Giáo dục là quốc sách hàng đầu; Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; Nghề dạy học là nghề cao quý,…
Những điều này được ghi trong Hiến pháp, trong các Nghị quyết của Đảng, được nhắc đi nhắc lại suốt thời gian dài đủ bao trọn cuộc đời một thế hệ nhà giáo.
Để đưa những quy định trong Hiến pháp, trong Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, giữ vai trò quyết định là Chính phủ mà cụ thể là một số bộ ngành như các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính, Thanh tra, Thi đua khen thưởng,…
Có ba sự kiện gần đây về hoạt động liên quan đến giáo dục của một vài cơ quan thuộc chính phủ được người dân, đặc biệt là những người làm việc trong ngành Giáo dục quan tâm.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ảnh minh hoạ: vnu.edu.vn |
Thứ nhất, về xây dựng và quản lý đội ngũ nhà giáo
Sáng 28/3/2018, Tổ công tác của Thủ tướng do ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc liên quan đến vấn đề đội ngũ giáo viên, sự kiện 500 giáo viên hợp đồng ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ mất việc làm, có những giáo viên hợp đồng hơn 10 năm vẫn không được nhận chính thức, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng cho biết:
“Đây không phải là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng Bộ cần quan tâm và đề xuất giải pháp”. [1]
Như vậy trách nhiệm quản lý nhà nước về nhân sự đối với đội ngũ nhà giáo bậc phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo không liên đới mà chỉ có thể “đề xuất giải pháp”.
Việc đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở phần lớn do các trường cao đẳng sư phạm thực hiện, đa số trường này lại do địa phương “chủ quản” về nhân sự, tuyển sinh, kinh phí,… Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản nội dung chương trình đào tạo.
Nói cách khác lĩnh vực quan trọng nhất trong giáo dục là cơ cấu tổ chức, chất lượng đội ngũ giáo viên lại không do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Trong trường hợp các địa phương thực hiện chưa đúng luật hoặc có biểu hiện sai luật - như việc điều giáo viên đi tiếp khách - thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể kỷ luật được ai?
Phải chăng đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên chỗ thiếu, chỗ thừa, chất lượng đào tạo nhà giáo không đồng đều?
Vậy thực chất chức năng quản lý nhà nước đối với nhà giáo phổ thông do đơn vị nào chịu trách nhiệm?
Câu trả lời là ngành Nội vụ, đây là bộ phận tham mưu cho Chủ tịch về nhân sự trong phạm vi tỉnh, huyện, đây cũng là câu trả lời cho vấn đề thứ hai.
Thứ hai, về cơ cấu tổ chức
Với đội ngũ nhà giáo khoảng 1.251.718 người, chiếm hơn 50% tổng số viên chức cả nước, trong đó số giảng viên cao đẳng là 3.388 người, đại học là 71.791 người.
Vì phần lớn các trường cao đẳng sư phạm do địa phương quản lý, một số đại học cũng do cấp tỉnh quản lý nên số lượng giáo viên do địa phương - tức là ngành Nội vụ - quản lý vào khoảng 1.200.000 người.
Ngày 6/2/2017, Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo lần thứ 5 về cơ cấu bộ máy cấp sở tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó số đơn vị cấp sở trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố rút xuống còn 12 trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên. [2]
Dự thảo mới nhất được Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành công bố trong phiên họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ ngày 26/3/2018.
Theo dự thảo mới này, chỉ có 7 đơn vị cấp sở được giữ nguyên là Nội vụ; Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Thanh tra; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các đơn vị còn lại giữ ổn định, hợp nhất hoặc sáp nhập tùy theo quyết định của chính quyền cấp tỉnh.
Với dự thảo này, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ không còn tồn tại nếu Hội đồng nhân dân tỉnh thấy không cần thiết?
Phải chăng Sở Giáo dục và Đào tạo không còn là đơn vị đương nhiên phải có bởi gần toàn bộ giáo viên do ngành Nội vụ quản lý?
Nói cách khác, Sở Giáo dục và Đào tạo có hay không có cũng chẳng sao bởi đã có Sở Nội vụ rồi?
Việc biên chế “cứng” 7 đơn vị còn lại do địa phương quyết liệu có gì đó chưa ổn?
Phản biện về xếp thang bậc lương cho nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính, Bộ Nội vụ yêu cầu không đưa vào dự thảo Luật Giáo dục mà chờ chủ trương tổng thể.
