Tuần trước, Chính phủ đã có phiên họp góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi vừa được Thanh tra Chính phủ hoàn thiện. Một vấn đề đặc biệt quan tâm ở lần sửa đổi này là chuyện kê khai tài sản và công khai bản kê khai tài sản của các đối tượng phải kê khai.
Liệu việc sửa đổi đạo luật quan trọng này có đem đến một kết quả khả quan hơn cho công cuộc chống giặc nội xâm?
Nguy cơ tham nhũng cao thì phải kê khai
Việt Nam ta có hai đặc điểm riêng biệt liên quan đến vấn đề kê khai: Một là hiện nay chúng ta dùng tiền mặt trong các giao dịch rất nhiều và gần như ít có những hạn định ràng buộc kèm theo. Thứ hai là tình trạng tham nhũng đang diễn ra mang tính phổ biến và ngày cành tinh vi. Chính vì điều này, việc kê khai tài sản không phải là một hoạt động bình thường mà là hoạt động theo dõi. Có thể hiểu việc kê khai tài sản được xem như một hình thức để giám sát đạo đức công vụ nhằm ngăn ngừa tham nhũng.
Cho nên nếu xác định đối tượng kê khai một cách rộng rãi như các nước là chưa phù hợp trong tình hình hiện nay. Tôi nghĩ cần tập trung vào những đối tượng chủ chốt, đang nắm những vị trí quyền lực có nguy cơ xảy ra tham nhũng, chứ không nhất thiết cứ là đảng viên thì phải kê khai tài sản. Quy định quá rộng như dự thảo sẽ gây khó khăn trong việc giám sát kê khai và khó đạt được mục đích của việc PCTN. Điều này giải thích vì sao trong thời gian qua chúng ta tiến hành kê khai nhưng việc giám sát kê khai lại không thực hiện đến nơi đến chốn. Vì vậy việc phát hiện ra những trường hợp kê khai không trung thực là rất khó khăn, nếu không muốn nói là hiếm hoi. Nếu sửa luật mà vẫn tiếp tục mở rộng đối tượng như thế này thì sẽ khó khăn cho công cuộc phòng ngừa tham nhũng từ việc kê khai tài sản.
Việc kê khai tài sản được xem như một hình thức để giám sát đạo đức công vụ nhằm ngăn ngừa tham nhũng. Ảnh: HTD
Mặt khác, vấn đề quan trọng của kê khai là phải công khai. Vì kê khai mà không công khai thì đồng nghĩa với việc gạt bỏ giám sát của hệ thống và xã hội. Nhưng sẽ khó mà công khai một cách hiệu quả từ sự giám sát xã hội với lượng đối tượng kê khai lớn như thế này. Ở đây, việc công khai phải mang lại tính thiết thực và có tính hiệu lực. Muốn thế, việc công khai và cả đối tượng công khai đều phải có trọng điểm; được thực hiện đúng người, đúng lúc.
PGS-TS ĐẶNG NGỌC DINH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng
Quan trọng là có muốn làm hay không
Tôi lại có suy nghĩ khác. Khó khăn lớn nhất là chúng ta có định làm một cách triệt để hay không. Cái lớn nhất hiện nay là quyết tâm của Nhà nước trong PCTN. Nếu chúng ta đủ quyết tâm thì hãy ban hành luật này. Nếu chưa định làm triệt để, hay chưa đủ quyết tâm làm thì hãy dừng lại kẻo sẽ thành chuyện “đánh trống bỏ dùi”. Vấn đề vẫn là ở chỗ chúng ta có quyết tâm làm hay không, có né tránh những cán bộ đương nhiệm hay không.
Ví dụ, dư luận hiện nay rất râm ran chuyện quan chức giàu bất thường, hiện tượng “sân sau” của các quan chức hiện nay rất phức tạp. Theo tôi, nên chọn điển hình để xử lý cho đủ kinh nghiệm rồi hãy thông qua luật. Chọn điển hình quan chức cả to, cả vừa, cả nhỏ nhưng làm thật kiên quyết để xem có làm được hay không. Như vậy cũng là tiếng trống báo hiệu mọi cán bộ hãy dừng tay tham nhũng lại cho dân nhờ và để rút ra kinh nghiệm cho việc soạn luật.
Chúng ta có một tấm gương sáng đó là sự công khai tài sản của Hồ Chủ tịch. Từ lúc về nước năm 1941 cho đến tận cuối đời, tài sản Bác có gì thì cả nước và có lẽ cả thế giới đều biết: Một cái va li mây, một cái gậy song, mấy bộ quần áo, một đôi dép lốp, một cái mũ, một cái radio... Vấn đề là đã là cán bộ, đảng viên thì phải giữ mình liêm khiết, trong sạch, hưởng đúng tiêu chuẩn Nhà nước hoặc do làm thêm một cách chính đáng. Ai giàu có quá mức thì dân đều biết, cơ quan đều biết và khi đó cần có sự giám sát nghiêm minh của cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên đó.
Giảng viên đại học cũng phải kê khai
Theo Điều 50 dự thảo Luật PCTN sửa đổi, đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập rất rộng. Trong đó, ngoài các vị trí lãnh đạo chủ chốt thuộc cơ quan Đảng, chính quyền các cấp thì các đối tượng sau cũng phải kê khai:
- Giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, bác sĩ chính, nghiên cứu viên chính tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước.
- Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.
- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường mầm non, tiểu học của Nhà nước tại quận, thị xã, TP thuộc tỉnh; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường THCS, THPT, trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà nước; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên chính trường đại học, cao đẳng của Nhà nước.
- Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân do Chính phủ quy định.
MINH CƯỜNG/Pháp luật TPHCM