Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được các đại biểu thảo luận ở kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Các nội dung đóng góp của đại biểu sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, dự án luật sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp tới.
Đến nay, các đại biểu, dư luận rất quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm nhưng không giải trình được nguồn gốc hợp lý của cán bộ. Phương án xử lý với loại tài sản này vẫn chưa ngã ngũ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), cán bộ, quan chức không kê khai tài sản đủ có nhiều nguyên nhân.
Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh ủng hộ theo đuổi hướng xử lý tài sản không rõ nguồn gốc phải dựa vào bằng chứng. (Ảnh: Báo Đất Việt) |
Ông cho rằng, nhiều người không kê khai đủ tài sản không phải do tham nhũng mà nguyên nhân có thể là để trốn thuế thu nhập cá nhân.
Ví dụ như họ chơi casino được, do trúng xổ số, thừa kế…, họ khai ra sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tài sản này rõ ràng không phải là do tham nhũng.
Theo ông, với loại tài sản này muốn chứng minh tài sản đó là tham nhũng đang có hai cách hiểu.
Cách hiểu thứ nhất là nếu chủ sở hữu không nói được nguồn gốc từ đâu mà có thì đương nhiên coi đó là tài sản tham nhũng.
Ví dụ, vị nào có 3 cái nhà, 1 cái khai là do từ lương, thu nhập nên mua được. Hai căn nhà không kê khai, nhiều người tư duy rằng đó là tham nhũng. Đó cũng là một cách lý giải.
Một cách hiểu nữa là phải tìm ra bằng chứng 2 căn nhà không kê là do tham nhũng. Tức là cơ quan thanh, kiểm tra phải tìm ra ai đưa, chuyển khoản vào ngày này, ngày kia nên quan chức đó mới mua được nhà.
Ví dụ, quan chức có ô tô thì phải có bằng chứng chính xác là doanh nghiệp nào tặng, mua cho vào ngày nào…Như vậy, ở đây, cơ quan quản lý chỉ khi nào tìm ra bằng chứng, lúc đó, mới kết luận tài sản đó của quan chức là do tham nhũng.
“Không thể vào nhà họ thấy họ có tài sản, có tiền không rõ nguồn gốc ở đâu mà bảo đó là tài sản tham nhũng. Điều này là không hẳn đúng”, Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh nói.
Theo Tiến sĩ Dinh, điều gây tranh cãi chính là như vậy.
Theo quan điểm của Tiến sĩ Dinh, thậm chí nếu bắt quan chức nào mà họ tự nhận tham nhũng cũng không nên chấp thuận.
Phải có bằng chứng chính xác. Đó mới là nền pháp trị công bằng. Công lý phải dựa vào bằng chứng.
“Theo cá nhân tôi, việc xử lý tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc hợp lý tiếp cận với cách thức trọng bằng chứng là chính xác, quan trọng”, Tiến sĩ Dinh nêu quan điểm
Nếu không tìm ra bằng chứng mà tài sản của quan chức lệch quá mức, không giải trình được nguồn gốc, có thể suy luận là họ biết nguồn gốc từ đâu nhưng giấu.
Vì vậy, đánh thuế, đóng khung khoản đó lại để xem xét như dự thảo luật phòng, chống tham nhũng là hợp lý.
Mức phạt hành chính hay đánh thuế 45% theo Tiến sĩ Dinh cũng giúp Nhà nước thu được khá nhiều. Bên cạnh đó, việc khoanh vùng loại tài sản đó lại và nếu vi phạm pháp luật sẽ vẫn bị xử lý là hướng tiếp cận đúng.
“Chúng ta không nên dựa vào việc chưa có bằng chứng mà tịch thu toàn bộ, hay đưa họ ra tòa được”, Tiến sĩ Dinh nhấn mạnh.
Ông nêu thực tế, các nước chủ yếu giao dịch qua tài khoản nên nếu tài sản biến động bất hợp lý học truy tài khoản là ra ngay.
Cái khó lớn nhất của Việt Nam khác với các nước là chúng ta có nền kinh tế sử dụng tiền mặt. Thậm chí, một số vụ án đã được xét xử, các bị cáo khai là mang valy đô la để đưa thì cũng rất khó biết.
Chúng ta phải từ từ khắc phục chứ không thể vì kinh tế tiền mặt mà quy rằng họ có nhiều tiền là tham nhũng.
Theo ông, việc xử lý các khoản tài sản này phải trên căn cứ pháp luật chứ không thể suy diễn hoặc dựa trên tình cảm. Nó sẽ dẫn đến tùy tiện trong thực thi.
Gần 90 triệu dân nhớ nguồn gốc tài sản, sao 4 triệu cán bộ lại có người không? |
“Theo tôi, việc xử lý tài sản của quan chức không rõ nguồn gốc vẫn phải theo đuổi hướng trọng bằng chứng”, Tiến sĩ Dinh cho biết.
Ông Đặng Ngọc Dinh cho rằng, với các cán bộ bị phát hiện là kê khai không trung thực thì không bổ nhiệm tiếp.
Thậm chí là cách chức, chắc chắn dễ thực hiện và nhận được sự đồng thuận trong dư luận.
Theo ông, điều này hoàn toàn có thể làm được. Vì nó vi phạm nguyên tắc trung thực của một cán bộ làm việc trong các cơ quan công vụ.
“Theo tôi việc xử lý cán bộ kê khai không trung thực nên đánh vào con đường bổ nhiệm, thăng tiến của quan chức”, Tiến sĩ Dinh đưa hướng xử lý.