LTS: Mới đây, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gây xôn xao dư luận khi tổ chức lễ dâng hương và xuất quân dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017 tại Văn miếu Quốc Tử Giám.
Trước câu chuyện này, tác giả Nguyên Văn Lự phản ánh về trào lưu giáo viên và học sinh đi lễ chùa trước khi thi đang lan rộng hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trào lưu thầy cô và học sinh giỏi đi lễ chùa trước khi thi đang lan nhanh trong các nhà trường phổ thông từ Tiểu học đến Trung học phổ thông.
Khi chỉ số học sinh giỏi còn là tiêu chí đánh giá, xếp loại và điều kiện thăng tiến của tập thể và cá nhân; khi các cuộc thi học sinh giỏi được lãnh đạo, giáo viên dốc sức đầu tư thì chuyện đi lễ chùa cho đạt nhiều giải vẫn sẽ câu chuyện không có hồi kết.
Thi học sinh giỏi các cấp là hoạt động quan trọng của bất cứ nền giáo dục nào xưa nay.
Mục tiêu lớn nhất là phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố trí tuệ thông thái, đào tạo nhân lực tài năng cho đất nước. Quá trình tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng diễn ra theo quy trình liên tục từng lứa tuổi.
Một buổi lễ của đoàn học sinh giỏi Thủ đô trước kỳ thi. (Ảnh: Vnexpress.net) |
Nước ta năm 2016 đã bỏ được nhiều cuộc thi vô ích nhưng vẫn còn nhiều kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia hết sức gay cấn. Thi học sinh giỏi là cuộc ganh đua khốc liệt nhất trong nhà trường phổ thông.
Thông tư số 22/2014/VBHN-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Qui chế thi chọn học sinh giỏi Quốc gia ghi rõ “số thí sinh đạt giải không quá 50% tổng số dự thi, trong số đạt giải, giải Nhất không quá 5%, giải Nhì, Giải Ba không quá 60%”, “điểm xét giải từ điểm cao xuống điểm thấp”.
Như vậy, kỳ thi học sinh giỏi nào cũng chắc chắn khoảng 50% đạt giải và dù cầu Trời khấn Phật, tốt lễ thế nào cũng không thể quá con số đó.
Khi kỳ thi sắp diễn ra, một số cán bộ và giáo viên tổ chức cho học sinh làm lễ chùa. Người ta quả quyết là việc tâm linh, cầu may cầu lộc chứ không phải việc mê tín không cầu không có giải.
Người ta tin trường đó đi, tỉnh người ta đi lễ nên mới đỗ nhiều giải thế. Kinh phí đi lễ chùa đều do phụ huynh đóng góp nên đi vài ba chùa cho chắc.
Thực tế, không chủ tài khoản nào dám chi tiền cho gần chục đội tuyển đi chùa.
Văn hóa lễ chùa theo giáo lý Phật pháp thật đẹp và từ lâu trở thành phong tục truyền thống của nhiều quốc gia phương Đông.
Người Việt đến chùa cầu khấn đủ lời theo nguyện vọng của mình, hoàn cảnh của mình.
Người buôn chuyến cầu “lực lượng công an, thuế vụ thị trường có mắt như không, có tai như điếc để chuyển hàng trót lọt”; người cầu tự, cầu tài, cầu danh, cầu lộc, cầu tình yêu…
Còn trò giỏi sẽ cầu đỗ giải cao, thầy giỏi cầu đỗ nhiều giải, trường cầu nhiều môn đạt giải.
Theo logic, Trời Phật trên cao mà thấu hết, giải quyết hết lời thỉnh cầu của con trẻ, của thầy cô và cán bộ quản lý thì phải 100% đỗ, thành ra vi phạm Thông tư 22!
Có đoàn còn chuẩn bị gà, xôi, giò chả, hoa quả, bánh kẹo, đồ uống… trước là lễ Phật, sau là thầy trò dùng bữa luôn.
Thầy cô đâu biết Phật kiêng thịt không ăn! Việc lễ chùa trở thành nội dung bắt buộc trong Kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi.
Đi lễ chùa cầu may hay đến để cầu giải thì chỉ người đứng cạnh nghe mới thấy! Người ta khát giải lắm nên rủ nhau đông lắm!
Số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi phụ thuộc nhiều yếu tố. Là những học sinh có tư chất thông minh, giỏi tư duy và kỹ năng, ưu tú nhất, học sinh giỏi, như gà chọi, bị cuốn vào sới đấu quyết liệt.
