sư phạm không thể dùng từ ngữ nào khác ngoài đánh giá là một thất bại của giáo dục.

Nếu chiến lược giáo dục quốc gia thành công thì người Việt hôm nay không thể nhỏ bé về tầm vóc, kém sáng tạo về khoa học đến mức bị chê là ít đóng góp cho nhân loại…

Nếu giáo dục thành công thì năm 2013 Trung ương không phải ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường”.

Việc ban hành Nghị quyết 29 cho thấy không chỉ trước năm 2013 mà ngay cả từ đó đến nay “Quốc sách hàng đầu” có quá nhiều điều cần phải nói thẳng với nhau để tránh ngộ nhận. 

Thứ nhất, nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1) ảnh 3Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ

Đây chính là giáo huấn được Hồ Chủ tịch viết trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào năm 1947, nguyên văn như sau:

Những đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi”... 

Hiến pháp và các văn bản của Đảng và Nhà nước đều xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Nói như thế nhưng hình như chưa bao giờ “quốc sách” đó được hiện thực hóa bởi các văn bản chỉ đạo mang tính chuyên ngành cho đến trước khi Nghị quyết 29 ra đời.

Thậm chí sau khi Nghị quyết 29 được ban hành, vai trò của cơ quan chấp hành là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan cũng vẫn ở tình trạng chờ chủ trương, chỉ đạo.

Căn cứ vào Nghị quyết 29, ngành Giáo dục đề xuất lương nhà giáo phải xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính, sau năm năm Nghị quyết 29 ra đời, đến năm 2018 này điều đó vẫn chưa được thực hiện, thậm chí còn vấp phải sự không đồng thuận của một số bộ, ngành và cá nhân có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh Zing.vn)
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh Zing.vn)

Gần 40 năm trước, ngày 8/10/1981, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu:

“Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Mới nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Đổi mới giáo dục không thành công nếu không quan tâm đội ngũ giáo viên”.

Đến nay, trừ các thành phố, thị xã, bao nhiêu tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt tiêu chí “trường ra trường, lớp ra lớp”?

Và quan trọng hơn cả, bao nhiêu trường trên cả nước đạt tiêu chí “thầy ra thầy”, điều mà hai vị Thủ tướng cùng nhấn mạnh?

Cả xã hội đều giật mình vì phát biểu của ông Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể: “Trực gác chắn lương thấp thì trách nhiệm sao cao được?”.

Phát biểu của Bộ trưởng Thể phải chăng chỉ là lời biện minh cho hiện tượng mang tính phổ biến trong toàn hệ thống, lương thấp kéo theo trách nhiệm thấp?

Và phải chăng đây là nguyên nhân “chính đáng” giải thích vì sao không ít cán bộ tham nhũng, ăn của dân không từ thứ gì?

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (2)

Liệu người dân có thể suy diễn từ lý luận của ông Bộ trưởng Thể, rằng lương nhà giáo thấp thì đừng đỏi hỏi thày cô phải có trách nhiệm cao?

Chủ trương, nghị quyết đúng nghĩa là phải thỏa mãn hai tiêu chí:

- Phù hợp với yêu cầu khách quan và có nguồn lực thực hiện;

- Thành công khi áp dụng.

Năm năm là khoảng thời gian tương đương một nhiệm kỳ, một chủ trương mang nhiều ý nghĩa đối với hàng triệu nhà giáo mất đến năm năm vẫn chưa được thực hiện.

Liệu có nên nhắc lại câu nói đã thành giai thoại của một vị cựu bộ trưởng: “Xin nhường nhiệm kỳ sau giải quyết”?

Nghị quyết 29 - phần nói về chế độ đối với nhà giáo - chưa đi vào cuộc sống có phải vì Nhà nước chưa đủ nguồn lực, vì “trên bảo dưới không nghe” hay tại ngân sách phải dành cho những việc cấp thiết hơn?

Nếu thế, kết luận “nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn” liệu có hơi vội vã?