Cũng chờ “chủ trương”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết:
“Trong nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh. Còn về sáp nhập các Bộ, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là tiếp tục nghiên cứu”. [3]
Nếu có địa phương quyết định không tồn tại Sở Giáo dục và Đào tạo thì đương nhiên sẽ có một Phòng Giáo dục thuộc một sở nào đó và xuống cấp huyện sẽ chỉ còn là một tổ hoặc một ban thuộc một phòng nào đó?
Vậy nên chăng Bộ Nội vụ chờ chủ trương của Trung ương về việc chia tách, sáp nhập các các bộ, ngành rồi hãy đưa ra bộ khung cấp sở của các tỉnh/thành phố.
Thứ ba, chủ trương và thực hiện
Mục 3 phần A Nghị quyết 29-NQ/TW (2013) chỉ rõ: “Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" còn chậm và lúng túng.
Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội”.
Phải chăng Bộ Nội vụ hơi nóng vội trong việc đề xuất bộ khung cấp sở vì những điều được xem là “Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội”?
Việc dự thảo cơ cấu bộ máy cấp sở tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cần thiết nhưng phải tuân theo Nghị quyết Trung ương "giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Một khi thông suốt chủ trương đó thì các cơ quan thực hiện cần phải:
Mọi chủ trương, chính sách phải ưu tiên cho giáo dục;
Mọi nguồn lực quốc gia phải tập trung cho giáo dục;
Mọi cơ quan, đoàn thể thuộc hệ thống chính trị phải hỗ trợ tối đa cho giáo dục.
Liệu những điều nêu trên đã được quan tâm đúng mức? Nếu câu trả lời là “chưa” thì bao giờ Nghị quyết của Trung ương mới được triển khai?
Thứ tư, tiếng nói của ngành Giáo dục
Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu quan điểm về việc xếp thang bậc lương cho nhà giáo như sau:
“Hy vọng trong đề án cải cách, đổi mới tiền lương tới đây thì lương của giáo viên sẽ được quan tâm.
Còn ưu đãi đến mức độ nào thì Chính phủ sẽ có xem xét tổng thể.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên định với chủ trương phải cải thiện lương của giáo viên”. [1]
Quan điểm này xuất hiện sau khi nội dung này đem ra bàn thì vướng phải khá nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa chuyện lương nhà giáo vào Luật giáo dục sửa đổi.
Thậm chí có bộ còn không đồng ý chủ trương rằng lương nhà giáo phải được xếp ở mức cao nhất.
Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất |
Có thể thấy lãnh đạo ngành Giáo dục đã buộc phải thay đổi quan điểm đưa việc xếp lương nhà giáo vào Luật Giáo dục mà “Hy vọng trong đề án cải cách, đổi mới tiền lương tới đây thì lương của giáo viên sẽ được quan tâm”.
Tại sao lại phải “hy vọng” khi mà Nghị quyết 29-NQ/TW đã ghi hết sức rõ ràng, rằng:
“Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Cũng cần phải nói thêm “chủ trương phải cải thiện lương của giáo viên” không phải là của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là của Trung ương Đảng và Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp cùng các bộ khác thực hiện.
Không thể có chuyện bàn lùi mà là bằng cách nào và bao giờ thỉ chủ trương của Đảng được đưa vào cuộc sống.
Thiết nghĩ đây không phải là đấu tranh đòi quyền lợi cho nhà giáo mà là quyết tâm thực hiện bằng được những gì đã ghi trong Hiến pháp và Nghị quyết của Trung ương.
Đó vừa là bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo và cũng là trách nhiệm của vị tư lệnh ngành trước sự tin tưởng của hàng triệu nhà giáo.
Hy vọng các vị lãnh đạo các bộ thuộc Chính phủ cùng xem quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" như là nhiệm vụ của bộ, ngành mình chứ không riêng ngành Giáo dục.
Hy vọng đánh giá của Trung ương việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước “còn chậm và lúng túng” sẽ được khắc phục ngay bởi Nghị quyết 29-NQ/TW ban hành từ năm 2013, đến nay đã gần được 5 năm rồi./.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-gddt-van-muon-cai-thien-luong-giao-vien-946825.html
[2] https://moha.gov.vn/van-ban-du-thao.html?id=29668
[3] http://enternews.vn/sap-nhap-bo-don-vi-hanh-chinh-chuyen-tuong-nho-ma-khong-nho-119387.html