Mở mắt ra đã thấy vi phạm
Lệnh cấm kinh doanh, buôn bán và để xe trên vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội đã ra đời nhiều năm nay nhưng trên các tuyến phố, song hành cùng biển cấm vẫn là la liệt những hàng quán tấp nập bán mua, các dịch vụ lợi dụng vỉa hè để kinh doanh...
Rất nhiều tuyến phố cổ đã bị người dân mặt đường lấn chiếm để phục vụ mục đích kinh doanh |
Khu phố cổ Hà Nội được biết đến như là một điển hình trong việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Dạo quanh một vòng trên các con đường tại khu phố cổ Hà Nội vào những ngày này có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các con đường đều bị lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi để xe, bán hàng, thậm chí là tập kết rác thải.
Nhiều du khách quốc tế đã tỏ ra khó chịu bởi ngay trên phố Hàng Đào, Đồng Xuân, tình trạng lấn chiếm vỉa hè rất phổ biến của các cửa hàng kinh doanh quần áo, hàng hóa khiến du khách phải đi bộ giữa lòng đường. Các tuyến phố như Hàng Bạc, Lò Sũ, Hàng Ngang, Mã Mây, Hàng Mã, Hàng Đường… cũng trong tình trạng tương tự.
Thậm chí, tại một số nơi có biển ghi “khu dân cư văn hóa” tình trạng này cũng diễn ra một cách hết sức công khai và trắng trợn. Dưới những tấm biển đó, người bán hàng vẫn vô tư bày bán trên vỉa hè, lòng đường.
Mở mắt ra là thấy lấn chiếm |
Khu vực đường Tôn Đức Thắng đến phố Nguyễn Thái Học (Đống Đa), đường Nguyễn Chí Thanh, đường Lê Văn Lương, đường Phạm Hùng, đường Hoàng Minh Giám (quận Cầu Giấy) tình trạng vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng, lộn xộn cũng diễn ra tương tự. Ngay trước siêu thị Big C (đường Trần Duy Hưng), hàng chục người bán hàng "bánh mì" rong đứng tràn cả xuống lòng đường, có lúc làm ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Một điển hình trong việc lấn chiếm này phải kể đến Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). Ai đã một lần ra trước sân vận động Mỹ Đình chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước việc hàng trăm người bán hàng ngang nhiên bày bán dưới lòng đường, vỉa hè. Mỗi buổi tối ở đây thu hút hàng nghìn người “tham dự” ngồi uống trà đá ngay dưới lòng đường. Bên cạnh đó là dòng xe cộ vẫn huyên náo hoạt động.
Ai cũng biết lòng đường, vỉa hè là nơi để phục vụ cho việc đi lại của người dân thế nhưng ở Hà Nội ngoài việc dùng để buôn bán ra nó còn có một mục đích khác đó là làm…bãi đỗ xe.
Những bãi đỗ xe mọc lên nhan nhản trên khắp các tuyến phố trung tâm của Hà Nội (cả những bãi đỗ xe không phép và được cấp phép). Có thể điểm mặt các bãi tập kết xe dưới lòng đường "khủng" ở Hà Nội như Các tuyến đường ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, tuyến đường ở khu đô thị Nam Trung Yên của quận Cầu Giấy...Trong khi đó diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội rất hạn hẹp (chỉ khoảng 8% so với hơn 20% trên thế giới) thì việc làm bãi đỗ xe dưới vỉa hè, lòng đường này lại lấy thêm đi một phần diện tích đất ít ỏi đó
Người dân thủ đô cũng đã quá quen với việc triển khai xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Mỗi khi có các sự kiện lớn, lễ hội…các cơ quan chức năng lại đồng loạt ra quân xử lý. Thế nhưng xử lý ngày hôm trước thì hôm sau việc buôn bán lấn chiếm lại diễn ra một cách bình thường như không có chuyện gì.
Muôn vàn cách lấn chiếm này đã làm cho người dân cảm thấy bức xúc mỗi khi tham gia giao thông tại thủ đô.
Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương
Trong một cuộc họp báo gần đây, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an thành phố Hà Nôi cho biết: Vỉa hè bị chiếm dụng cũng là nguyên nhân góp phần làm giao thông ùn tắc. Theo phân cấp, UBND TP Hà Nội đã giao việc quản lý vỉa hè cho UBND các quận, huyện. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm trước hết thuộc về UBND cấp phường và quận, huyện. Hiện nay thành phố Hà Nội đã giao toàn bộ vỉa hè, lòng đường cho các đơn vị này quản lý.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay vỉa hè đã trở thành nơi buôn bán tràn lan. Cơ quan Công an chỉ là đơn vị hỗ trợ trong việc xử lý vi phạm trên vỉa hè. Công an không thu tiền ở những khu vực đó”.
Cũng theo lời Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, trách nhiệm trong vấn đề quản lý, sử dụng vỉa hè như thế nào đó là thuộc về Chủ tịch các quận, huyện.
“Trong khi chính quyền một số nơi cho phép kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường thì công an lại là người đi phạt những người buôn bán ở đó. Đây là điều mâu thuẫn”, tướng Nhanh cho biết thêm.
Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã diễn ra từ rất lâu gây bức xúc cho quần chúng nhân dân thế nhưng việc xử lý lại hết sức chậm chạp. Đường phố Hà Nội thì ngày một đông lên và tình trạng tắc đường xẩy ra thường xuyên hơn trong một ngày. Và một trong những thủ phạm gây ra nguyên nhân tắc đường đó chính là việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hề của những người dân kinh doanh buôn bán.
Đến bao giờ người đi bộ có thể đi trên vỉa hè và lòng đường không bị lấn chiếm? Câu hỏi này xin gửi lại chính quyền tại địa phương.