Liên tiếp những ngày qua, lực lượng chức năng các địa phương đã bắt giữ nhiều đối tượng có dấu hiệu kích động đám đông, tụ tập trái phép bày tỏ sự không đồng tình đối với các dự án Luật được bàn thảo ở Quốc hội.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, việc tụ tập đông người, xuống đường biểu tình gây ách tắc giao thông, thậm chí đập phá trụ sở chính quyền là sự việc đáng tiếc.
Cần thông tin kịp thời để người dân không bị lôi cuốn vào sự việc có tính chất tự phát
Những người tham gia vụ việc này cũng đã không hiểu thấu đáo thông tin, dễ bị nhầm lẫn giữa thật-giả, bị kẻ xấu xúi giục, kích động, thậm chí bị lôi kéo bởi những lời lẽ mị dân, dẫn đến những hành động gây mất ổn định.
Điều này đã ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước, và sâu xa đã ảnh hưởng tới chính cuộc sống của người dân.
Sự việc đáng tiếc đã xảy ra và các cấp ngành cũng đã có những biện pháp kịp thời để giải quyết.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo. Ảnh: VOV |
Rõ nhất là việc Quốc hội đã dừng việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để lùi lại vào kỳ họp tới, để tiếp tục suy nghĩ thấu đáo, kỹ lưỡng hơn, tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia và cân nhắc mọi yếu tố trong việc thông qua một dự án luật liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà cũng liên quan đến chính cuộc sống người dân.
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, từ sự việc xảy ra ở Bình Thuận hay một số địa phương khác cần phải rút kinh nghiệm về nhiều mặt.
Qua sự việc cũng cho thấy, rõ ràng nếu các địa phương kịp thời, nhạy bén, có những phản ứng linh hoạt để giữ ổn định bằng cách thông tin kịp thời cho dân chúng, kể cả biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động để cho dân chúng không bị lôi cuốn vào sự việc có tính chất tự phát như vậy, vô hình trung đã vi phạm pháp luật.
“Rõ ràng yếu tố thông tin rất quan trọng, thông tin thông suốt từ trên xuống dưới, nhất là các địa phương, những người lãnh đạo quản lý ở địa phương đều phải có tầm nhìn chiến lược và phải kịp thời thông tin cho dân chúng được biết, có sự hướng dẫn cả những hành động tích cực; phòng ngừa, ngăn chặn những hành động tiêu cực, hội chứng đám đông, những tác động tâm lý nhất là đối với lớp trẻ.
Đó cũng là những điều phải rút kinh nghiệm” – Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho biết.
Từ câu chuyện kích động gây rối ở một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy câu chuyện dân chủ luôn luôn có giá trị lâu dài.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới vấn đề tiếp dân, giải quyết tại cơ sở những nhu cầu, lợi ích thường nhật của dân, đồng thời rất chú trọng tới vấn đề giáo dục, tuyên truyền động viên để nhân dân hiểu rõ sự thật.
“Qua sự việc đã xảy ra vừa qua, điều chúng ta phải chú trọng đó là phải trở lại những bài học rất cơ bản về dân chủ, trong đó có vấn đề tiếp dân, để thông tin cho dân biết, trong đó có việc trả lời chính xác, minh bạch những điều mà dân chất vấn.
Những gì hợp lý với dân mà có thể thực hiện trong thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì phải giải quyết ngay cho dân.
Đây là biện pháp tích cực nhất để giữ được ổn định chính trị-xã hội, thỏa mãn yêu cầu của nhân dân trong khuôn khổ của luật pháp”- nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho biết.
Kẻ xấu đã “kinh doanh” ngay trên lòng yêu nước của người dân
Lòng yêu nước là phẩm chất rất cao quý, là giá trị tinh thần, nhân dân thể hiện lòng yêu nước của mình nhưng phải hiểu biết, giác ngộ và bất cứ hành vi dù lớn nhỏ đều đặt trong hành lang luật pháp.
Nhìn từ những vụ tụ tập đông người, kích động gây rối vừa qua, đặc biệt là việc đập phá cơ quan chính quyền ở Bình Thuận, cho thấy lòng yêu nước của người dân đã bị kẻ xấu lợi dụng, hay nói cách khác, chúng đã “kinh doanh” ngay trên tình cảm yêu nước chân thành của người dân.
Cuộc gây rối lần thứ 2 ở Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận đã được dập tắt nhanh chóng nhờ lực lượng hỗ trợ của Bộ Công an. Ảnh: VOV |
Theo dõi khá sát việc giải quyết các điểm nóng những ngày qua của lực lượng chức năng, Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm bằng cách tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho người dân, nhất là lớp trẻ, đồng thời phải luôn luôn chú trọng vào việc quản lý xã hội một cách khoa học, chặt chẽ, đúng luật pháp; đồng thời phân hóa những người do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, trình độ hạn chế dẫn tới hành vi sai trái với những kẻ xấu có tính chất cầm đầu kích động, phá hoại.
“Phải dùng luật pháp để nghiêm trị những kẻ xấu, những kẻ làm trái pháp luật”- ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta".
Người yêu nước phải luôn tỉnh táo và hành động có trách nhiệm với Quốc gia |
Đó là tinh hoa, phẩm cách của người Việt Nam.
Vì vậy phải làm sao đưa giá trị yêu nước, ý thức dân tộc chân chính đó vào những việc làm xây dựng đất nước, giữ vững ổn định chính trị để thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển lành mạnh, đạt cho được mục tiêu mà Đảng đã xác định “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”.
Đó là chỗ thể hiện tốt đẹp nhất và xứng đáng nhất về lòng yêu nước của mỗi người dân, bất cứ ở cương vị nào, lứa tuổi nào, giới tính nào.
Lòng yêu nước luôn luôn phải trở thành một động lực tinh thần cao quý mà mỗi người cần gìn giữ, phát huy và không bao giờ để kẻ xấu lợi dụng vào việc làm gần như chống lại Tổ quốc, dân tộc mình.
Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách kích động, mị dân, lừa dối, thậm chí bằng những biện pháp tinh vi như cung cấp thông tin giả mạo, cung cấp tiền tài, vật chất.
Nếu người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ không đủ tỉnh táo, sáng suốt, thì rất dễ trở thành con rối, một công cụ trong tay kẻ xấu chống lại chính mình mà mình không biết.
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc tương tự cũng cần phải giáo dục cả lòng tự trọng, danh dự, ý thức pháp luật, ý thức dân tộc và "phải luôn ghi nhớ rằng yêu nước thì phải làm gì cho ích nước lợi dân, nếu làm việc gì không đúng như vậy thì phải tỉnh táo để phòng ngừa, chống lại”.