Hải quân Trung Quốc tạm dừng hộ tống vịnh Aden?
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 27 tháng 3 đưa tin, buổi chiều ngày 27 tháng 3, mạng Chủ tàu Trung Quốc ra thông báo cho biết, Hải quân Trung Quốc tạm dừng thông báo nhiệm vụ hộ tống vịnh Aden.
Tàu hộ vệ tên lửa Duy Phường số hiệu 550 Type 054A, Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc |
Thông báo cho biết, từ ngày 27 tháng 3 trở đi, tàu chiến Hải quân Trung Quốc tạm thời chấm dứt thực hiện nhiệm vụ hộ tống vịnh Aden, hiện nay còn chưa xác định thời gian khôi phục nhiệm vụ hộ tống hải quân.
Mạng Chủ tàu Trung Quốc là phương tiện truyền thông công bố thông tin chỉ định của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc. Thông báo từ Hiệp hội Chủ tàu Trung Quốc cho biết, các công ty vận tải đường biển tạm thời chấm dứt đệ trình báo cáo xin hộ tống lên Hiệp hội chủ tàu Trung Quốc, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển Trung quốc và Hải quân Trung Quốc. Thông báo này đề nghị các công ty vận tải đường biển liên quan thông báo cho các tàu thuyền của họ chuẩn bị tốt việc đề phòng cướp biển, bảo đảm an toàn khi đi qua vùng biển này.
Theo bài báo, hoạt động hộ tống của Hải quân Trung Quốc là một hoạt động quân sự được Hải quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành từ năm 2008, tiến hành hộ tống tàu thuyền - chống cướp biển ở vùng biển Somalia và vịnh Aden. Hoạt động này được bài báo cho là triển khai theo nghị quyết của Liên hợp quốc, tham khảo cách làm của các nước, được chính phủ Somalia đồng ý.
Nội dung chủ yếu của hoạt động này là: bảo vệ an toàn nhân viên tàu thuyền Trung Quốc đi qua vùng biển này, bảo vệ an toàn tàu chở vật tư nhân đạo của các tổ chức thế giới như Cơ quan Chương trình lương thực thế giới (WFP).
Theo bài báo, trên cơ sở mệnh lệnh của Trung ương Đảng Cộng sản, Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ngày 26 thàng 12 năm 2008, Hải quân Trung Quốc điều biên đội tàu chiến tốp đầu tiên đến vịnh Aden, Somalia thực hiện nhiệm vụ hộ tống, đây là điểm khởi đầu Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ biển xa một cách thường xuyên.
6 năm qua, Hải quân Trung Quốc đã điều động tổng cộng 19 tốp biên đội tàu chiến, với 54 lượt tàu chiến, 42 lượt máy bay trực thăng, hơn 1.300 binh sĩ đặc nhiệm và hơn 16.000 binh sĩ khác đến vịnh Aden thực hiện nhiệm vụ hộ tống, hoàn thành nhiệm vụ hộ tống cho hơn 5.800 tàu thuyền Trung Quốc và các nước.
Tàu hộ vệ tàng hình Lâm Nghi số hiệu 547 Type 054A của Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc |
Dừng hộ tống để đến Yemen rút Hoa kiều?
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 28 tháng 3 đưa tin, đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc "tạm dừng" hộ tống ở vịnh Aden. Thông báo không giải thích nguyên nhân của việc tạm dừng này, cũng không cho biết thời gian khôi phục nhiệm vụ.
Đối với vấn đề này, do quốc gia vùng biển vịnh Aden là Yemen đang xảy ra chiến sự, có chuyên gia suy đoán cho rằng, Hải quân Trung Quốc tạm dừng nhiệm vụ hộ tống vịnh Aden là để đến Yemen rút kiều dân Trung Quốc. Hiện nay, đã có nhiều nước đã hoặc đang rút kiều dân từ Yemen. Đại sứ Trung Quốc ở Yemen Điền Kỳ cho biết, hiện nay, Trung Quốc có tổng cộng 590 người ở Yemen.
Theo phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 27 tháng 3, Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng và cũng rất quan tâm an nguy của công dân và cơ quan Trung Quốc tại Yemen, sẽ căn cứ vào sự phát triển của tình hình Yemen và nhu cầu, kịp thời áp dụng hành động, bảo đảm an toàn cho các nhân viên Trung Quốc.
Bài báo cho rằng, rõ ràng, tạm dừng hộ tống là quyết định tạm thời. Bởi vì, trên chuyên mục hộ tống của trang mạng Chủ tàu Trung Quốc, ngày 25 tháng 3 vừa công bố thông báo các công việc hộ tống của biên đội định kỳ vào tháng 4, 5 và 6.
Thông báo cho biết: "Tháng 4, 5, 6 năm 2015, tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiếp tục tiến hành hộ tống biên đội định kỳ cho tàu thuyền Trung Quốc, tàu thuyền Trung Quốc có thể dựa vào thời gian biểu hộ tống của biên đội định kỳ, điều chỉnh trước tốc độ, phương hướng, gia nhập biên đội hộ tống".