Kỳ thi học sinh giỏi bị thương mại hóa, chính trị hóa thành chỉ số đánh giá xếp loại và tiêu chí để vinh danh tập thể, cá nhân và cơ hội để thăng tiến.
Người lớn đã dùng tất cả những chiêu bài tiểu xảo, từ việc tìm kiếm mời thầy giỏi và qua hoạt động giao lưu để moi thông tin về định hướng đề thi; từ việc tiếp đón rất chu đáo đến tổ chức kỳ thi tạo không khí thi nhẹ nhàng, đúng quy chế đến việc tổ chức lễ chùa cầu may, đến lễ ra quân rầm rộ như trận đánh lớn…
Từ việc ưu tiên học sinh giỏi bỏ qua môn học khác, thậm chí nghỉ học giờ chính khóa; từ việc ôn tập ở trường đến học thêm ở nhà thầy, đến việc huy động phụ huynh góp sức chung lo…
Thầy cô được giao đội tuyển và học sinh lúc nào cũng nơm nớp làm sao để có giải và nhiều giải cao.
Lâu nay, kỳ thi học sinh giỏi đã chuyển từ mục đích chọn và bồi dưỡng nhân tài thành tranh giành thứ hạng khốc liệt.
Đạt giải thì lãnh đạo khen hết tầm còn trắng bảng thì nhắc nhở, phê bình.
Có phải vì thế nên nhiều thầy cô đã phải dùng đến diệu kế nhờ Trời Phật khôn thiêng ngầm giúp đỡ chăng?
Để có được giải nhiều và giải cao, nỗ lực của thầy cô và học sinh miệt mài, vất vả không sao kể hết.
Công sức của lãnh đạo, của phụ huynh cũng nhiều.
Thi học sinh giỏi của các tỉnh ngoài Bắc quyết liệt bao nhiêu thì các tỉnh phía Nam nhẹ nhàng bấy nhiêu.
Ngoài Bắc săn giải đến cùng, chơi đến cùng. Giải ngoại hạng lớp 12 học sinh giỏi quốc gia trung bình (theo nguồn tin nội bộ) chi ngân sách khoảng trên 10 triệu đồng/thí sinh.
Một Đội hết gần một tỉ đồng, nếu chia theo giải chắc rất đắt. Các nhân tài trẻ học đâu đó rồi làm cho tư bản, tiền thuế của dân bỏ ra đầu tư thành vô ích.
Vinh quang cho những tấm bằng khen được tạo ra nhờ công của thầy trò và lãnh đạo, gia đình và cả Trời Phật!
Đầu thế kỷ XXI, nhờ kinh tế khá giả, trào lưu hành lễ nơi cửa chùa bùng lên, lan rộng đến mức cơ quan quản lý người nhà nước phải cấm.
Chẳng hiểu vì sao dân Việt lại thờ ơ với trần thế để hướng nhiều đến tâm linh như hiện nay. Một tháng hai lần, khói hương thơm ngát cơ quan nào, trường học nào không có.
Thi quanh năm nên học sinh, thầy cô đến làm lễ nơi linh thiêng Đền Chùa trước ngày thi tháng nào cũng thấy.
Chư Phật sẽ nghĩ gì khi nhìn lễ xôi thịt, khi nhìn dòng chữ “Lễ dâng hương cho học sinh giỏi Thủ đô tham dự kỳ thi…”, khi thầy cô và học trò còn chưa hiểu văn hóa lễ chùa của người xưa?
Nếu thầy trò nào cầu cũng được giải, thì ngày nào đó sẽ có người chọn làm đề tài bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ hoặc sáng kiến kinh nghiệm phổ biến cho đồng nghiệp áp dụng!
Suy rộng thêm, học sinh chỉ cần chép bài đầy đủ theo lời thầy cô đọc, mỗi môn vài quyển, trước khi đi thi chỉ cần đặt lên ban thờ, thắp hương, vái và khấn cầu, xin âm dương, chắc chắn sẽ đỗ!
Thay vì dạy các kiến thức và kỹ năng, các thầy cô đã dạy những tài năng trẻ từ rất sớm kỹ năng cúng lễ, khấn cầu!
Thay vì dạy học trò tin vào tri thức của mình, tin vào tư duy biện chứng, người ta dạy trò giỏi từ lớp 1, lớp 2 tin vào vận may rủi, tin vào ảo vọng, tin vào hư không!
Chuyện học sinh giỏi lễ chùa rồi mới đi thi còn nhiều chương thú vị lắm chưa kể!