Thứ hai, lựa chọn đối tượng đầu tư

Giáo dục mang trọng trách đào tạo nguồn nhân lực và nhân tài cho đất nước.

Suốt mấy chục năm qua, nhiệm vụ này không có những thành tựu đáng kể ngoại trừ thành tích các đội tuyển học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế.

Nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất luôn thiếu và yếu.

Tại các doanh nghiệp lớn, tầm cỡ như Vietsovpetro chuyên gia nước ngoài không thể thiếu;

Tại Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, đa số cơ trưởng là người nước ngoài,…

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1) ảnh 5Bốn vấn đề liên quan đến quốc sách và thực trạng

Trong khi đó lực lượng lao động xuất khẩu hầu như vắng bóng chuyên gia, chủ yếu là lao động đơn giản, khá đông lao động xuất khẩu là người giúp việc gia đình mà ta quen gọi là Osin.

Muốn thực hiện được mục tiêu đào tạo nhân lực và nhân tài trong hoàn cảnh ngân sách hạn hẹp, nợ công tăng liên tục thì tất yếu không thể trông chờ hoàn toàn vào ngân sách.

Việc cần làm là chọn đối tượng ưu tiên đầu tư.

Liệu có thể cho rằng giáo dục Việt Nam đã đầu tư đúng đối tượng?

Hiện cấp học quan trọng nhất, góp phần hình thành nhân cách và tầm vóc cho thế hệ người Việt tương lai là cấp Mầm non gần như bị bỏ rơi.

Nhà nước chỉ đảm bảo được khoảng 39%, 61% còn lại là do tư nhân đảm nhận. [1]

Ngày 20/3/2014, Chính phủ ban hành Quyết định số 400 phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020.

Thế nhưng cho đến kỳ họp Quốc hội gần nhất (tháng 6/2018) Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể. [1]

Cũng cần nhấn mạnh thêm là Quyết định số 400 chỉ đề cập đến khu công nghiệp, khu chế xuất chứ không phải là các địa phương cả nước.

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1) ảnh 6Mùa … đạo văn

Thiết nghĩ việc cần làm là chuyển nguồn ngân sách bao cấp cho ba bậc học Trung học phổ thông, Cao đẳng và Đại học sang cho Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Việc bao cấp khối Trung học phổ thông dẫn đến sự bất bình đẳng rất rõ trong giáo dục, học sinh tại một số địa phương “có mức điểm chuẩn vào lớp 10 thấp đến nỗi không thể thấp hơn. Học sinh chỉ cần đạt mỗi môn thi ở mức 2 - 3 điểm đã đỗ”. [2] 

Tại Hà Nội năm 2018, điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập thấp nhất là 21,5 điểm (Trường Trung học phổ thông Đại Cường) và cao nhất là 51,5 điểm (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An).

Cùng một thành phố, cùng được nhà nước bao cấp như nhau nhưng thí sinh đỗ lớp 10 công lập chênh lệch tới 30 điểm, thế có phải là công bằng?

Phải chăng chính vì có sự bao cấp ba năm trung học phổ thông nên những học sinh “điểm chuẩn vào lớp 10 thấp đến nỗi không thể thấp hơn” vẫn không muốn chuyển sang học nghề? 

Và phải chăng vì phải lo cho bậc trung học phổ thông, cao đẳng, đại học nên không còn kinh phí dành cho mầm non, bậc học đáng lẽ phải dành sự ưu tiên cao nhất. 

Không thể nói là chúng ta rất “nhân văn” khi dành ngân sách đào tạo một số lượng khá đông học sinh không có triển vọng theo học các bậc cao hơn mà lại “quên” dành sự ưu tiên cho những cháu bé đang chập chững học đi, học nói. 

Lỗi của học sinh chỉ một phần, lỗi cơ chế, chính sách là chủ yếu.

(còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bat-cap-giao-duc-mam-non-dau-la-giai-phap-771223.vov

[2] http://tuyensinh.dantri.com.vn/tuyen-sinh/chi-hon-2-diem-mon-da-do-vao-lop-10-20160722123519605.htm

Xuân Dương