Hiện nay, biên đội tàu chiến hộ tống tốp 19 Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden, do tàu hộ vệ tên lửa Lâm Nghi, tàu hộ vệ tên lửa Duy Phường và tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ đảm nhiệm.
Ngày 27 tháng 3, một chuyên gia quân sự giấu tên cho biết, hoạt động hộ tống này chỉ "tạm thời chấm dứt". Ngày 26 tháng 3, Saudi Arabia dẫn đầu liên quân 10 nước phát động chiến dịch quân sự "Bão táp quyết chiến" đối với Yemen, tình hình Yemen tiếp tục bất ổn. Có chuyên gia cho rằng, Hải quân Trung Quốc tạm thời chấm dứt hoạt động hộ tống ở vịnh Aden có thể sẽ thay đổi hướng đi, đến Yemen tham gia rút Hoa kiều.
Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Nếu đúng như vậy, đây sẽ là hoạt động rút người Hoa lần thứ hai trong lịch sử Hải quân Trung Quốc. Lần trước là vào tháng 3 năm 2011, Hải quân Trung Quốc đến Libya thực hiện chiến dịch rút người Hoa. Đối với Hải quân Trung Quốc, Yemen không hề xa lạ. Căn cứ vào thông tin công khai chính thức, trong thời gian biên đội tốp thứ tư hộ tống, tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ trước sau 4 lần đậu ở cảng Aden để tiếp tế, nghỉ ngơi. Trong thời gian hộ tống sau đó, tàu chiến Hải quân Trung Quốc cũng nhiều lần đậu ở cảng Aden tiến hành tiếp tế.
Có nguồn tin cho hay, Yemen có người Hoa và tổ chức vốn đầu tư Trung Quốc với số lượng nhất định, Trung Quốc có lãnh sự quán tại Yemen, ở đây có rất nhiều công trình do Trung Quốc viện trợ xây dựng, cửa hàng lớn nhất của thành phố Aden là do Trung Quốc viện trợ xây dựng. Hàng năm đều có một số tàu chở đầy dầu từ cảng của Yemen chạy về Trung Quốc.
Theo nguồn tin này, vị trí chiến lược của Yemen rất quan trọng, cảng Aden trấn giữ nơi giáp ranh giữa biển Ả rập và biển Đỏ, cùng với eo biển Mandab lân cận là tuyến đường quan trọng yết hầu kết nối biển Đỏ với Ấn Độ Dương, đồng thời còn là tuyến đường quan trọng, yết hầu kết nối giữa Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải, là tuyến đường phải đi qua để dầu mỏ từ Trung Đông đến châu Âu, đồng thời cũng là nơi phải đi qua để hàng hóa châu Âu tới Đông Nam Á.
Tờ "The Hindu" Ấn Độ ngày 27 tháng 3 cho rằng, Chính phủ Ấn Độ đang triển khai 2 tàu chiến tới Yemen để rút kiều dân. Hiện nay, có khoảng 3.500 người Ấn Độ gặp khó ở Yemen, trong đó hầu hết làm hộ lý và đến từ bang Kerala, họ sẽ trước hết từ Yemen chuyển tới Djibouti, sau đó lại bay về Ấn Độ. Những người không thể lên thuyền rời đi sẽ từ đất liền chuyển sang Saudi Arabia.
Sân bay Yemen đã bị phong tỏa bởi chiến sự, một số hộ lý Ấn Độ ở Yemen cho biết, hộ chiếu và hồ sơ của họ bị chủ lao động tịch thu, không thể rời đi được, đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ ở Yemen cung cấp hỗ trợ.
Đài truyền hình New Delhi ngày 27 tháng 3 cho biết, Ấn Độ xem xét rút kiều dân từ Hodeidah - thành phố lớn thứ tư của Yemen, bên bờ biển Đỏ, nhưng khu vực này hiện nay cũng nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng vũ trang Houthi.
Bước thứ nhất cần phải điều động tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đến Hodeidah, hiện nay vài chiếc tàu chiến Hải quân Ấn Độ thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Aden, một chiếc trong số đó có thể trước hết hưởng ứng mệnh lệnh của chính phủ. Ngoài ra, ít nhất còn có 1 chiếc tàu chiến của Hải quân Ấn Độ ở vùng biển quần đảo Seychelles ở phía nam.
Biên đội tàu chiến Hải quân Ấn Độ (ảnh minh họa) |
Đầu tháng 2 năm nay, các nước phương Tây như Mỹ, Anh lần lượt đóng cửa Đại sứ quán ở Yemen. Ngày 21 tháng 3, Mỹ rút 100 binh sĩ đặc nhiệm cuối cùng khỏi Yemen. Theo hãng tin RIA Novosti Nga, Bộ Ngoại giao Nga ngày 26 tháng 3 cho biết, hiện nay không có dự định rút kiều dân Nga ở Yemen. Hiện nay, ở Yemen có ít nhất 2.000 công dân Nga.
Tuy nhiên, Tajikistan đã đề nghị Nga hỗ trợ, rút khoảng 100 nhân viên y tế Tajikistan ở Yemen, họ phần lớn được điều tới đây bằng công ty Nga. Hiện nay, ở Yemen có 800 - 900 công dân Tajikistan.